Gỗ sưa dưới suối là của nhà nước

Sau khi trục vớt, khúc gỗ sưa được công an và kiểm lâm “hộ tống” di chuyển về Hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch để chờ phương án kiểm định, bán đấu giá.

Ngay khi vớt gốc gỗ sưa lên bờ, tại hiện trường xảy ra cảnh hỗn loạn vì nhiều người dân đã lao xuống ngầm Troóc để mót gỗ vương vãi còn sót lại.

Trước đó, ngày 23-2, ông Nguyễn Văn Thời và con trai phát hiện khúc gỗ sưa. Sáng 25-2, lực lượng chức năng địa phương đã triển khai bảo vệ số gỗ trên và tiến hành thỏa thuận với ông Thời để trục vớt…

Ngày 26-2, lực lượng chức năng đã dùng hai máy múc và hàng chục người ngăn chặn dòng, dùng máy kéo, tát nước khu vực có gỗ để tiến hành trục vớt.

Gỗ sưa được đưa lên xe cẩu “hộ tống” về trung tâm huyện. Ảnh: VIẾT LONG

Ngay sau khi phát hiện gỗ sưa, đầu nậu Hùng “mía” (trùm gỗ tại Bố Trạch) đã trả 900 triệu đồng cho hai cha con ông Nguyễn Văn Thời để nhận 1/3 số tiền bán đấu giá gỗ sưa.

Về việc người tên Hùng “mua” số tiền thưởng của người phát hiện gỗ sưa, TS Lê Minh Hùng, Trưởng bộ môn Luật Dân sự, ĐH Luật TP.HCM, phân tích: Việc chuyển nhượng này là không đúng quy định. Bởi Bộ luật Dân sự cho phép chuyển nhượng đối với quyền về tài sản, quyền trong hợp đồng, chuyển nhượng cả hợp đồng,… Tuy nhiên, các quyền tài sản gắn liền với nhân thân thì không được phép chuyển nhượng như quyền đòi cấp dưỡng, quyền nhận trợ cấp thương binh, liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng,…

Việc Nhà nước thưởng tiền và giá trị vật được tìm thấy ghi nhận sự khuyến khích, khen thưởng cho người tìm thấy vật nên được xác định là quyền tài sản gắn với nhân thân. Đồng thời, việc thưởng cũng chỉ mới là lời nói, chưa có quyết định bằng văn bản, chưa được thực hiện nên đối tượng giao dịch chưa tồn tại. Từ đó, có thể nhận xét việc chuyển nhượng quyền nhận thưởng do việc phát hiện gỗ sưa là giao dịch không hợp pháp.

VIẾT LONG - HỒNG TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm