Về đề xuất “nghiên cứu thành lập các câu lạc bộ (CLB), đội nhóm phòng, chống tội phạm (PCTP) tình nguyện”, Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an), ủng hộ và cho rằng cần nhân rộng mô hình này.
Có căn cứ pháp lý
. Phóng viên: Thưa thiếu tướng, quan điểm của ông về các CLB PCTP và mô hình này hoạt động trên căn cứ pháp lý nào, thưa ông?
+ Thiếu tướng Trần Thế Quân(ảnh): Trước hết, tôi ủng hộ việc thành lập các CLB PCTP. Ở Việt Nam khác với các nước là việc PCTP không phải là của riêng công an mà là của toàn dân và cả hệ thống chính trị.
Về căn cứ pháp lý, ngay trong Hiến pháp đã nêu: Mọi công dân có nghĩa vụ tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Đảng cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trong đó Chỉ thị 09/2011 của Ban Bí thư nêu một giải pháp rất quan trọng, đó là chú trọng chỉ đạo, xây dựng các mô hình điển hình tiên tiến, có hiệu quả theo hướng xã hội hóa ngày càng cao với nhiều hình thức tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải về an ninh trật tự ở cơ sở. Mô hình các CLB PCTP có thể coi là nằm trong số đó.
Ngoài ra, Luật Công an nhân dân, Luật An ninh quốc gia đều xác định vận động quần chúng là biện pháp rất quan trọng để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự xã hội. Chính phủ cũng đã có Nghị định 06, trong đó quy định cá nhân phải có trách nhiệm tham gia các mô hình bảo vệ an ninh trật tự ở địa phương.
Bình Dương đã có các CLB PCTP. Đây là mô hình cần thiết, có cơ sở pháp lý.
. Nhiều ý kiến cho rằng đấu tranh PCTP là của công an, lập các CLB là khuyến khích người dân đối đầu với tội phạm…?
+ Đấu tranh PCTP là của tất cả công dân. Trên thực tế, các thông tin người dân cung cấp cho công an chiếm số lượng rất lớn và trong hầu hết các vụ án đều có vai trò của quần chúng. Nhiều người dân tham gia thu thập thông tin, thậm chí trực tiếp đấu tranh tội phạm…
Hai đối tượng cướp giật bị các “hiệp sĩ đường phố” bắt quả tang trong một con hẻm ở quận 10. Ảnh: CTV
Trang bị kỹ năng, kiến thức cho các thành viên
. Việc tổ chức, huấn luyện nghiệp vụ cho các CLB PCTP sẽ thực hiện như thế nào, thưa ông?
+ Lực lượng công an sẽ phải hướng dẫn nghiệp vụ, pháp luật cho các thành viên tham gia CLB về cách thức hoạt động, quyền hạn như khi nào thì được truy bắt, bắt giữ để tránh chồng chéo, cản trở… Các đơn vị về nghiệp vụ của công an sẽ hướng dẫn khi các CLB được thành lập.
. Nhiều ý kiến lo ngại thành viên các CLB PCTP có thể lạm quyền, xâm phạm đời tư, quyền tự do cá nhân của người khác…
+ Trong các trường hợp khẩn cấp, việc xâm phạm tới quyền tự do, danh dự, nhân phẩm của cá nhân là hoàn toàn có thể xảy ra. Do đó, công an phải có hướng dẫn cụ thể, kỹ cho họ về nghiệp vụ và pháp luật. Đồng thời người tham gia các CLB cũng phải tự trang bị kiến thức pháp luật cho mình.
. Có ý kiến cho rằng lực lượng công an đang yếu thế hơn so với tình hình tội phạm nên mới cần tổ chức mô hình này? Nếu các CLB được thành lập thì có nên giảm biên chế lực lượng công an hay không?
+ Không phải công an yếu thế trước tội phạm thì mới triển khai mô hình này. Việc kết hợp PCTP giữa công an và người dân đã có từ lâu. Những CLB này rất gần với người dân nên nắm bắt tốt tình hình tội phạm tại cơ sở, hiệu quả PCTP sẽ cao. Việc sử dụng quần chúng nhân dân trong quá trình bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự xã hội là tất yếu.
Về vấn đề biên chế công an, nếu xã hội ổn định, việc tự quản tốt hơn thì lực lượng công an sẽ giảm. Thực tế tình hình tội phạm còn nhiều vấn đề phức tạp…
. Xin cám ơn ông.
Bốn lưu ý khi lập CLB - Nơi chưa có phải học hỏi kinh nghiệm những nơi đã triển khai để áp dụng phù hợp. - Chính quyền địa phương phải quan tâm ra quyết định thành lập tạo cơ sở pháp lý cho các CLB hoạt động. - Công an quan tâm, hướng dẫn nghiệp vụ, pháp luật. - Vận động người dân ủng hộ, đóng góp kinh phí để tạo ưu thế trước tội phạm. Theo Thiếu tướng TRẦN THẾ QUÂN Mô hình tự quản có ở nhiều quốc gia Mô hình người dân tự nguyện tham gia vào các tổ chức nhằm giữ gìn an ninh trật tự tại khu vực mình sinh sống tồn tại phổ biến ở các quốc gia khác, tổ chức cảnh sát tình nguyện ở Đức chẳng hạn. Ở Việt Nam, cho đến nay chúng ta vẫn đang tồn tại lực lượng dân phòng, tổ nhân dân tự quản. Về bản chất, lực lượng này ở Việt Nam cũng có điểm tương đồng với tổ chức cảnh sát tình nguyện của các quốc gia phát triển, tuy nhiên hiệu quả hoạt động của lực lượng này chưa được phát huy bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Chính vì vậy, chúng ta nên củng cố lực lượng dân phòng, tổ nhân dân tự quản, nâng cao trình độ ứng phó đối với tội phạm, trang bị các công cụ hỗ trợ và đặc biệt xác định lại nghiêm túc quyền, nghĩa vụ và chế độ đãi ngộ, chính sách cho họ trong thời gian tham gia. Về lâu dài, cần có những biện pháp triệt tiêu những nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm. Các đội nhóm tình nguyện chỉ là biện pháp hỗ trợ các cơ quan PCTP chuyên trách. TS NGUYỄN HUỲNH BẢO KHÁNH, giảng viên Tội phạm học |