Hà Nội sẽ chi 4.000 tỉ đồng cho dạy nghề

Trong ngày làm việc thứ ba (4-12), HĐND TP Hà Nội đã thông qua hàng loạt nội dung như quy hoạch mạng lưới trường dạy nghề; danh mục phố cổ, làng nghề, biệt thự cũ, công trình kiến trúc tiêu biểu; chính sách phát triển làng nghề, vùng chuyên canh nông nghiệp, chương trình nước sạch nông thôn; ban hành một số loại phí, lệ phí trên địa bàn. Riêng nội dung bảng giá đất được các đại biểu (ĐB) đề nghị gác lại tới cuối kỳ họp (ngày 6 hoặc 7-12) sẽ xem xét thông qua.

Tại nội dung về dạy nghề, nhiều ĐB bày tỏ lo lắng trước hiện trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, học sinh sau tốt nghiệp cấp ba chỉ thích vào ĐH, không muốn đi học nghề. Các ĐB đề nghị ngoài việc tuyên truyền thì việc đào tạo nghề phải cho thấy người học nghề có lợi ích thiết thực, đáp ứng được nhu cầu làm việc sau khi học, đồng thời phải có sự liên thông giữa dạy nghề và giáo dục phổ thông để định hướng dạy nghề; xã hội hóa dạy nghề; đầu ra…

Hà Nội sẽ chi 4.000 tỉ đồng cho dạy nghề ảnh 1

Đào tạo, quy hoạch mạng lưới trường dạy nghề là một trong những nội dung mà các đại biểu quan tâm. Ảnh: CTV

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt cho biết từ nay đến năm 2020, Hà Nội dự kiến dành khoảng 4.000 tỉ đồng cho công tác đào tạo, quy hoạch mạng lưới trường dạy nghề. Trong đó tới năm 2015, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%, trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 28% trở lên; tới năm 2020 có tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%, trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 43,5% trở lên…

Nghị quyết về danh mục phố cổ, làng nghề, biệt thự cũ, công trình kiến trúc tiêu biểu và di sản văn hóa phi vật thể được HĐND TP Hà Nội thông qua cũng thống nhất trên địa bàn TP có 79 phố cổ; một làng cổ (làng Đường Lâm); bảy làng nghề truyền thống; 225 biệt thự cổ; 41 công trình kiến trúc tiêu biểu và hai di sản văn hóa phi vật thể (Hội Gióng và ca trù).

Thảo luận nội dung này, các ĐB đề nghị TP cần đánh giá toàn diện về hiện trạng biệt thự cũ, công trình kiến trúc tiêu biểu để bảo tồn, tôn tạo. Riêng vấn đề làng nghề phải chú trọng việc kiến tạo thương hiệu, tạo động lực cho làng nghề phát triển để xứng tầm với vị trí làng nghề của thủ đô… Về vấn đề biệt thự cũ, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo khẳng định TP đã rà soát công phu và phân làm ba loại để bảo vệ. Trong đó, loại một phải bảo tồn nguyên trạng như cũ; loại hai được phép tôn tạo; loại ba được xây lại nhưng phải đảm bảo đúng quy hoạch, quy chuẩn…

Đề nghị tăng phí giữ xe

Về vấn đề phí trông giữ xe đạp, xe máy trên địa bàn, tờ trình của UBND TP nhấn mạnh tình trạng “bát nháo phí trông xe” đang diễn ra khắp nơi, nhất là các bãi xe tự phát ở khắp vỉa hè, khu di tích, thắng cảnh… Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông, mỹ quan, văn minh đô thị.

Do vậy, UBND TP Hà Nội đề xuất tăng mức phí trông giữ xe (trong đó có phí giữ xe trong tầng hầm) để khuyến khích các DN đầu tư xây dựng điểm trông giữ xe. Theo đó, mức phí giữ xe mới được chia làm hai khu vực: Khu vực 1 là tại các quận và huyện Từ Liêm, các điểm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa (không phân biệt theo địa bàn); khu vực hai là các huyện còn lại và thị xã Sơn Tây. Mức thu đề xuất như sau: xe đạp từ 2.000 đến 3.000 đồng/lượt, xe máy từ 3.000 đến 5.000 đồng/lượt (khu vực 1); xe đạp từ 1.000 đến 2.000 đồng/lượt; xe máy từ 2.000 đến 3.000 đồng/lượt (khu vực 2).

TRỌNG PHÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm