Giáo dục, văn hóa gia đình

Không ai có thể chọn lựa người sinh ra mình, chọn lựa cha mẹ. Xã hội càng phát triển, mức sống con người càng được cải thiện thì việc nuôi con sẽ đỡ bớt nhọc nhằn hơn tí chút nhưng sự dạy con sẽ khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều.

Cùng với sự phát triển kinh tế, thời thơ ấu của phần lớn các cháu được chăm sóc về đời sống vật chất khá hơn trước. Đó là điều đáng mừng, song chớ quên rằng “sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn” (Nguyễn Duy). Cái phần “hồn” ấy mới mong manh, sống động, mãnh liệt nhưng cũng dễ bị thương tổn biết bao. Vậy mà không có cái phần “hồn” ấy thì phần“xác” còn có nghĩa lý gì. Chăm sóc đời sống tâm hồn của bé khó hơn rất nhiều so với lo cho chúng “hay ăn, chóng lớn”.

Ấy vậy mà cái nôi hình thành nhân cách cho con người lại chủ yếu là đây. Theo Nguyễn Khắc Viện, “Có thể nói sau năm, sáu tuổi, tính tình con người ta đã hình thành rồi, giáo dục khó mà biến đổi”. Cho nên ông khuyên “Để cho trẻ sống hoàn toàn đầy đủ thời thơ ấu của nó, sau lớn lên nó sẽ sống đời người lớn một cách hoàn toàn đầy đủ”. Muốn “để cho trẻ sống hoàn toàn đầy đủ thời thơ ấu của nó” thì người lớn, trước hết là cha mẹ của bé, phải có một nỗ lực rất lớn, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi mà cơn bão giá đang hoành hành. Gia đình đang đứng trước một thách đố lớn.

Gia đình Việt Nam nói riêng và gia đình phương Đông nói chung là một thiết chế định hình sớm nhất và cũng ít biến đổi nhất. Quá trình chuyển sang kinh tế thị trường tạo ra những yếu tố có sức công phá vào thành trì của mô hình ứng xử trong mối quan hệ đẳng cấp và phận vị của lề thói gia trưởng trong khuôn mẫu gia đình được áp đặt vào xã hội trước đây. Mặt khác, vấn đề cá nhân-công dân chính là vấn đề nền tảng của xã hội hiện đại, cũng trên ý nghĩa đó, giải phóng cá nhân là động lực tinh thần của hiện đại hóa. Các “con em trong gia đình” cũng đồng thời là những “thành viên của xã hội”.

Tuy vậy, không thể đem cách ứng xử trong mối quan hệ gia đình để áp dụng trong quan hệ xã hội và ngược lại, cũng không thể áp đặt những chuẩn mực ứng xử xã hội vào trong ứng xử gia đình. Quan hệ huyết thống phân biệt thiết chế gia đình khác hẳn với các loại thiết chế xã hội khác. Có hiểu điều đó mới thấy được những “đụng độ” khi thế hệ trẻ hiện nay muốn tự khẳng định mình thường dễ va chạm với “các bậc cha chú” thường các vị cứ muốn lấy mình làm chuẩn để con em phải khuôn theo. Mặt khác, không thể không nói đến sự đụng độ do những bất cập của một bộ phận tuổi trẻ và những ảnh hưởng của những rác rưởi của lối sống bên ngoài du nhập vào đang là mối quan tâm đặc biệt của các bậc cha mẹ và của các nhà quản lý.

Những hoạt động kỷ niệm Ngày gia đình Việt Nam chỉ diễn ra từ 25 đến 29-6 nhưng giáo dục gia đình sẽ không thể là một “hoạt động kỷ niệm” mà phải thường trực và thường xuyên. Giáo dục gia đình, văn hóa gia đình là một bộ phận cấu thành hết sức quan trọng của văn hóa, nền tảng tinh thần của đời sống xã hội.

TƯƠNG LAI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm