Phụ nữ, “Điểm tựa của gia đình”

Hơn 40 gia đình tiêu biểu trên toàn thành phố và đại diện các cơ quan ban ngành TP.HCM đã tổ chức giao lưu cùng gia đình chị Lê Thị Lan, hiện là công nhân Công ty Freetrend - KCX Linh Trung; anh Trần Thêm Giàu, nhân viên bảo vệ của một cửa hàng ăn uống tại quận 1; chị Nguyễn Thị Cúc, bác sĩ giám định chi Bảo hiểm Xã hội TP.HCM.

Làm thuê nuôi bốn con vào đại học

Tại buổi giao lưu, chị Lê Thị Lan (quê Thanh Hóa) đã chia sẻ về hoàn cảnh khó khăn khiến gia đình phải ly tán, chị vào Nam làm công nhân, anh và các con ở lại quê. “Gia đình nghèo, có bốn con đang tuổi ăn tuổi học nhưng hai vợ chồng chỉ có mấy sào ruộng ở quê, không đủ tiền nuôi con ăn học, sợ các cháu phải nghỉ giữa chừng nên tôi cắn răng bỏ quê vào TP.HCM hơn 10 năm nay làm công nhân, tích cóp tiền gửi về cho chồng nuôi con ăn học. Ban đầu chồng tôi bàn để ổng đi nhưng tôi không chịu, ruộng vườn ở quê cần người đàn ông có sức vóc để cày ải, nếu ổng đi, không có người trụ cột để lo cho các cháu. Tôi vào làm công nhân, cứ ba, bốn năm mới về quê một lần vì tàu xe tốn kém”.

Phụ nữ, “Điểm tựa của gia đình” ảnh 1

Các gia đình tại buổi giao lưu, chia sẻ những khó khăn cũng như cách thức nuôi dưỡng hạnh phúc gia đình, giáo dục con cái. Ảnh: HG

“Hiện tại bốn con tôi đều đậu đại học. Cũng may ba cháu học trường công an nên không phải tốn kém học phí, các cháu giờ đều làm công an ở Hà Nội. Riêng cháu út đang là sinh viên ĐH Y Dược Thái Bình. Giờ tuổi đã lớn, tâm nguyện của hai vợ chồng cũng tạm ổn nên chờ cháu út ra trường, tôi về đoàn tụ cùng gia đình”.

Nghỉ dạy để nuôi chồng

Anh Trần Thêm Giàu chia sẻ: “Năm 2009, tôi đang làm việc cho một tập đoàn lớn thì bị tai nạn lao động bị mù hẳn một con mắt, phải nghỉ ở nhà dưỡng bệnh. Vợ tôi lúc đó là giáo viên mầm non cũng phải nghỉ dạy ở nhà chăm chồng nuôi con. Cuộc sống khốn khó, con cái đang tuổi ăn tuổi học, đang cần đủ thứ tiền. Tôi nằm một chỗ, bao nhiêu tiền bạc dành dụm tiêu tan hết. Cố gắng tịnh dưỡng một thời gian rồi xin vào làm nhân viên bảo vệ cho cửa hàng trên đường Trương Định, quận 1. Tôi bàn vợ ở nhà chăm con nhưng bả không chịu, xin vào làm tạp vụ, hai vợ chồng cày ải để nuôi các cháu. Chúng tôi có hai đứa con, cả hai cháu đều chăm ngoan học giỏi”.

Vợ anh Giàu nói: “Cuộc sống vợ chồng là phải biết hy sinh, người vợ là điểm tựa của gia đình. Lúc anh bị tai nạn, tôi đắn đo rất nhiều. Nếu tiếp tục đi dạy thì không thể nào chu toàn được việc gia đình nên tôi chấp nhận nghỉ dạy. Khi anh khỏe, tôi đi làm tạp vụ. Cốt sao gia đình vui vẻ, yên ấm, con cái chăm ngoan học giỏi thì dù vợ chồng phải hy sinh mọi thứ cũng phải chấp nhận”.

Chị Nguyễn Thị Cúc, bác sĩ giám định chi Bảo hiểm Xã hội TP.HCM, chia sẻ kinh nghiệm của mẹ chị: “Hồi tôi còn nhỏ, mẹ yêu thương và dành hết tình cảm cho tôi, mong muốn tôi nên người. Mỗi lần con làm sai, tôi mắng thì mẹ bảo không nên mắng con nhiều vì mắng cũng không có ích gì nếu nó không hiểu, cần phải chỉ cho con hiểu được cái đúng, cái sai, điều hay lẽ phải, những việc nên làm và không nên làm. Trong quá trình dạy con, cần phải liên tục rút kinh nghiệm, vì mỗi người con đều có một tính cách khác nhau nên cần phải có một phương pháp giáo dục khác nhau. Lời dặn, răn dạy của mẹ được tôi áp dụng trong việc nuôi dạy con cái của mình”.

Xã hội có thể dạy cho chúng ta bài học kiếm sống, những va vấp nhớ đời, chứ không thể yêu thương, dạy cho chúng ta những lời nói thật, sự trung thực như cha mẹ dạy. Lần đầu tiên, bộ mặt của hàng triệu gia đình Việt Nam thời đô thị hóa, công nghiệp hóa đã lộ diện. Mối quan hệ huyết thống ông bà - cha mẹ - con cháu đang bị xô lệch, lỏng lẻo.

Một triết gia phương Tây từng nói: “Dù tồi tàn đến đâu nhưng không nơi nào trên thế giới có thể sánh được với mái ấm gia đình”; dân ta thì nôm na, “không nơi nào bằng nhà mình”. Thời thiếu thốn, khó khăn, gia đình quây quần, đầm ấm, nay khấm khá, dư dả, gia đình trở nên mong manh, dễ vỡ. Làm thế nào để hài hòa, cân bằng được mong muốn giàu có, thành đạt mà vẫn giữ được những điều nhỏ nhặt, tinh tế trong một mái ấm gia đình, đó là niềm mong mỏi của không ít gia đình hiện nay.

Ông NGUYỄN VIẾT CƯỜNG,
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM

HÀN GIANG - PHAN DUNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm