Tòa sẽ ra quyết định thi hành án?

Một vấn đề được các đại biểu quan tâm là vấn đề trách nhiệm của tòa án đối với những bản án tuyên không khả thi.

Ông Nguyễn Văn Luyện, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp), nói: “Thực tế nhiều trường hợp chấp hành viên rơi vào tình trạng “khóc dở, mếu dở” vì án tuyên không thực hiện được. Thi hành án làm công văn đề nghị tòa giải thích thì có trường hợp nhận được phản hồi, có trường hợp không”. Tại hội nghị do Bộ Tư pháp tổ chức cuối tuần trước, Quyền Trưởng Thi hành án dân sự TP.HCM Nguyễn Văn Lực đã mạnh dạn kiến nghị nên quy định tòa án là cơ quan ra quyết định thi hành án nếu người dân có yêu cầu. Ông Lực lý giải thẩm phán phải nghiên cứu rất kỹ hồ sơ trước khi ra bản án nên đây không phải là công việc quá nặng nhọc đối với tòa. Quy định theo hướng này sẽ nâng cao trách nhiệm của tòa, của thẩm phán đối với bản án, phán quyết của mình.

Ông Lực cũng đề xuất dự luật nên quy định cơ quan thi hành án có quyền trả lại bản án nếu tòa tuyên không khả thi. Kèm theo bản án, tòa án có trách nhiệm gửi cho cơ quan thi hành án những tài liệu liên quan... Theo ông Lực, cơ chế phối hợp giữa cơ quan thi hành án với tòa cũng như với các cơ quan liên quan khác hiện không chặt chẽ mà không có quy định nào để ràng buộc chuyện này cả. “Cứ văn bản qua, văn bản lại như hiện nay, người thiệt thòi nhất chính là dân” - ông Lực nói.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết có khá nhiều ý kiến đề xuất quan điểm như Thi hành án dân sự TP.HCM. Bộ Tư pháp sẽ nêu ý kiến này trong tờ trình gửi Chính phủ, đề nghị Chính phủ xin ý kiến Quốc hội. Nếu Quốc hội đồng ý, dự án Luật Thi hành án dân sự sẽ được cơ cấu lại theo hướng đề xuất trên.

ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm