Chiều 17-10, Đoàn Bộ Quốc phòng Việt Nam do Thiếu tướng Bùi Anh Chung (Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân) làm trưởng đoàn đã làm việc với Đoàn nghị sĩ Quốc hội Hoa Kỳ do Hạ nghị sĩ Ted Yoho (Chủ tịch Tiểu ban châu Á và Thái Bình Dương, thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ) làm trưởng đoàn về công tác khắc phục hậu quả chiến tranh.
Sau khi đưa Đoàn nghị sĩ Quốc hội Hoa Kỳ tham quan công trường dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng, Thiếu tướng Bùi Anh Chung đã giới thiệu với đoàn về hiện trạng tồn lưu bom mìn, chất độc hóa học/dioxin chiến tranh ở Việt Nam. Đồng thời điểm lại các hoạt động hợp tác song phương trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh.
Để tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam. Hai bên thống nhất trao đổi một số nội dung sau:
Về khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin, cùng với việc nhanh chóng hoàn thành công trình xử lý môi trường ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin tồn lưu tại sân bay Đà Nẵng, đề nghị Quốc hội và Chính phủ Hoa Kỳ bảo đảm vốn ODA không hoàn lại để khắc phục ô nhiễm môi trường do chất độc hóa học/dioxin tồn lưu sau chiến tranh tại sân bay Biên Hòa, Phù Cát và các điểm nóng khác.
Khu vực được xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng vào năm 2013. Ảnh: LÊ PHI
Đồng thời thực hiện các hoạt động hợp tác để khắc phục hậu quả đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam, giúp họ ổn định cuộc sống và được điều trị về mặt y tế.
Bảo đảm nguồn vốn ODA không hoàn lại và trang thiết bị cho hoạt động khắc phục, xử lý bom mìn, vật nổ và khắc phục các hậu quả do bom mìn, vật nổ gây ra cho con người.
Tăng cường các hoạt động hợp tác giữa hai bên để sớm hoàn thành các hoạt động tìm kiếm hài cốt và quân nhân Mỹ mất tích ở Việt Nam và tìm kiếm quân nhân Việt Nam mất tích trong chiến tranh.
Báo cáo tại buổi làm việc cho hay tất cả 63 tỉnh, thành của Việt Nam đều bị ô nhiễm bom mìn vật nổ sau chiến tranh với diện tích ô nhiễm gần 61.300 km2, chiếm 18,82% diện tích cả nước (chỉ tính riêng phần diện tích ô nhiễm bom mìn, vật nổ trên đất liền). Khối lượng ô nhiễm khoảng 350.000-800.000 tấn, trong đó Quảng Trị là tỉnh bị ô nhiễm bom mìn nhiều nhất.
Với khối lượng khổng lồ như vậy, phải mất nhiều thập niên nữa cùng với chi phí lên tới hàng trăm ngàn tỉ đồng mới có thể khắc phục cơ bản sự ô nhiễm bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam.
Ngoài ra, hiện nay có ba điểm nóng tồn lưu chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh đó là sân bay Biên Hòa, Phù Cát và Đà Nẵng. Và còn một số khu vực khác như A So, A Lưới (Thừa Thiên-Huế), Sa Thầy (Kon Tum).
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch (giữa) và Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trong một lần kiểm tra việc xử lý dioxin ở sân bay Đà Nẵng. Ảnh: QP
Trước đó, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) về công tác khắc phục xử lý chất độc hóa học/dioxin.
Hai bên đã phối hợp xử lý triệt để khoảng 90.000 m3 đất, bùn nhiễm chất độc dioxin tại sân bay Đà Nẵng với tổng chi phí khoảng 100 triệu USD từ nguồn vốn ODA không hoàn lại của Hoa Kỳ và 60 tỉ đồng Việt Nam từ vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Bên cạnh đó thực hiện khảo sát, đánh giá môi trường ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa, xác định một số giải pháp cho dự án tổng thể xử lý dioxin tại Biên Hòa.
Từ năm 2003, Việt Nam nhận hỗ trợ 103 triệu USD với hai mục tiêu chính hỗ trợ Việt Nam làm sạch bom mìn nơi có dân cư sinh sống, canh tác; nâng cao năng lực khắc phục bom mìn, quản lý điều hành hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Trong khi đó, thông qua hoạt động điều tra hỗn hợp của Việt Nam và Hoa Kỳ, đã có 1.000 hòm hài cốt được trao trả cho chính phủ Hoa Kỳ, trong đó hơn 700 trường hợp đã được nhận dạng ADN. |