“Một cửa”, nhiều “ngách”, ách việc dân

Một người dân ở quận Bình Thạnh phản ảnh đúng ngày quận hẹn đến lấy giấy tờ liên quan nhà đất, cán bộ phụ trách chỉ nói “hồ sơ chưa xong”. Lẽ ra phải xin lỗi người dân và cho lại ngày hẹn cụ thể, cán bộ thụ lý chỉ nói nước đôi “bao giờ hồ sơ xong sẽ trả...”.

Hiện nay, điều người dân ngán ngại nhất là khâu tiếp nhận hồ sơ. Theo qui định, thời gian hẹn trả kết quả tính từ lúc người dân nộp “hồ sơ đã hoàn chỉnh”. Nhưng đoạn trường của người dân ở chỗ “chạy” cho ra hồ sơ hoàn chỉnh. Ít khi cán bộ thụ lý hồ sơ hướng dẫn tận tình cho người dân về các thứ giấy tờ phải nộp, mà chỉ yêu cầu ra bảng đọc qui định vì “tất cả đều công khai hết rồi”.

Nhà “rộng” hơn xưa!

Chủ tịch UBND quận Tân Phú Huỳnh Văn Hạnh thừa nhận tinh thần, thái độ phục vụ của một số cán bộ công chức vẫn còn mang tính xin cho, cứng nhắc, chưa hướng dẫn cụ thể, làm người dân phải đi lại nhiều lần. Theo ông, một việc phải làm tới đây của quận là chấn chỉnh khâu tiếp nhận hồ sơ. Tại TP.HCM hiện chỉ vài địa phương, trong đó có UBND quận 1, có tổ hướng dẫn thủ tục hồ sơ miễn phí cho người dân nhờ các luật gia - luật sư tình nguyện túc trực tại trụ sở UBND quận.

Nhưng theo nhiều người, với các qui định còn bất hợp lý như hiện nay, cán bộ có tận tình đến đâu, người dân vẫn còn phải chạy dài dài. Bà Lý Ngọc Mạnh, chủ tịch UBND phường 11 (Q.8), đặt vấn đề khi người dân xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - sở hữu nhà, dù bản vẽ và nhà đất không thay đổi về diện tích, kết cấu, nhưng vẫn phải vẽ bản vẽ mới rất tốn kém, mất thời gian. Việc vẽ lại bản vẽ mới còn nảy sinh nhiều câu chuyện cười ra nước mắt.

Nhà ông Lê Anh có bản vẽ trước đây do Phòng quản lý đô thị đo vẽ, nay làm giấy tờ nhà phải vẽ lại. Theo hướng dẫn của cán bộ quận, ông Anh thuê công ty A. đo vẽ lại nhà. Cầm bản vẽ mới, ông Anh tá hỏa. Nếu trước đây Phòng quản lý đô thị vẽ theo cách đo “lọt lòng” thì nay công ty A đo “phủ bì”. Căn nhà gần 100m2 của ông vì thế “lòi” ra hơn 3m2. Diện tích này ở đâu ra? Theo cán bộ tiếp nhận hồ sơ, ông Anh phải chứng minh. Làm sao chứng minh khi chênh lệch diện tích là do cách đo vẽ. Theo hướng dẫn, ông Anh phải làm một bản tường trình, mang sang hàng xóm nhờ xác nhận nhà ông không lấn chiếm nhà họ, rồi mang lên phường xác nhận “phường không phát hiện nhà ông Anh lấn chiếm”.

Một người chậm, cả đoàn trễ

Theo Sở Nội vụ TP.HCM, thực hiện cơ chế “một cửa” tại sở - ngành, phường xã, thị trấn và “một cửa, một dấu” tại UBND các quận huyện... mọi khâu trong việc giải quyết hồ sơ của người dân đều tập trung ở đầu mối - bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả. Tuy nhiên, cơ chế “một cửa” mới chỉ thực hiện tại mỗi sở ngành, quận huyện, chưa tạo sự kết nối liên thông giữa các ngành, các cấp nên đã làm “đứt khúc” trong phối hợp giải quyết công việc, gây ra vướng mắc, chồng chéo, thậm chí còn cản trở lẫn nhau giữa các cơ quan. Các hồ sơ hành chính liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp hoặc nhiều cơ quan, đơn vị thì người dân còn phải tự liên hệ qua nhiều cửa tại nhiều đơn vị, người dân hay gọi “một cửa nhiều ngõ và lắm ngách”.

Để khắc phục tình trạng này, trước mắt UBND TP giao cho Sở Kế hoạch và đầu tư (KH-ĐT) TP chủ trì phối hợp với Công an TP, Cục Thuế TP triển khai qui chế phối hợp thực hiện thủ tục cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy phép khắc dấu và cấp giấy chứng nhận đăng ký thuế tại thành phố do Sở KH-ĐT là đầu mối tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết. Còn lâu nay người dân, doanh nghiệp phải đi đến ba nơi mới hoàn thành các thủ tục liên quan.

Sở KH-ĐT cũng phản ánh tình trạng các đơn vị liên quan “ngâm” hồ sơ, không trả lời khi sở cần hỏi ý kiến. Theo Sở KH-ĐT, có khoảng 200 hồ sơ sở cần hỏi ý kiến của các quận huyện nhưng không thấy quận huyện trả lời, thậm chí có những trường hợp phát văn bản lần hai, lần ba... cũng chưa thấy hồi âm.

Sở KH-ĐT giải thích tùy vào từng loại dự án, khi thẩm định phải hỏi ý kiến của các sở ngành liên quan. Mặc dù có qui định “trong vòng bảy ngày không trả lời xem như đồng ý”, nhưng “ cơ quan thẩm định vẫn phải chờ các sở - ngành có ý kiến”. Chỉ cần một “ông” sở ngành nào chậm trả lời, công tác thẩm định dự án phải nằm chờ, công việc sẽ chậm trễ.

QUỐC THANH - LÊ ANH ĐỦ (Theo Tuổi Trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm