Dự án Luật Bảo hiểm y tế: Dân được tùy ý chọn bệnh viện

Quốc hội đã dành cả buổi sáng qua (21-10) để thảo luận dự án Luật Bảo hiểm y tế. Các đại biểu tập trung bàn bạc là làm sao để người dân được thuận tiện nhất khi khám chữa bệnh với thẻ bảo hiểm y tế.

Cần hỗ trợ nông dân mua bảo hiểm y tế

Theo lộ trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, đến năm 2014, các đối tượng như học sinh, sinh viên, nông dân... sẽ tham gia bảo hiểm y tế. Bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội cho rằng việc triển khai bảo hiểm y tế cho nông dân là vấn đề gặp nhiều khó khăn nhất. Mức đóng hiện nay khoảng 350 ngàn đồng/năm/người sẽ khá cao so với thu nhập của nông dân.

Đại biểu Trần Đông A (TP.HCM) cho biết thường nông dân không dám đến các cơ sở y tế mà chỉ đến mua thuốc tại các tiệm thuốc. Ông Đông A kiến nghị cần có giải pháp để khắc phục tình trạng này. “Nhà nước nên hỗ trợ nông dân ở mức khoảng 30%-70% mệnh giá của bảo hiểm y tế hoặc hạ mệnh giá bảo hiểm y tế để toàn dân tham gia bảo hiểm y tế ngay từ khi luật này có hiệu lực thi hành” - đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) phản ánh ý kiến của cử tri.

Đại biểu Phạm Quốc Anh (Đồng Nai) cho rằng để thực hiện lộ trình này, trước tiên cần phát triển mạnh y tế tư nhân. “Tôi thấy xã hội hóa vấn đề này là cần thiết, nếu nhà nước ôm hết vào thì cũng khó kiểm soát được. Phát triển y tế tư nhân phải tiến đến hình thành một hiệp hội hành nghề y dược tư nhân, cho phép các hiệp hội này được cấp chứng chỉ hành nghề, được kiểm tra, kiểm soát các hoạt động cùng với quản lý của nhà nước”- ông Quốc Anh nói. Ông đề xuất nên đăng ký bảo hiểm y tế theo hộ gia đình để chia sẻ rủi ro, hơn nữa tổng mức đóng góp cho cả gia đình phải thấp hơn tham gia đóng góp theo cá nhân.

Dồn hết cho bệnh viện công: E không xuể!

Một vấn đề gây nhiều tranh luận là quy định người tham gia bảo hiểm y tế được lựa chọn một cơ sở khám chữa bệnh ban đầu để đăng ký sao cho thuận tiện với nơi cư trú hoặc nơi làm việc nhưng phải theo quy định của Bộ Y tế. Đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho rằng đây là quy định cần thiết để tránh tình trạng quá tải tại các bệnh viện từ tuyến tỉnh trở lên. Mặt khác, đại biểu này đề xuất cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nên bao gồm cả cơ sở y tế tư nhân chứ không nên dồn hết cho cơ sở y tế nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Dăk Lăk) lại kiến nghị không nên buộc người tham gia bảo hiểm y tế phải đăng ký cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu. “Quy định cứng nhắc việc khám, chữa bệnh theo nguyên tắc là bất bình đẳng, gây khó khăn cho người bệnh. Tại những địa phương giáp ranh, việc đi đúng tuyến lại quá xa so với khác tuyến” - ông Dũng phân tích. Cạnh đó cũng phải tính đến trường hợp cá nhân tham gia bảo hiểm một nơi nhưng đi công tác nơi khác cũng không được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế. “Không lẽ khi bị bệnh họ buộc phải quay trở về địa điểm ghi trên thẻ để khám bệnh mới được thanh toán bảo hiểm hay sao?” - ông Dũng hỏi.

Đồng tình với ông Dũng, đại biểu Bùi Quang Bền (Kiên Giang) cho rằng nên để người tham gia bảo hiểm y tế được lựa chọn nhiều cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu mà họ thấy thuận tiện, tín nhiệm. Có như vậy mới thúc đẩy các cơ sở khám, chữa bệnh phải tự đổi mới, cạnh tranh trong cơ chế thị trường. Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) thì kiến nghị nên đổi thẻ bảo hiểm y tế giống như thẻ ATM, đi đâu cũng khám được.

Nhiều đại biểu đề xuất cơ sở khám chữa bệnh BHYT nên bao gồm cả tư nhân lẫn nhà nước. Trong ảnh: Bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện An BÌnh (TP.HCM). Ảnh: HTD
Nhiều đại biểu đề xuất cơ sở khám chữa bệnh BHYT nên bao gồm cả tư nhân lẫn nhà nước. Trong ảnh: Bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện An BÌnh (TP.HCM). Ảnh: HTD

Các đại biểu nói gì?

- Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa): Tôi đề nghị trong luật cũng phải quy định thẻ bảo hiểm y tế phải có ảnh để khỏi phải xuất trình giấy tờ tùy thân khác như hiện nay.

- Đại biểu Trần Đông A (TP.HCM): Trước mắt phải hình thành ngay lập tức mặt bằng giá các dịch vụ y tế cơ bản để người dân đóng bảo hiểm y tế biết mình được hưởng những gì khi vào các cơ sở y tế.

- Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam): Ủy ban Thường vụ Quốc hội lý giải cùng chi trả là giải pháp để người tham gia bảo hiểm y tế cùng kiểm soát mức chi phí, hạn chế việc lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế. Tôi không hiểu người tham gia bảo hiểm y tế sẽ kiểm soát như thế nào, bằng cơ chế gì hay họ chỉ cho một chữ ký nguệch ngoạc vào đó rồi cùng trả một số tiền thế là bảo người ta cùng kiểm soát!

ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm