Theo đó ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng, đã có báo cáo gửi Thường trực Thành ủy Đà Nẵng sau vụ chìm tàu Thảo Vân 2 làm ba người chết và 53 người bị thương vào đêm 4-6.
Trong báo cáo này, ông Trung đã dẫn một số ý về mặt quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa trong đó có dẫn Quyết định số 331 do ông Trung ký phân công một phó giám đốc Sở phụ trách công tác quản lý nhà nước về nhiệm vụ vận tải.
Cũng theo ông Trung, đến nay Sở GTVT đã cấp phép cho 17 doanh nghiệp, hộ kinh doanh với tổng số lượng phương tiện 27 chiếc, 3 phương tiện chưa đủ điều kiện cấp phép vận tải (Hoàng Long Yến, Đại Thành, Thảo Vân 02). Tính từ đầu năm đến nay tổng số lượt phương tiện xuất bến và cập bến an toàn là 8.848 lượt với tổng số hành khách 98.628 người. Riêng thống kê trong tháng 5-2016 có 1.911 lượt phương tiện với tổng số 23.238 lượt hành khách xuất cảng sông Hàn (bình quân 774 lượt hành khách/đêm và 63 lượt phương tiện/đêm).
Cũng theo báo cáo gửi Thường trực Thành ủy Đà Nẵng của ông Trung thì Cảng vụ Đường thủy nội địa TP Đà Nẵng là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở GTVT TP được thành lập tại Quyết định số 4907/QĐ-UBND ngày 07 tháng 7 năm 2015 của UBND TP Đà Nẵng. Tính đến nay CNVC-LĐ Cảng vụ tổng số tám người cơ cấu tổ chức gồm ban giám đốc (hai người) và hai phòng nghiệp vụ có sáu người.
Khu vực cảng sông Hàn nơi các tàu du lịch hoạt động đón khách và rời bến. Ảnh: LÊ PHI
Cảng vụ Đường thủy nội địa đã áp dụng thực hiện thủ tục hành chính bắt đầu từ ngày 18-12-2015 bố trí nhân viên thực hiện công việc 3 ca/ngày trực tiếp tại cảng cho việc thực hiện xuất bến và vào bến theo đúng quy trình.
Trong báo cáo này cũng nói rõ về Quy trình kiểm soát có bốn bước cụ thể:
Bước 1: Thuyền trưởng hoặc chủ phương tiện liên hệ, thông báo với Cảng vụ, Đội Quản lý cảng sông Hàn để biết kế hoạch và thời gian phương tiện rời bến và trình làm thủ tục (Giấy tờ phải nộp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường còn hiệu lực; Sổ danh bạ thuyền viên, giấy phép rời cảng bến cuối cùng; Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa; Bằng hoặc giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện; Hợp đồng vận chuyển hành khách, danh sách hành khách).
Bước 2: Cảng vụ Đường thủy nội địa tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra tính hợp lệ và đầy đủ giấy tờ theo quy định và yêu cầu bổ sung hoàn thiện nếu hồ sơ chưa đầy đủ. Trường hợp đầy đủ sẽ giải quyết ngay.
Bước 3: Cảng vụ và Đội Quản lý cảng sông Hàn đối chiếu kiểm tra số lượng hành khách đăng ký lên tàu so với số lượng hành khách cho phép của phương tiện trước khi cấp phép rời bến.
Bước 4: Sau khi có giấy phép rời bến thuyền trưởng trình báo đến Trạm biên phòng cửa khẩu sông Hàn kiểm soát cuối cùng trước khi phương tiện rời bến.
Về phân công trực, theo báo cáo của ông Lê Văn Trung (Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng) thì các lực lượng tham gia trực hằng đêm tại Cảng sông Hàn bao gồm: Cảng vụ Đường thủy nội địa, Đội Quản lý Cảng sông Hàn, Thanh tra Sở GTVT, Bộ đội Biên phòng, Đội CSGT đường thủy. Công tác trực được phân công thực hiện theo quy trình và có sổ trực, ghi chép đầy đủ. Cụ thể: Cảng vụ (3 người); Đội Quản lý Cảng sông Hàn (3 người); lực lượng thanh tra sở (1 người); Đội CSGT đường thủy (1 người); lực lượng biên phòng (2 người).
Báo cáo gửi Thường trực Thành ủy Đà Nẵng của ông Trung cũng nêu rõ các biện pháp đã áp dụng đối với tàu Thảo Vân 02 (ĐNa-0016) như: Thanh tra Sở GTVT, Cảng vụ Thủy nội địa, CSGT đường thủy đã nhiều lần mời chủ phương tiện, lái tàu ĐNa-0016 đến làm việc, lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu chấm dứt việc đưa phương tiện ra hoạt động kinh doanh.
Theo đó, tại thời điểm lực lượng cảng vụ cùng phối hợp với các đơn vị làm thủ tục trong đêm cho các phương tiện đủ điều kiện hoạt động là 68 lượt vận tải, cho 22 phương tiện với số lượng hành khách khá đông là 1.204 khách. Trong khoảng thời gian này lợi dụng tình hình đông khách và các lực lượng đang tập trung xử lý thì phương tiện Thảo Vân 02 ĐNa-0016 tự ý bắt khách và nhanh chóng vận chuyển ra ngoài sông trong vòng 10-15 phút xảy ra sự cố tai nạn đáng tiếc.
“Nhận được thông báo cảng vụ, đội quản lý bến, CSGT đường thủy, trạm biên phòng ngay lập tức liên lạc với lãnh đạo và các cơ quan chức năng và điều các phương tiện đang neo đậu tại cảng ra ứng cứu kịp thời. Đây là sự thiếu sót, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý an ninh trật tự đối với phương tiện đậu đỗ tại bến của Đội quản lý cảng, Cảng vụ Thủy nội địa, CSGT đường thủy, Trạm Biên phòng cửa khẩu sông Hàn và sự chỉ đạo không quyết liệt của lãnh đạo các đơn vị liên quan đã để xảy ra vụ chìm tàu đáng tiếc nói trên”, báo cáo của ông Lê Văn Trung nói.