Làm công nhân vài năm là gầy mòn, héo hắt

Đó là thực trạng đáng lo ngại được ông Đặng Quang Điều, Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam), nêu ra tại Hội thảo về mức sống tối thiểu và những vấn đề đặt ra đối với việc xác định lương tối thiểu, lương đủ sống cho người lao động (NLĐ) do Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH tổ chức ngày 12-4.

Ăn mòn sức khỏe cơ thể

Theo ông Điều, để tái tạo sức lao động, mỗi ngày cơ thể của NLĐ phải hấp thụ được khoảng 2.300 Kcal, tức là phải khoảng 450 g gạo tẻ, 100 g thịt heo, 400 g rau xanh, 200 g chuối, mỡ mắm… “Phải ăn đủ như thế thì NLĐ mới có thể tái tạo lại được sức lao động” - ông Điều nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Điều cho rằng do mức lương tối thiểu của NLĐ quá thấp (chỉ 2,3-2,5 triệu đồng/tháng) nên để có được mức thu nhập hơn 3 triệu đồng/tháng, có đến trên 90% số công nhân phải làm thêm giờ. Nhưng dù có làm thêm “miệt mài” thì theo ông Điều, thu nhập của NLĐ vẫn không đủ đáp ứng cho nhu cầu sống tối thiểu. Bởi theo nghiên cứu, tính trung bình mỗi tháng NLĐ phải chi phí tối thiểu 800.000-900.000 đồng cho việc ăn uống, 1,2 triệu đồng cho các chi phí sinh hoạt khác. Nếu có thêm con cái, họ sẽ phải tiêu tốn thêm khoảng 1,5 triệu đồng. “Mức thu nhập 3 triệu đồng/tháng chưa đủ để NLĐ đủ sống nên các bữa ăn của công nhân, NLĐ rất kham khổ, cộng với việc làm thêm nhiều nên không thể tái tạo lại được sức khỏe. Nhiều người phải ăn mòn mãi vào sức khỏe cơ thể vốn đã được tích trữ từ trước, dẫn đến làm công nhân được vài năm là héo hắt, gầy mòn, nhất là lao động nữ” - ông Điều nêu trực trạng và cảnh báo - “Nếu chúng ta cứ trả lương thế này thì lao động của chúng ta sẽ mãi mãi thiệt thòi. Và có lẽ đã đến lúc chúng ta không nên tự hào mãi về nguồn lao động giá rẻ nữa”.

Làm công nhân vài năm là gầy mòn, héo hắt ảnh 1

Thu nhập của NLĐ vẫn không đủ đáp ứng cho nhu cầu sống tối thiểu. Trong ảnh: Công nhân khu công nghiệp TP.HCM đi chợ sau giờ tan ca. Ảnh: HTD

Công nhân đủ sống thì DN phá sản

Ông Lê Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ LĐ-TB&XH, cho biết kết luận của Hội nghị Trung ương 5 đã nêu rõ sẽ thực hiện lộ trình điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2013 tăng 35%-37%, năm 2014 tăng 25%-37%, năm 2015 tăng 20%-25%... và đến năm 2020 thì tiền lương tối thiểu và mức sống tối thiểu sẽ phù hợp.

Tuy nhiên, cả ông Thành và ông Điều đều cho rằng khó có thể điều chỉnh tiền lương theo đúng lộ trình nói trên. “Câu chuyện tiền lương và mức sống sẽ mãi như hình với bóng và khó biết bao giờ mới gặp nhau. Thú thật, tôi thấy mọi thứ cứ viển vông mà không biết đến bao giờ mới giải quyết được” - ông Điều băn khoăn.

Ông Thành cũng dẫn chứng: Như năm 2013, Chính phủ chỉ tăng được 16%-18% mức lương tối thiểu vùng cho NLĐ. Còn khu vực hưởng lương từ ngân sách thì thay vì điều chỉnh lên 1,3 triệu đồng như đã trình với Trung ương (từ ngày 1-5) thì cũng chỉ tăng lên được ở mức 1,15 triệu đồng và thời gian áp dụng cũng chậm hơn hai tháng.

“Cả hai sự điều chỉnh trên đều thấp hơn rất nhiều so với kết luận của trung ương. Nhưng tới đây, nếu năm 2014 chúng ta vẫn điều chỉnh như lộ trình thì mức tăng sẽ rất lớn và DN khó mà chịu đựng được. Còn nếu điều chỉnh để đảm bảo ngay nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ như quy định của BLLĐ sửa đổi thì rất nhiều DN, đặc biệt là DN dệt may, da giày, gia công sẽ phá sản ngay vì mức tiền lương thực tế của NLĐ khu vực này hiện nay rất thấp” - ông Thành nói.

Hai phương án điều chỉnh

Phương án 1: Đạt nhu cầu tối thiểu năm 2017. Mức tăng bình quân chung khoảng 16,5%-20% năm tùy theo từng vùng, trong đó năm 2014 tăng 13,5% (đều bốn vùng); năm 2015 tăng 19%-23%; năm 2016 tăng 19%-23%; năm 2017 tăng 25%-31%.

Phương án 2: Đạt nhu cầu tối thiểu năm 2016. Mức tăng bình quân chung khoảng 18%-23% năm tùy theo từng vùng, trong đó năm 2014 tăng 15% (đều bốn vùng); năm 2015 tăng 23%-29%; năm 2016 tăng 25%-31%.

Bộ LĐ-TB&XH đề nghị thực hiện theo phương án 2.

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm