Nghiêm túc rút kinh nghiệm việc lạm phát tăng

Sau hai buổi Quốc hội thảo luận tình hình kinh tế-xã hội với khá nhiều ý kiến “phê bình” Chính phủ, sáng qua (26-10), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã xuất hiện tại khu vực có nhiều phóng viên.

Thủ tướng nói: “Tăng trưởng kinh tế 8,5% là rất vui mừng nhưng mong muốn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là phải cao hơn. Cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng thì QH chỉ đánh giá “đạt được kết quả bước đầu”. Chính phủ coi mong muốn của ĐBQH là mục tiêu phải phấn đấu, phải làm tốt hơn”.

Chưa lường hết được

. Thưa Thủ tướng, nhiều ĐBQH lo ngại là tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhưng lạm phát cũng cao. Thủ tướng nghĩ sao?

+ Về khách quan, ta đã vận hành theo nguyên tắc thị trường và gắn với kinh tế thế giới. Như vậy giá cả cũng phải theo thị trường, chịu ảnh hưởng nhiều yếu tố: giá nguyên liệu, vật tư, tỷ giá ngoại tệ, năng suất lao động, chi phí đầu vào - tức là trình độ của nền kinh tế.

Về chủ quan, Chính phủ thừa nhận là có những vấn đề chưa lường hết được. Chưa bao giờ mà trong vòng một năm, dự trữ ngoại tệ từ 12 tuần nhập khẩu lên 20 tuần.

Đây là hai mặt của một vấn đề. Đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp vào mạnh, ta mừng. Nhưng như vậy thì phải chuyển vốn ngoại tệ thành nội tệ. Ta thì không thể đôla hóa nền kinh tế, mặt khác lại cần ổn định giá nội tệ để giữ sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu nên phải xuất nội tệ ra chuyển đổi vốn cho nhà đầu tư. Thế nên trong vòng sáu tháng ta đã mua vào chín tỷ USD.

Chính phủ có cái “dở” là không có biện pháp kịp thời hút VNĐ về. Mặt khác, ta vẫn dự đoán như trước là độ trễ của vòng vốn chậm, không ngờ kinh tế trong nước vận động nhanh lên nhiều. Những nguyên nhân chủ quan này Chính phủ đã nghiêm túc kiểm điểm, báo cáo đầy đủ với QH điều được, chưa được.

Sắp tới, việc giải ngân các dự án sẽ được nhanh hơn. Ảnh minh họa: HTD
Sắp tới, việc giải ngân các dự án sẽ được nhanh hơn. Ảnh minh họa: HTD

Thuận lợi song song mâu thuẫn

. Theo báo cáo của Chính phủ thì khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đang kém. Liệu chúng ta có bỏ lỡ cơ hội từ luồng vốn đầu tư đang đổ vào mạnh?

+ Năm nay, khả năng đầu tư nước ngoài lên tới 13-14 tỷ USD và bên ngoài đánh giá Việt Nam đứng thứ 6/10 nước thu hút vốn đầu tư lớn nhất. Nhưng Chính phủ không thỏa mãn với kết quả đó. Phải quyết liệt cải cách, thu hút nhiều hơn thì mới phát triển nhanh được.

. Thủ tướng có lo ngại hiệu ứng ngược là vốn vào nhiều mà hiệu quả không cao thì nhà đầu tư sẽ quay ngược trở lại rút vốn ra?

+ Nhiệm vụ của Chính phủ là tạo cơ hội cho doanh nghiệp đầu tư để có hiệu quả tốt nhất. Điều này cũng không đến mức phải lo lắng.

. Với chín tỷ USD Ngân hàng nhà nước (NHNN) mua vào, cụ thể được sử dụng như thế nào?

+ Đây là nguồn dự trữ quốc gia, là sức mạnh của nền kinh tế mà nhờ đó Chính phủ can thiệp, ổn định và kiểm soát được tỷ giá, cán cân thanh toán. Tỷ giá USD là điều rất quan trọng cho kinh tế vĩ mô, thể hiện sức mua đối ngoại của VNĐ. Vừa qua chúng ta ổn định được là nhờ thực lực đó. Không nhờ số ngoại tệ này thì lấy đâu mà nhập siêu tăng. Cho nên, thuận lợi mới thì mâu thuẫn mới sẽ phát sinh.

.Trong các nguyên nhân tăng giá có lỗi chủ quan của một số bộ ngành, chẳng hạn như NHNN trong vấn đề an ninh tiền tệ. Vậy Chính phủ xem xét trách nhiệm thế nào?

+ Không ai ngờ mới sáu tháng đầu năm mà vốn đầu tư đổ mạnh đến mức NHNN phải mua 8-9 tỷ USD. Chính phủ đã kiểm điểm, rút kinh nghiệm để trưởng thành hơn trong điều hành.

Giải ngân dự án sẽ đơn giản hơn

. Những năm qua, Chính phủ huy động vốn trong dân rất nhiều bằng hình thức trái phiếu nhưng trong báo cáo của Chính phủ có nói rằng giải ngân rất chậm. Như vậy có nghĩa là chi phí cho việc quản lý đồng vốn đó sẽ tăng, đè nặng thêm ngân sách?

+ Chính phủ đang kiểm điểm. Có thực tế là quản lý đầu tư vừa qua đã chuyển từ thái cực này sang thái cực khác, từ đầu tư dàn trải, kém hiệu quả sang siết chặt quản lý nhà nước. Cho nên, anh muốn đầu tư thì phải lập dự án, muốn có dự án phải có quy hoạch... Đến khi công trình hoàn thành xong muốn giải ngân thì phải quyết toán. Chậm là vì thế.

Tuy nhiên, trong báo cáo cũng nói rõ chậm nghĩa là đồng tiền mà kho bạc chịu xuất ra thấp so với khối lượng đã hoàn thành. Kỳ này Chính phủ sẽ giảm bớt thủ tục theo hướng người ký quyết toán công trình phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, còn kho bạc cứ thế là chi thôi. Như vậy tới đây sẽ giải ngân được một lượng lớn.

. Có ý kiến cho rằng dự án triển khai chậm còn vì vốn nhà nước cứ phải đầu tư qua các đơn vị nhà nước. Muốn khắc phục phải chuyển hướng giao cho tư nhân...

+ Chính phủ khuyến khích và sẵn sàng trả tiền để các thành phần kinh tế tham gia phát triển dự án kinh tế-xã hội. Lúc đó nhà nước chỉ tập trung vào quản lý quy hoạch và kiểm tra thực hiện quy hoạch. Tuy nhiên, anh muốn làm thì phải có dự án khả thi, giá cả hợp lý. Làm đường chẳng hạn, không phải cứ hô giá bất kỳ là được. Vốn nhà nước chính là tiền của nhân dân, không thể vội quay từ thái cực này sang thái cực khác được.

. Xin cảm ơn Thủ tướng!

NGHĨA NHÂN thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm