Không chỉ Tổng Bí thư, các lãnh đạo cao cấp nhất của Nhà nước, từ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đến Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã khẳng định về việc xử lý tới cùng những sai phạm của Formosa Hà Tĩnh. Người dân có thể tin tưởng rằng: Những cá nhân đã buông lỏng quản lý, “nhắm mắt ký bừa” cho Formosa “qua mặt” xả chất độc hủy hoại môi trường sẽ được xử lý nghiêm minh.
Vì Formosa Hà Tĩnh xả thải độc hại, một vùng biển rộng lớn của bốn tỉnh miền Trung đang bị ô nhiễm, hàng triệu ngư dân phải bỏ nghề, hàng vạn gia đình lâm vào khó khăn, nhất là môi trường biển tại đây nhiều chục năm sau vẫn không thể khôi phục nguyên trạng…
Trước đó, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, Formosa xả chất độc hại là một chủ đề nóng tại nghị trường trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội năm 2016. Những tiếng nói kiên quyết của các đại biểu Quốc hội đã vang lên như một mệnh lệnh từ cử tri và nhân dân: “Cần có cơ chế xử lý trách nhiệm cá nhân, kể cả những người đã không còn đương chức”, bởi Formosa như một “quả bom” môi trường nằm sát kề, ai mà không lo lắng?
Ai đã cho phép Formosa đem “quả bom” môi trường này về Hà Tĩnh? Họ sẽ phải chịu trách nhiệm gì? Những câu hỏi này cần được trả lời minh bạch và có cơ sở pháp lý. Bởi Formosa không thể ung dung “nhảy” vào Vũng Áng mà gây ra thảm họa môi trường nếu khung khổ pháp luật được tuân thủ nghiêm minh và những cảnh báo về Formosa như một tác nhân gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường được xem xét đúng với tầm quan trọng của nó.
Lời hứa của các lãnh đạo chủ chốt, những mệnh lệnh dứt khoát từ nghị trường cũng cho phép người dân có thêm niềm hy vọng vào tinh thần thượng tôn pháp luật, vốn là lý do chính khiến một thể chế được coi là dân chủ.
Xử lý tới cùng những tác nhân gây ra thảm họa môi trường tại miền Trung không chỉ trả lại niềm tin về một nhà nước “của dân, do dân và vì dân”, mà còn là hành động cụ thể để thể hiện rõ về một nhà nước pháp quyền XHCN, nói đi đôi với làm.