Làm sao để nhà công vụ không trở thành "nhà các cụ"?

Như chúng tôi đã thông tin ở các số báo trước (Pháp Luật TP.HCM ngày 13 và 17-3), hiện nay, một số cơ quan quản lý nhà ở công vụ đã đổi mới mô hình quản lý loại nhà này, cụ thể là giao việc quản lý, vận hành về cho các doanh nghiệp. Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu nhà ở công vụ Hoàng Cầu (61 Trần Quang Diệu, quận Đống Đa, Hà Nội) được Bộ Xây dựng giao Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUDS) quản lý vận hành từ đầu năm 2014.

Rà soát lại để báo cáo xử lý

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 17-3, ông Nguyễn Thắng - Phó Chủ tịch hội đồng thành viên HUDS, cho biết: Trong thời gian tới, đơn vị sẽ rà soát lại tất cả trường hợp đang sử dụng nhà công vụ ở đây. Với những trường hợp cán bộ có nhà công vụ nhưng đã nghỉ hưu hoặc đã mất cũng như những trường hợp sử dụng không đúng đối tượng, sẽ báo cáo Bộ Xây dựng xem xét xử lý. Theo ông Thắng, việc thu hồi nhà đối với trường hợp cán bộ đã về hưu nhưng vẫn còn nhà công vụ thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng. Liên quan đến việc này, HUDS chỉ làm những việc khi được Bộ Xây dựng giao.

Ông Thắng cũng cho rằng về nguyên tắc, cán bộ phải trả lại nhà ở công vụ khi đã về nghỉ hưu. Việc cán bộ đã về hưu nhưng vẫn giữ lại nhà ở công vụ là sai. “Người dân ai cũng phải chấp hành các quy định của Nhà nước, huống chi đây lại là những cán bộ cao cấp đã về hưu” - ông Thắng nói.

 
Khu nhà ở công vụ Hoàng Cầu. Ảnh: HOÀNG VÂN

Theo ông Thắng, với khu nhà công vụ Hoàng Cầu, nếu có quyết định thu hồi nhà, nhiều cán bộ đã nghỉ hưu ở khu vực này sẽ tự trả lại nhà. Trường hợp chưa chấp hành thì có thể vận động, thuyết phục. “Những trường hợp hiện sử dụng nhà công vụ không đúng, trước sau cũng phải chuyển đi, để lấy chỗ cho cán bộ mới được luân chuyển tới thuộc diện được ở nhà công vụ nhưng chưa có chỗ ở” - ông Thắng cho hay.

Phải có một chỉ huy cương quyết làm

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về hướng giải quyết đối với những trường hợp sai phạm trong việc sử dụng nhà công vụ, nguyên một lãnh đạo Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính cho rằng cần phải tiến hành thu hồi nhà ở công vụ của những trường hợp này. “Việc thu hồi nhà công vụ đối với cán bộ đã nghỉ hưu ở khu nhà công vụ Hoàng Cầu không có gì vướng mắc lớn. Các quy định đã có cả. Vấn đề quan trọng ở đây là việc thực thi pháp luật, tức là người ta có làm hay không” - vị này nói và cho rằng: “Mục tiêu là lấy lại nhà công vụ đó để sử dụng theo đúng quy định. Vì thế việc thu hồi này nếu có một chỉ huy cương quyết thì sẽ làm được”.

Để giải quyết việc thu hồi thuận lợi hơn, vị này đề xuất, với cán bộ về hưu hiện còn đang ở đây, nếu có khó khăn về nhà ở thì Nhà nước có thể cho họ thuê nhà ở chỗ khác với giá rẻ. Trường hợp con cháu cán bộ đã về hưu đang ở nhà này cũng thế, Nhà nước có thể tạo điều kiện để họ thuê được nơi ở khác. Còn với những nhà khóa cửa để đó, không có ai ở, thì việc giải quyết rất đơn giản là có thông báo cụ thể cho các cán bộ đã được cấp căn hộ đó biết rõ về việc thu hồi để họ sắp xếp.

Về vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Triệu Văn Bé (đã về hưu nhưng hiện vẫn còn nhà công vụ ở khu Hoàng Cầu) cũng cho rằng khi cán bộ cấp cao ở nhà công vụ đã về hưu, cơ quan quản lý nhà cần có thông báo tới những người này về việc trả nhà. Hai bên cần gặp nhau để làm công tác bàn giao nhà.

Cần thiết thì cưỡng chế, đừng vị nể

Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư 01 có hiệu lực từ ngày 6-3 hướng dẫn quản lý, sử dụng nhà ở công vụ. Điểm mới của thông tư này là việc xử lý khá mạnh tay đối với người kéo rê, không muốn trả nhà ở công vụ. Cụ thể, khi đã có thông báo thu hồi lại nhà, mà người được giao sử dụng nhà công vụ không trả lại nhà thì cơ quan nhà nước sẽ tiến hành cưỡng chế thu hồi nhà.

Nhìn nhận về biện pháp mạnh này, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ nói: “Việc cán bộ đã về nghỉ hưu nhưng vẫn giữ lại nhà ở công vụ là trái pháp luật. Vì vậy, theo tôi cần phải cưỡng chế để thu hồi những nhà công vụ này. Không có cách giải quyết khác. Chúng ta đã có quy định cưỡng chế đối với người dân trong thu hồi đất thì trong trường hợp này cũng cần phải cưỡng chế thu hồi nhà. Không có lý gì để chúng ta ngại ngần việc này. Chúng ta không thể vì vị nể hay vì mối quan hệ gì gì đó mà không cưỡng chế thu hồi. Vấn đề còn lại nằm ở chỗ là có quyết tâm làm hay không mà thôi!” - ông Đặng Hùng Võ nói và cho rằng tại khu nhà ở công vụ Hoàng Cầu, có nhiều trường hợp cán bộ đã về nghỉ hưu nhưng vẫn giữ lại nhà công vụ. Và nếu mở rộng ra ở các nơi khác thì danh sách còn dài hơn nữa…

HOÀNG VÂN

 

Công dân thì luật yêu cầu sao mình làm vậy. Nhà công vụ là nhà được Nhà nước cấp để cho mình ở nhằm tiện đi lại thực hiện công việc. Khi xong công việc đó rồi thì đương nhiên phải trả nhà lại chứ.

Một lãnh đạo cấp cao của Nhà nước đã về hưu

Mong được tạo điều kiện để có nhà ở

Sống tại khu nhà ở công vụ Hoàng Cầu còn có một số cán bộ nghỉ hưu hiện có khó khăn về nhà ở. Cùng ở nhà công vụ với chúng tôi trước đây, có nhiều người có chức vụ tương đương nhưng đã được cấp đất ở, nhà ở. Nhiều người chưa được cấp đất ở, nhà ở khi còn công tác đều ở các cơ quan dân tộc, tôn giáo, hội nông dân... Nay tuổi đã cao, sức đã yếu, chỉ sống bằng đồng lương hưu vì vậy không thể mua được nhà, đất theo giá thị trường. Chúng tôi mong muốn được tạo điều kiện để có đất, nhà ở theo chính sách như đã giải quyết cho những người trước đây.

Ông HOÀNG CÔNG DUNG, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc

Cần thực thi đúng pháp luật

Pháp luật không hề có chuyện vì một mối quan hệ nào đó mà ta áp dụng ngoại lệ. Pháp luật được thực thi đúng thì chúng ta sẽ lấy lại được lòng tin của người dân. Chúng ta không cưỡng chế để lấy lại nhà công vụ là chúng ta đã làm thất tán lòng tin của người dân.

Nên lấy một câu rất nổi tiếng của Tôn Tử: “Một xã hội muốn tốt đẹp thì phải phạt từ trên phạt xuống, thưởng từ dưới thưởng lên”. Ở rất nhiều nước trên thế giới, người ta không đặt ra vấn đề xử lý, thu hồi nhà ở công vụ như ở ta. Vì không có trường hợp nào sai phạm như ở ta. Bản thân tôi chưa bao giờ ở nhà công vụ và chưa bao giờ có một mét nhà đất nào Nhà nước cho. Có lần một cơ quan nhà nước có ý phân cho tôi hơn 100 m2 đất ở đường Khuất Duy Tiến (Hà Nội) cho đối tượng là cán bộ chưa có nhà. Nhưng tôi nói rằng tôi có nhà rồi, mua bằng tiền của tôi nên tôi không nhận. Cái đó đơn giản là danh dự của con người!

Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT ĐẶNG HÙNG VÕ

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.