Nông thôn, nông dân: Còn đó những ưu tư!

Cuộc hội thảo với chủ đề “Người nông dân trong quá trình công nghiệp hóa” được tổ chức bởi Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD), Tạp chí Tia Sáng và Báo Nông Thôn Ngày Nay, diễn ra hôm qua (27-6) đã thu hút sự quan tâm thảo luận của hàng chục học giả hàng đầu. Nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, thậm chí là gay gắt đã được bày tỏ. Các ý kiến đều nhấn mạnh đến bức tranh không mấy sáng sủa của nông dân nước ta hiện nay.

Nhiều thửa ruộng bé như... chiếc chiếu

Tuy thừa nhận đời sống nông dân có khấm khá lên so với trước đổi mới nhưng những con số đầy xúc cảm mà Viện trưởng IPSARD - TS Đặng Kim Sơn đưa rađã làm nhiều người giật mình. 18% dân số của 61 triệu người sống ở nông thôn vẫn đang thuộc diện nghèo đói. 63% rủi ro người nông dân hứng chịu là từ dịch bệnh, mất mùa và thiên tai. Đáng chú ýlà, 30% số hộ nông dân không thể phục hồi sau khi hứng chịu rủi ro, thêm 40% hộ không thể hoàn toàn phục hồi...

Trong khi chúng ta đẩy mạnh công nghiệp hóa, sản xuất hàng hóa thì 93% hộ nông dân vẫn sống chủ yếu nhờ nông nghiệp. Theo nghiên cứu mới nhất của IPSARD, 61% hộ nông dân đang sử dụng dưới 0,5 ha ruộng đất - con số không đủ để sản xuất hàng hóa. Số hộ có đất để làm trang trại chỉ chiếm trên dưới 1%.

Đã thế, “ở đồng bằng sông Hồng, mỗi hộ phải canh tác trên 9-15 thửa ruộng, mỗi thửa ruộng như chiếc chiếu, công nghệ canh tác vẫn là công nghệ hàng ngàn năm nay. Một nông dân gửi thư cho thủ tướng đã mạnh dạn nói rằng họ đứng trước cơ hội công nghiệp hóa như đứa bé đứng trước miếng bánh mà không được ăn” - TS Sơn trầm giọng.

“Chúng tôi khảo sát ở Bắc Ninh, chỉ có 17% nông dân biết cách trồng lúa, một con số lạ kỳ. Cứ nói là dạy nghề nhưng ai dạy cho nông dân? Không có ai dạy cả!” - Hiệu trưởng Trường đại học Nông nghiệp, GS Trần Đức Hiên, lên tiếng.

Thu hồi đất quá dễ dàng

Nhiều nơi dân bỏ ruộng đi làm thuê nhưng không dám chuyển giao hẳn ruộng đất mà chỉ cho mượn. Lý giải điều này, TS Đặng Kim Sơn cho biết nông dân bảo bán ruộng thì chết! Cứ cho người khác mượn, ra TP nhỡ sa cơ về còn có ruộng mà làm. “Người nông dân là nhóm yếu thế nhất, sản xuất thì manh mún là vậy nhưng vẫn phải coi mảnh ruộng là tấm thẻ bảo hiểm của đời mình” - ông Sơn kết luận.

PGS-TS Phạm Duy Nghĩa cảnh báo: Hiện có ba nguy cơ rất rõ ràng là nông thôn mất ruộng, nông dân chán ruộng, chán chốn thôn quê. Ly nông, ly hương, ly tán là bất đắc dĩ. những vấn đề xã hội của nông dân có thể trở thành quả bom nổ chậm. “Tại sao việc giao đất cho các ông chủ tư bản có thể dài tới 50 năm mà thời gian giao ruộng cho nông dân lại giới hạn? Các thuật ngữ thường dùng như ruộng đất bị thu hồi, giải tỏa, đền bù theo quy định của nhà nước đủ thấy nông dân không được xem là ông chủ của khối tài sản có được từ nhiều đời cha ông của họ mà dễ dàng bị tước đi vì dự án sân golf, khu công nghiệp” - ông Nghĩa phân tích.

Đồng tình, cựu Bộ trưởng Lê Huy Ngọ cũng cho rằng ruộng đất của nông dân đang bị thu hồi quá dễ. GS Nguyễn Lân Dũng thì dẫn chứng: Ở Trung Quốc lấy 3 ha đất nông nghiệp làm việc khác phải có quyết định của Quốc vụ viện. trong khi ở ta, chuyển đổi hàng chục ha đất bờ xôi ruộng mật làm sân golf chỉ cần cái quyết định của ông chủ tịch tỉnh!

Nông thôn: Bãi thải của công nghiệp hóa?!

GS Phạm Duy Hiển ví nông thôn hiện nay đang là cái bãi thải của “quá trình công nghiệp hóa không xây nhà vệ sinh”. Ông dẫn chứng: Ai cũng biết sông Nhuệ, sông Đáy sắp bị khai tử thế nào. Hàng ngày, 500 nhà máy, bệnh viện ở Hà Nội, Hà Tây đổ nước thải vào dòng sông dẫn nước xuống đồng bằng Bắc bộ. Nhà nước đang phải bỏ 3.380 tỷ đồng để cứu hai con sông này nhưng chắc gì đã làm được.

Nhìn từ góc độ văn hóa, nhà nghiên cứu Nguyễn Bỉnh Quân chua xót: “Tôi đi dự hội thảo về vấn đề nông thôn, nông dân ở nhiều nơi nhưng chưa thấy người ta bàn đến phát triển văn hóa ở nông thôn. Người TP.HCM dành 30% thu nhập cho hưởng thụ văn hóa, Hà Nội thấp hơn một chút. Nhưng nông dân thì không cần phải nghiên cứu cũng biết là 0%! Ngoài những bộ phim bán vé ở TP không được, vài quyển tạp chí ít ỏi thông tin được phát không thì chỉ có thêm truyền hình quốc gia. Trong khi đó, trước nguy cơ xâm thực văn hóa từ bên ngoài, những mặt trái của công nghiệp hóa thì nông thôn hứng hết”.

Hiệu trưởng Trường đại học Nông nghiệp Trần Đức Hiên trầm giọng: “Người nông dân bảo rằng đầu tư cho con vào đại học, thoát ly nông nghiệp là đầu tư “cho con nên người”. Chẳng lẽ đời họ, đời cha ông họ cuốc bẫm cày sâu không thể “nên người” được hay sao?”.

“Con sãi ở chùa vẫn quét lá đa”?

Nhà báo Hữu Thọ cho biết giải báo chí quốc gia năm nay có ba tác phẩm báo chí viết về nông dân đạt giải cao (Một hạt thóc 40 khoản đóng góp; 20 năm không ngủ; Thao thức cùng nông dân) thì cả ba đều là tiếng thở dài về nông thôn. Mặc dù vậy, theo ông Thọ, báo chí cũng chưa đề cập đầy đủ và xứng tầm với hàng loạt vấn đề nhức nhối, nóng bỏng ở nông thôn. Ông cho rằng xóa nghèo thì dễ nhưng làm giàu thì khó lắm. Đầu tư cho hạ tầng, giáo dục như thế, trình độ người dân như thế thì giàu sao được. “Không khéo thì con sãi ở chùa vẫn quét lá đa” - ông chua xót ví von.

LÊ KIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm