Dù tiền bồi thường cho ngư dân bị thiệt hại từ sự cố Formosa xả thải đã về đến địa phương nhưng hiện nay rất nhiều bà con ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) vẫn chưa thể nhận được nguồn tiền này. Lý do là chính quyền yêu cầu người nhận tiền phải là “chính chủ” - tức người được liệt kê trong danh sách thiệt hại. Trong khi đó hàng trăm người trong số này đã xuất khẩu lao động nước ngoài trong năm 2016 (theo chủ trương hỗ trợ của Chính phủ).
Muốn lấy tiền để trả vay “nóng” xuất khẩu lao động
Những ngày qua, bà Nguyễn Thị Ánh (63 tuổi, ở thôn Yên Lợi, xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) lên xã, huyện xin nhận khoảng 45 triệu đồng tiền “bồi thường thiệt hại từ Formosa chi trả” cho con trai của mình. Tuy nhiên, tiền đã về đến kho bạc huyện Nghi Xuân nhưng cán bộ chính quyền địa phương chưa thể chi trả bởi hai người con của bà Ánh đang ở Đài Loan.
Bà Ánh buồn rầu nói: “Trước đây, con trai tôi là Hoàng Văn Tuấn cùng bố đi chung một thuyền công suất 24 CV ra khơi đánh bắt hải sản. Nhưng sau ngày cá bốn tỉnh miền Trung bị chết do sự cố Formosa gây ra, thuyền phải gác máy. Ngư dân nằm bờ không thể ra khơi, chính quyền xã khuyến khích đi xuất khẩu lao động. Tôi đi vay nóng 160 triệu đồng để làm thủ tục cho con sang Đài Loan. Vừa qua, người bố được bồi thường gần 92 triệu đồng, con 45 triệu đồng nhưng khi vợ chồng tôi lên nhận tiền để về trả ngân hàng thì họ không cho nhận số tiền của con vì con đang ở Đài Loan. Cả cán bộ xã và huyện yêu cầu nộp hợp đồng đi xuất khẩu lao động, visa của con tôi, hộ chiếu phôtô của con, giấy ủy quyền viết tay nhưng tôi vẫn chưa nhận được tiền”.
Bà Trịnh Thị Thúy (52 tuổi, ở thôn Yên Ngư, xã Xuân Yên) cũng rơi vào trường hợp tương tự khi nhận tiền bồi thường cho trường hợp con trai của mình. “Sau sự cố môi trường, khi có chủ trương chuyển đổi nghề thì con tôi lên UBND xã Xuân Yên xin vay hết 150 triệu đồng không lãi suất để làm thủ tục đi xuất khẩu lao động nhưng xã nói không có tiền. Chúng tôi phải đi vay nóng ở ngoài 150 triệu đồng để con đi Đài Loan. Giờ con được bồi thường 45,9 triệu đồng thì họ bắt bẻ không cho nhận để về trả nợ cho con. Chúng tôi xin làm giấy cam kết để nhận tiền thì cán bộ chính quyền trả lời có giấy cam kết cũng không được”.
Người thân của các ngư dân đang đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài mang giấy tờ đi xin nhận tiền bồi thường sau sự cố môi trường biển nhưng chưa được nhận. Ảnh: ĐẮC LAM
Ngay cả như trường hợp vợ nhận thay chồng cũng bị từ chối như trường hợp chị Bùi Thị Mỹ (23 tuổi, ở xã Xuân Yên) ôm con 14 tháng tuổi đi xin nhận hơn 45 triệu tiền Formosa bồi thường cho chồng vì mất việc để về nuôi con. Tuy nhiên, hiện chị Mỹ vẫn chưa được nhận số tiền trên vì chồng chị đang xuất khẩu lao động ở Đài Loan.
Mới đây có khoảng 30 người dân ở huyện Nghi Xuân kéo lên đứng trước UBND huyện Nghi Xuân yêu cầu được nhận tiền bồi thường của chồng, con mình. Chính quyền huyện giải thích “phải có giấy ủy quyền” hợp pháp mới chi trả được tiền. Nhiều người dân cho biết con của họ đi đánh cá thuê trên tàu nước ngoài lênh đênh trên biển thì làm sao mà đến cơ quan sứ quán Việt Nam ở nước sở tại để xin chứng giấy ủy quyền được.
Chính quyền sợ... kiện tụng
ông Trần Anh Khoa, Chủ tịch UBND xã Xuân Yên, cho biết ông đã có trao đổi với chủ tịch hội đồng thẩm định bồi thường thì nhận được câu trả lời “họ muốn làm gì thì làm, đòi tiền nhưng ngoài phạm vi khả năng không thể chi trả cho người nhà. Bởi trong nhà vợ chồng, mẹ con thì của chung nhưng ra pháp lý bây giờ thì khác…”.
Một cán bộ UBND huyện Nghi Xuân cho rằng tiền bồi thường cho ai thì người đó nhận, sao người khác đi đòi, đi kêu. “Người đi kêu đó không đúng chính chủ số tiền đền bù thì không có giá trị. Có thể phải đưa ra phương án gửi tiền vào ngân hàng khi nào người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài về thì họ nhận. Hiện trên địa bàn huyện Nghi Xuân có hơn 4 tỉ đồng chưa chi trả được cho các ngư dân đang ở nước ngoài” - vị này cho hay.
Chiều 17-3, ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, cho biết: “Phải đúng quy định là có giấy ủy quyền cho người thân nhận tiền chứ chưa đúng quy định chưa thể cho nhận được. Chúng tôi không thể làm trái văn bản hiện hành được. Hiện chưa có văn bản nào mở khác thì chưa giải quyết được”.
Còn ông Phan Duy Vĩnh, Phó Chủ tịch thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), cho biết: “Sau khi xảy ra sự cố môi trường biển, có gần 300 người trên địa bàn thị xã Kỳ Anh đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Gần 300 người này được bồi thường với số tiền rất lớn nhưng chưa thể chi trả”.
Ông Vĩnh cũng thừa nhận việc làm giấy ủy quyền cho người thân ở nhà nhận tiền là đúng pháp luật nhưng thủ tục này rất khó. Bởi ngư dân đi xuất khẩu lao động đánh cá trên tàu nước ngoài có khi sáu tháng mới vào bờ một lần, họ không thể làm được giấy ủy quyền. “Hiện thị xã Kỳ Anh đang làm văn bản hướng dẫn cơ quan chức năng và UBND các phường, xã bảo lãnh cho người nhà nhận thay tiền bồi thường. Con đi xuất khẩu lao động thì cha, mẹ nhận; chồng đi thì cho vợ ký cam kết và cho nhận thay. Cụ thể xác định đúng đối tượng, đúng thời gian đi xuất khẩu lao động thì cán bộ cho người nhà ký cam kết, nếu sau này họ về nước có kiện tụng đòi tiền thì người nhà phải trả lại để trả lại cho đúng người” - ông Vĩnh cho biết.