Bí thư Đà Nẵng nhận trách nhiệm vụ chìm tàu

“Chúng tôi nhận trách nhiệm trong quản lý nhà nước đối với vụ tai nạn vừa rồi. Thường vụ Thành ủy cũng đã họp và đưa ra hướng xử lý, cách chức, sa thải một số người có liên quan, chuyển cơ quan công an nhanh chóng khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Hướng sẽ là xử lý rất nghiêm, không bao che, đưa ra xét xử sớm, công khai…”. Sáng 9-6, tại cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh thẳng thắn nói.

“Thấy xấu hổ...”

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh nhìn nhận: “Vụ chìm tàu Thảo Vân 2 do hoạt động du lịch “chui” trên sông Hàn làm ba người chết là rất đáng tiếc. Chúng tôi họp phê bình rất gay gắt. Sắp tới, chúng tôi sẽ cử một phó chủ tịch UBND TP tới thăm và gửi thư chia buồn hai gia đình có người gặp nạn. Cái gì chúng tôi có thể làm thì chúng tôi đã làm hết sức. Chúng tôi cũng nhìn nhận rằng nếu quản lý tốt thì sẽ không xảy ra sự việc trên, không thể đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan. Chúng tôi cũng sẽ chuyển cho Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đề xuất cách xử lý và báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy trách nhiệm của lãnh đạo Sở GTVT, Sở Du lịch”.

“Rất nhiều người quan tâm tới Đà Nẵng nên xảy ra sự cố gì là cả nước đều biết. Rất là rùm beng, TP cũng cảm thấy xấu hổ vì việc đó” - ông Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh.

Sau đó,Pháp Luật TP.HCMđã trực tiếp gặp ông Lê Văn Trung (Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng) để hỏi về trách nhiệm của ông trong vụ việc này cũng như hướng xử lý sự cố. Tuy nhiên, ông Trung khước từ: “Tôi bận quá. Tôi phải đi đã, không trả lời được”.

Ngoài ra, chúng tôi đã nhiều lần liên lạc qua điện thoại với ông Ngô Quang Vinh (Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng) nhưng ông không nhấc máy.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhìn nhận trách nhiệm và yêu cầu làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo Sở GTVT, Sở Du lịch. Ảnh: LÊ PHI

Cấm hoán đổi tàu cá thành tàu du lịch

Tại cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh thông tin: “Hướng xử lý sắp tới là những tàu nào đủ tiêu chuẩn sẽ cho hoạt động ngay để sông Hàn không quá trầm lắng. Còn việc hoán cải tàu cá sang tàu du lịch là chấm dứt. Không cho bất cứ tàu cá nào hoán cải thành tàu du lịch nữa. Cấm luôn, không cho phép nữa”.

Bí thư Thành ủy cũng cho rằng sẽ có cơ chế ưu tiên đóng mới tàu chuyên về du lịch để cho đúng bài bản và sẽ quản lý chặt chẽ.

Những ai có mặt đêm xảy ra vụ chìm tàu?

Qua tìm hiểu của Pháp Luật TP.HCM, trong báo cáo gửi Thường trực Thành ủy Đà Nẵng của ông Lê Văn Trung (Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng) về vụ tàu chìm thì đến nay Sở GTVT đã cấp phép cho 17 doanh nghiệp, hộ kinh doanh vận tải. Ba phương tiện chưa đủ điều kiện cấp phép vận tải là Hoàng Long Yến, Đại Thành, Thảo Vân 2.

Theo báo cáo, các lực lượng tham gia trực hằng đêm tại Cảng sông Hàn bao gồm: Cảng vụ đường thủy nội địa, Đội Quản lý Cảng sông Hàn, Thanh tra Sở GTVT, bộ đội biên phòng, Đội CSGT đường thủy. Công tác trực được phân công thực hiện theo quy trình và có sổ trực, ghi chép đầy đủ…

Tại thời điểm xảy ra sự cố, lực lượng chức năng đã làm thủ tục cho 22 phương tiện thực hiện 68 lượt vận tải với 1.204 hành khách.

“Trong khoảng thời gian này, lợi dụng tình hình đông khách, các lực lượng đang tập trung xử lý thì Thảo Vân 2 tự ý bắt khách dẫn đến tai nạn đáng tiếc” - báo cáo của ông Trung nêu.

Cũng theo báo cáo gửi Thường trực Thành ủy của ông Lê Văn Trung: “Đây là sự thiếu sót, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý an ninh trật tự đối với phương tiện đậu, đỗ tại bến của đội quản lý cảng, cảng vụ thủy nội địa, CSGT đường thủy, trạm biên phòng cửa khẩu sông Hàn. Cạnh đó là sự chỉ đạo không quyết liệt của lãnh đạo các đơn vị liên quan đã để xảy ra vụ chìm tàu”.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy