Chính phủ đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển 2,25 triệu ha rừng tự nhiên còn lại sang các dự án khác trừ các dự án an ninh quốc phòng.
Thủ tướng cũng chỉ đạo đóng cửa các cơ sở chế biến gỗ, rừng tự nhiên; dừng cấp phép các công trình thủy điện liên quan đến chính sách rừng, đất rừng... Những chỉ đạo này nhằm mục đích khôi phục rừng tự nhiên, nâng tỉ lệ che phủ của rừng, góp phần giảm thiên tai địch họa có bàn tay của con người trong đó, nhất là lũ lụt.
Thế nhưng rừng vẫn bị mất, gỗ quý vẫn về nhà quan chức, cán bộ. Lũ lụt ngày càng tồi tệ hơn, thiệt hại càng lúc càng kinh khủng hơn mà nguyên nhân của nó được lãnh đạo Tổng cục Phòng, chống thiên tai chỉ rõ: “Nhiều đồi, nhiều rừng đã bị cạo trọc trong khi trước đây rừng ngút ngàn che chắn. Chúng ta đang trả giá và sẽ còn tiếp tục phải trả giá vì để trồng rừng nguyên sinh tạo ra tấm giáp cần nhiều chục năm”.
Người ta phá rừng ồ ạt khiến các tầng rừng bị biến mất, thay vào đó là núi trọc khiến mưa tạo ra lũ lụt dữ dội. Các địa phương đang thi nhau chuyển đổi rừng tự nhiên sang mục đích khác cũng là điều bất lợi cho mưa lũ tàn phá thêm. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, giai đoạn 2012-2017 đã có hơn 38.200 ha rừng được chuyển đổi để thực hiện gần 1.900 dự án tại 58 địa phương. Trong đó, rừng tự nhiên gần 19.000 ha, chiếm 89% diện tích rừng bị suy giảm trong cả nước thời kỳ này. Điều này đã đem lại những hiệu quả kinh tế nhất định nhưng cũng gây nên hệ quả lớn trong mất cân bằng sinh thái, đa dạng sinh học, là tác nhân gây nên lũ lụt lớn, sạt lở, hạn hán… Thực trạng như vậy nhưng Bộ NN&PTNT cũng nêu thêm từ nay đến năm 2020 vẫn có 30 địa phương tiếp tục đề xuất chuyển đổi thêm trên 60.000 ha để thực hiện hơn 1.070 dự án khác.
Thực tế cho thấy hàng loạt cánh rừng ở Bình Định, Bình Phước, rồi Phú Yên tiếp tục bị tàn phá bởi có sự tiếp tay của cán bộ lãnh đạo, đến mức Thanh tra Chính phủ phải kiến nghị xử lý nhiều người. Có vẻ với ma lực từ rừng, người ta đang bất chấp tất cả. Quan chức khắp nơi vẫn xây “biệt phủ”, dựng nhà thờ, toàn dùng gỗ rừng.
Những ngày qua đã có cả trăm người chết và mất tích do lũ lụt. Trong lũ dữ có cả những súc gỗ tròn từ thượng nguồn đổ xuống. Những súc gỗ này nếu không lộ ra từ mưa lũ có lẽ nó cũng sẽ trở thành gỗ hợp pháp rồi về nhà một ai đó.