Đà Nẵng, Thanh Hóa quyết chặn cán bộ dỏm

Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cán bộ, viên chức của bộ máy nhà nước hiện nay. Đứng trước thực trạng đó, nhiều địa phương đã quyết liệt hạn chế vấn nạn này bằng nhiều cải cách trong công tác tuyển dụng cán bộ, nhằm “lập màn ngăn” chặn những cán bộ kiểu như trên lọt vào bộ máy của mình.

Xoay quanh vấn đề trên Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng Đặng Công Ngữ.

Rà soát bằng cấp của CBCC

. Phóng viên: Thưa ông, thời gian qua TP Đà Nẵng đã làm những gì để ngăn chặn việc các cán bộ, công chức (CBCC) sử dụng bằng giả, dỏm tại các cơ quan nhà nước?

+ Ông Đặng Công Ngữ: Trong những năm gần đây, TP đã kiểm soát chặt để hạn chế cán bộ dùng bằng dỏm, giả lọt vào bộ máy nhà nước. Cụ thể là TP chọn những người được đào tạo tại những nơi đáng tin cậy, có địa chỉ và có sự sàng lọc về chuyên môn. Sắp tới, chúng tôi sẽ xác nhận tất cả thông tin, kể cả bằng cấp của CBCC để làm cơ sở dữ liệu. Cơ sở dữ liệu này sẽ đi theo từng CBCC trong tất cả trường hợp (làm căn cứ để thi tuyển, bổ nhiệm, bố trí công tác - PV). Cái này là kế hoạch lâu dài, chúng tôi đặt ra từ năm 2014 trở đi. Và để làm được việc này, năm 2013 chúng tôi đã có văn bản gửi cho các sở, ngành, quận, huyện đề nghị họ xác nhận lại giá trị thực chất của các văn bằng, chứng chỉ của tất cả CBCC.

. Trong quá trình tuyển chọn và sử dụng CBCC, TP Đà Nẵng có phát hiện ra trường hợp nào sử dụng bằng dỏm, giả chưa, thưa ông?

+ Nói chung là chúng tôi chưa đủ chuyên môn để mà phát hiện ra. Nếu muốn phát hiện thì phải có các cơ quan chức năng vào cuộc. Còn trong công tác tuyển dụng từ xưa đến nay thì chúng tôi chưa gặp, chưa phát hiện ra trường hợp này. Còn về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ thì chúng tôi có phát hiện ra. Chúng tôi hướng tới việc dù anh có bằng, chứng chỉ nhưng muốn chính xác thì phải làm được việc. Làm được việc thì anh mới qua, còn anh có bằng mà anh làm không được thì anh không qua.

 
Bộ máy CBCC TP Đà Nẵng đang phát huy tác dụng đưa TP Đà Nẵng ngày càng phát triển. Ảnh: LÊ PHI

Thi tuyển công khai, minh bạch

. Tiêu chí chính để TP Đà Nẳng tuyển chọn CBCC của mình là gì, thưa ông?

+ Thước đo trình độ của con người thì nó có nhiều yếu tố. Một trong những nội dung đó là anh phải có một mặt bằng kiến thức nhất định. Cái này thể hiện thông qua bằng cấp. Nhưng khi chúng ta tổ chức thi tuyển CBCC thì phải đòi hỏi cao hơn. Tức là ngoài mặt bằng chung như thế thì khả năng thực sự mới là quan trọng. Khả năng đó phải đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp với tiêu chuẩn đưa ra thì anh mới được chọn. Cái đó là yêu cầu cao hơn cả bằng cấp. Nói thật nếu thi tuyển CBCC mà thực hiện được một cách công khai, khoa học, nghiêm túc thì tôi nghĩ nhiều khi không nên quá nặng nề về bằng cấp.

Ví dụ, nhiều người đâu phải là họ có bằng cao, họ bằng thấp hơn, thậm chí nhiều người họ không có cấp hàm nào cả nhưng khả năng tư duy, tâm huyết của họ thì họ vẫn phục vụ rất tốt nhiệm vụ của mình. Cái đó là cái trong thực tiễn đã chứng minh. Khi tuyển chọn mình cũng không nên bỏ sót các trường hợp đó. Tuyển CBCC bằng cách thi công khai, minh bạch là cách tốt nhất để chọn ra được người tài giỏi phục vụ nhân dân mà tránh được tình trạng bằng dỏm hay giả này.

. Hỏi thật ông là trong công tác tuyển chọn CBCC của TP Đà Nẵng có hiện tượng “gửi thư tay” không và khi gặp trường hợp như vậy thì xử trí thế nào?

+ Ở TP Đà Nẵng, từ lâu nay ai muốn vào công chức thì đều phải tham gia thi thôi. Ai được điểm cao hơn thì đạt, có thư tay cũng chẳng làm gì được. Cái đó là chịu. Nhưng thư tay cũng không phải là không có. Thư tay để bố trí công việc thì có. Cái đó cũng là một quy trình công tác cán bộ khi anh đã đủ điều kiện. Anh phải đủ điều kiện để bố trí việc hợp đồng ở đâu đó.

.Xin cảm ơn ông.

LÊ PHI - ĐẶNG TRUNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm