Cá chết do độc tố hoặc ‘thủy triều đỏ’?

Sau hơn năm tiếng trì hoãn, đúng 20 giờ ngày 27-4, cuộc họp báo công bố nguyên nhân cá biển chết hàng loạt trong thời gian qua ở bốn tỉnh miền Trung do Bộ TN&MT tổ chức mới diễn ra. Cuộc họp báo do Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân chủ trì. Trước đó, sau khi kết thúc cuộc họp kín với các chuyên gia, bộ ngành và các tỉnh liên quan, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã ra sân bay vào Sóc Trăng công tác.

Phát biểu trước hơn 100 phóng viên của các cơ quan truyền thông trong nước và quốc tế, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết: Hiện tượng cá chết hàng loạt trong những ngày qua đã khiến dư luận quan tâm, nhiều người dân lo lắng hoang mang. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ TN&MT họp với các bộ ngành, bốn tỉnh, thành từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế và nhiều chuyên gia để tìm ra nguyên nhân.

Theo ông Nhân, đây là vấn đề phức tạp, xảy ra nhiều nơi trên thế giới. Có trường hợp nhiều nước phải mất nhiều năm mới tìm được nguyên nhân. “Có hai nguyên nhân chính dẫn đến cá chết hàng loạt: Một là do hoạt động của con người, thải chất độc ra môi trường. Hai là do tác động của thiên nhiên, còn gọi là thủy triều đỏ” - ông Nhân nói.

Rất đông PV ngồi chờ đợi từ 14 giờ tới 20 giờ. Nhưng cuộc họp ngắn ngủi đã khiến họ ngỡ ngàng. Ảnh: ĐặNG TRUNG

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu chỉ khoảng 7 phút đồng hồ. Ảnh: PHI HÙNG

“Để xác định nguyên nhân cụ thể về hiện tượng cá chết hàng loạt và có giải pháp ứng phó lâu dài với các thảm họa tương tự, cần làm rõ hai nhóm nguyên nhân nói trên. Bộ KH&CN sẽ chủ trì huy động và điều phối các cơ quan nghiên cứu khoa học để thực hiện các nghiên cứu nói trên. Nếu cần thiết sẽ phải huy động các tổ chức, cá nhân khoa học quốc tế để kiểm chứng” - ông Nhân nói.

Cũng theo ông Nhân, qua đánh giá của các cơ quan, các nhà khoa học thì tại khu vực các tỉnh trên chưa phát hiện các chỉ số môi trường vượt tiêu chuẩn quy định. Bộ KH&CN đang nỗ lực tìm kiếm thêm. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT sẽ cung cấp thông tin về độc tố, đưa ra các khuyến cáo về đánh bắt, nuôi trồng và tiêu thụ hải sản.

Sau bảy phút trình bày, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cùng hai đại diện của Bộ TN&MT bất ngờ rời khỏi hội trường mà không trả lời bất cứ câu hỏi nào của giới truyền thông.

Thủy triều đỏ là gì?

Thủy triều đỏ hay sự “nở hoa” của tảo là cách gọi để chỉ hiện tượng bùng nổ về số lượng của tảo biển. Thủy triều đỏ có khi làm nước biển màu đỏ, có khi màu xanh, màu xám hoặc như màu cám gạo... Vi khuẩn trên tảo bị phân hủy làm giảm thiểu nhanh chóng hàm lượng ôxy trong nước, tạo ra độc tố và đó chính là nguyên nhân làm chết nhiều loài sinh vật biển trong tự nhiên và nuôi trồng.

Mầm mống của tảo sẵn có trong nước biển và cả trong các hồ nước ngọt nên có thể “nở hoa” bất cứ ở đâu khi gặp điều kiện thuận lợi, như nhiệt độ tăng, việc trao đổi nước kém hay ô nhiễm môi trường biển... Ở ven biển nước ta có khoảng 70 loài tảo có thể gây ra thủy triều đỏ.

Tháng 7-2002, ở Bình Thuận xảy ra thảm họa thủy triều đỏ với vùng bị ảnh hưởng rộng khoảng 40 km2. Nước biển bỗng đỏ rực, sau chuyển sang xanh thẫm, rồi đen ngòm như nước cống. Hầu hết sinh vật biển trong vùng ảnh hưởng bị tiêu diệt. Cua, cá chết la liệt, san hô chết bạc trắng; rong biển, cỏ biển cũng chết. Có 82 người phải nhập viện do tắm biển với các triệu chứng ngứa, phồng rộp da.

Nghiêm cấm sử dụng, kinh doanh, tiêu thụ thủy hải sản chết bất thường

Chiều tối 27-4, báo điện tử Chính phủ đưa tin Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký công điện về việc nghiêm cấm sử dụng, kinh doanh, tiêu thụ thủy, hải sản chết bất thường tại các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế.

Công điện nêu rõ: Từ ngày 6 đến ngày 18-4-2016, tại khu vực ven biển thuộc địa phận các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế đã xảy ra hiện tượng thủy sản nuôi trồng và thủy, hải sản tự nhiên chết bất thường. Một số phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin người dân thu gom, sử dụng trái phép thủy, hải sản chết bất thường.

Để bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe của người dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ NN&PTNT hướng dẫn UBND các tỉnh trên chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành thu gom, xử lý hết, kịp thời số lượng thủy, hải sản chết; tăng cường tuyên truyền về việc mất an toàn thực phẩm, hướng dẫn người dân không sử dụng các sản phẩm từ thủy, hải sản chết; nghiêm cấm việc tiêu thụ, thu gom, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng thủy, hải sản chết làm thực phẩm cho người và thức ăn cho gia súc, gia cầm.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế hướng dẫn các tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng, chuyên ngành thực hiện ngay công tác thanh tra, kiểm tra các mặt hàng thủy, hải sản dùng làm thực phẩm cho người, nguyên liệu thức ăn cho gia súc, gia cầm bảo đảm an toàn thực phẩm.

THU NGUYỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm