Ngày 9-10, tin từ UBND tỉnh Bình Thuận cho biết tỉnh này đã có công văn tiếp tục kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đến những khó khăn khi triển khai quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan theo phê duyệt tại Quyết định số 1546 ngày 3-9-2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Đề nghị tạm dừng cấp phép thăm dò, khai thác
Theo tỉnh Bình Thuận, quy hoạch trên đến nay đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập bởi chồng lấn với 33 dự án phát triển kinh tế-xã hội khác đã được chấp thuận đầu tư với tổng diện tích chồng lấn 4.576 ha. Tỉnh Bình Thuận cũng cho rằng phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia lên đến 82.700 ha thuộc địa bàn tỉnh gây rất nhiều khó khăn trong việc thu hút, kêu gọi đầu tư.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Bình Thuận đã kiến nghị điều chỉnh quy hoạch titan theo hướng cắt giảm diện tích thăm dò, khai thác. Cụ thể, đối với tám khu vực chưa cấp phép thăm dò, tỉnh này đề nghị chỉ để lại một khu vực là Lương Sơn III với diện tích 1.000 ha nhằm hoán đổi các dự án đã cấp phép, một khu vực đưa vào dự trữ và sáu khu vực đưa ra khỏi quy hoạch.
Tỉnh Bình Thuận đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan sớm hoàn tất việc điều chỉnh quy hoạch titan, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2018. Đồng thời đề nghị TN&MT tiếp tục tạm dừng cấp mới giấy phép thăm dò quặng titan cho đến khi ban hành quy hoạch titan điều chỉnh, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bình Thuận cũng đề nghị rà soát tổng quy mô trữ lượng, công suất khai thác của các mỏ đã cấp phép thăm dò, khai thác và hiện trạng đầu tư nhà máy chế biến sâu để quy hoạch phân kỳ cấp phép thăm dò, khai thác hợp lý, đảm bảo nguyên tắc khai thác gắn với chế biến sâu. Trường hợp chưa đầu tư được nhà máy chế biến sâu titan thì kiến nghị cơ quan liên quan tạm dừng cấp phép thăm dò, khai thác cũng như khu vực dự trữ titan để thuận lợi cho việc chấp thuận đầu tư các dự án khác.
Một vụ vỡ bờ bao hồ chứa của dự án khai thác titan ở Bình Thuận gây lũ bùn xuống khu dân cư năm 2015. Ảnh: PN
Nguy cơ nhiễm phóng xạ từ dự án khai thác titan. Ảnh: Trung Thanh
Đặc biệt, tỉnh cũng đề nghị Bộ TN&MT thanh tra toàn diện giấy phép các dự án titan theo định kỳ hằng năm để kịp thời xử lý các sai phạm và hướng dẫn cho chủ đầu tư thực hiện tốt các quy định của pháp luật về khoáng sản, môi trường, tài nguyên nước và đất đai, không để xảy ra các sự cố môi trường và các sai phạm khác.
Cùng đó Bộ cần đánh giá khả năng cung cấp nước, đảm bảo môi trường, hiệu quả kinh tế của ba giấy phép khai thác mới cấp trong thời gian gần đây. Cụ thể là khu vực Vũng Môn, xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình của Công ty TNHH TMDV và Sản xuất Tân Cẩm Xương; khu vực Thiện Ái 2, xã Hòa Thắng, xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình của Công ty Cổ phần Khoáng sản và TM Sao Mai và khu vực Mũi Đá 1, phường Phú Hài, TP Phan Thiết của Công ty TNHH Khai thác và Chế biến khoáng sản Cát Tường.
Bình Thuận cũng đề nghị Bộ TN&MT quan tâm, chú trọng đến nguồn nước, phương thức sử dụng nước để phục vụ khai thác titan trong giải quyết cấp phép khai thác khoáng sản titan trên địa bàn trong thời gian tới.
Đáng chú ý là dự án khai thác titan phải gắn với dự án chế biến sâu titan theo đề án trung tâm chế biến quặng sa khoáng titan mang tầm quốc gia tại tỉnh Bình Thuận theo chủ trương của Bộ Chính trị.
Trước đó, trong tuyến bài “Thủ phủ titan kêu cứu” (đăng trên Pháp Luật TP.HCMtừ ngày 11 đến 15-9) đã phản ánh tình trạng khai thác titan hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đang gây ra nhiều tác động rất lớn đến đời sống kinh tế-xã hội, về môi trường và an nguy của nguồn nước ngọt tỉnh này. Sau đó Bình Thuận đã có cuộc làm việc với Ban Kinh tế Trung ương và các bên liên quan. Tại cuộc làm việc đó, Bình Thuận cũng đã đề xuất nhiều điều chỉnh liên quan.
Có 14 dự án điện gió nằm trong vùng dự trữ titan Đối với 10 mỏ đã cấp giấy phép thăm dò với diện tích 9.641 ha, Bình Thuận cũng kiến nghị để lại sáu mỏ với diện tích 4.593 ha (sau khi cắt trừ diện tích chồng lấn), bốn khu vực đưa vào dự trữ để triển khai các dự án khác. Đối với tám mỏ đã cấp giấy phép khai thác với diện tích 2.542 ha, Bình Thuận kiến nghị để lại sáu mỏ với diện tích 2.137 ha, một khu vực đưa vào dự trữ, một khu vực đề nghị đánh giá kỹ các vấn đề liên quan để giải quyết. Qua rà soát, hiện có 14 dự án điện gió, điện mặt trời đăng ký đầu tư dự án với tổng diện tích 4.890 ha nằm trong vùng dự trữ khoáng sản titan với tổng diện tích 82.700 ha. UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị Bộ TN&MT phối hợp với Bộ Công Thương: Rà soát thật kỹ những khu vực nào có trữ lượng, tài nguyên khoáng sản tương đối lớn, tập trung có khả năng sẽ đầu tư khai thác trong tương lai thì mới đưa vào dự trữ khoáng sản, các khu vực còn lại đề nghị đưa ra hẳn. |