“Một cửa liên thông” vẫn phải nhiều lần đi lại

Công việc làm hoài vẫn... ngập đầu

Sau 7 tháng thực hiện “Năm cải cánh chính” 2007, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân cho rằng: cơ chế “một cửa liên thông” và “một cửa điện tử” theo hướng tạo thuận lợi cho người dân đã bước đầu khắc phục những vướng mắc, tồn tại trong giải quyết thủ tục hành chính “một cửa, còn nhiều khóa” hiện nay. “Nhưng người dân vẫn chưa hài lòng! Tôi vẫn thường xuyên tiếp nhận phản hồi của nhiều doanh nghiệp về những thủ tục rắc rối, phiền hà do chúng ta gây ra”- ông Lê Hoàng Quân nhấn mạnh.

Lý giải phần nào về thủ tục phiền hà đó, Giám đốc Sở Nội vụ Châu Minh Tỷ trình bày: “Do không có quy trình phòng cháy chữa cháy nên việc này đang gây rất nhiều khó khăn cho nhà đầu tư, đơn vị thiết kế. Thành ra, cứ mỗi công trình, nhà đầu tư lại phải xin phép, rồi các sở, ngành lại phải ngồi lại bàn bạc với nhau. Bàn bạc thì cũng ra thôi, nhưng do chưa có chuẩn mực nên quyết định cũng mang tính ước lệ. Những thủ tục phiền hà này là kẽ hở sinh ra nạn nhũng nhiễu!”. Do quy trình làm việc không rõ ràng, phân cấp không cụ thể, chức năng nhiệm vụ nhiều đơn vị còn chồng chéo, dẫn đến tình trạng “công việc, làm hoài mà vẫn ngập đầu”. Trung bình hàng ngày mỗi phường phải giải quyết 200 đầu công việc. Sở Nội vụ phải giải quyết khoảng trên dưới 100 công văn/ngày; Sở KH-ĐT mỗi ngày tiếp khoảng 500 doanh nghiệp tới làm thủ tục đăng ký kinh doanh, nên chỉ cần một ngày đi họp là công văn ở cơ quan chất đầy bàn, khó thể giải quyết hết, trong khi đối với doanh nghiệp “thời giờ là vàng bạc”.

Sợ sai, dưới đẩy lên trên

Theo ông Trương Văn Lắm, Chánh Văn phòng HĐND và UBND TPHCM: “Địa phương, sở ngành nào cũng áp dụng tiêu chuẩn ISO trong dịch vụ hành chính, có khi tốn cả trăm triệu đồng nhưng chỉ liên thông trong sở của mình. Đến khi ráp nối với nhau thì lại… trật! Chính vì vậy, không thể kiểm soát được đường đi của bộ hồ sơ tới đâu, bị ách tắc ở chỗ nào”.

Một doanh nghiệp ở TPHCM thấy lâu ngày không nhận được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, liền hỏi lại Sở KH-ĐT thì mới hay là sở cũng đang… chờ chính quyền quận trả lời, vì theo quy định phải có ý kiến địa phương mới cấp giấy đăng ký kinh doanh (đối với những ngành nghề có điều kiện). Có địa phương không dám xác nhận và cũng không trả lời cho sở - ngành biết vì… sợ sai. Cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự, ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP cho biết, mặc dù nhiều việc đã phân cấp cho quận-huyện, nhưng khi có việc gì khó giải quyết thì địa phương làm công văn lên sở “xin ý kiến”. Nếu sở đồng ý thì quận-huyện mới dám giải quyết! Hỏi lý do tại sao, ông Hùng phân trần : “Vì nhiều cán bộ địa phương sợ sai, chẳng may có sự cố hay kiện cáo thì họ chìa văn bản đó ra mà nói: “Tôi làm theo ý kiến chỉ đạo của sở!”. Thế là thoát nạn!”.

Quan hệ giữa sở-ngành với UBND TP thì cũng… gần giống thế! Có hồ sơ đáng ra giải quyết theo thẩm quyền của giám đốc sở, nhưng để chắc ăn và cũng có phần né trách nhiệm, sở chuyển lên cho UBND TP giải quyết. Công việc khó vì thế cứ thế dồn lên cấp chính quyền TP, nhiều tới độ - như cách ví von của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Đua là “nhiều như bươm bướm”. TP sa vào giải quyết sự vụ, nên rất ít thời gian giải quyết những việc lớn mang tầm chiến lược lâu dài. Nhiều dự án trọng điểm triển khai chậm vì không có vị tổng chỉ huy đúng nghĩa, để liên kết giữa các khâu công việc sao cho hài hòa, đồng bộ…

Thực tế trên đòi hỏi cần phải đổi mới cả cơ chế điều hành. Hiện nay, chính quyền điều hành, chỉ đạo công việc theo từng hội nghị chuyên đề. Nghĩa là hễ có việc là họp, họp để nghe chỉ đạo rồi mới triển khai. Nên có ý kiến cho rằng, nếu áp dụng cách điều hành theo mệnh lệnh từ chủ tịch UBND TP xuống quận - huyện và tới chính quyền cơ sở thì tính kỷ luật, kỷ cương sẽ cao hơn. “Nhưng trên hết là làm sao có sự chuyển biến về nhận thức tư tưởng và tiếp đó đề ra kế hoạch cụ thể. Hiện nay còn nhiều lãnh đạo sở, ngành và địa phương chưa đứng về phía dân để giải quyết công việc của dân, từ đó thiếu chỉ đạo sâu sát và kiểm tra, nhắc nhở” - Ông Lê Hoàng Quân nhấn mạnh.

Đẩy mạnh cải cách hành chính suy cho cùng là làm giảm đi đặc quyền đặc lợi cùng cửa quyền, độc quyền của một phận cán bộ công chức và bộ máy. Khó khăn phần lớn là ở cái “làm giảm đi” đó. Khi vượt qua, cải cách hành chính sẽ trở thành động lực thúc đẩy kinh tế phát triển, an dân.

Chúng ta thường bảo nhau nói và làm phải đi đôi với nhau, nhưng tôi thấy chúng ta nói nhiều hơn làm. Bởi vậy tôi đề nghị đổi thành làm và nói, tức là làm rồi hãy nói! Tốt nhất là để dân nói, như thế mới đánh giá chính xác được.

(Trích phát biểu của đồng chí Lê Hoàng Quân tại buổi làm việc với lãnh đạo sở, ngành về cải cách hành chính, tháng 8-2007).

Tuấn Sơn <EM>(Theo SGGP)</EM>&nbsp;

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm