Ông Rodzali chỉ khẳng định chiếc máy bay này có khả năng đã chuyển hướng trước khi mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu dân sự ở bờ đông Malaysia hôm 8-3.
“Không quân Malaysia không loại trừ khả năng chiếc máy bay đã chuyển hướng bay trước khi nó biến mất khỏi màn hình radar”, AFP dẫn lời tướng Rodzali Daud nói.
Ông Rodzali cho biết các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ đang được mở rộng ra các vùng phụ cận ở bờ biển phía tây Malaysia, khu vực gần eo biển Malacca.
Song, tướng chỉ huy không quân Malaysia khẳng định lần nữa là ông chưa hề đưa ra bất kỳ phát ngôn nào với báo chí về việc radar quân đội phát hiện tín hiệu cuối cùng của chiếc máy bay MH370 ở eo biển Malacca.
Máy bay, tàu thủy, vệ tinh VNRedsat-1 và người dân trong vùng nghi có máy bay rơi cùng tham gia tìm kiếm.
“Sau bốn ngày tìm kiếm máy bay mất tích, vẫn chưa có kết quả rõ ràng. Tuy nhiên, đây là việc làm nhân đạo nên phải nỗ lực tìm kiếm với tinh thần cao nhất”. Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nhấn mạnh như vậy tại đầu mối chỉ huy chiến dịch tìm kiếm máy bay mất tích - Văn phòng UBQG TKCN chiều 11-3.
Theo Thượng tướng Tỵ, Việt Nam sẽ mở rộng vùng tìm kiếm máy bay mất tích trong những ngày tiếp theo dựa trên đường bay của máy bay mất tích, đồng thời mở rộng thêm vùng tìm kiếm trên đất liền, tập trung vào các khu vực quân khu 9, quân khu 7, quân khu 5 và khu vực giáp với Campuchia. Huy động người dân vào cuộc cùng tìm kiếm, cung cấp thông tin cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn.
Trong chiều 11-3, Bộ Quốc phòng đã có điện gửi các quân khu 5, 7, 9; Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng; Bộ tư lệnh Hải quân, Cảnh sát biển với nội dung yêu cầu các đơn vị thông báo, chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền phối hợp cung cấp thông tin cho địa phương để mở rộng nguồn thông tin về vị trí, khu vực, dấu hiệu nghi vấn vụ mất tích máy bay trong lãnh thổ và vùng nước của Việt Nam.
Thông cáo báo chí của Văn phòng UBQG TKCN cũng cho biết sẽ tiếp tục duy trì tìm kiếm máy bay mất tích cả trên không và trên biển kéo dài trong những ngày tiếp theo.
Cả trăm phóng viên trong nước và quốc tế đang chờ thông tin về chiếc máy bay rơi tại cuộc họp báo chiều 11-3. Ảnh: HUY TRẦN
Theo UBQG TKCN, tính đến chiều nay đã có 22 máy bay và 29 tàu của các nước tham gia tìm kiếm máy bay mất tích. Trong đó Việt Nam có chín máy bay và 10 tàu; Hoa Kỳ bốn máy bay, hai tàu; Malaysia có bốn máy bay, chín tàu… Riêng Trung Quốc hiện đã có bốn tàu và hai máy bay có mặt tại khu vực tìm kiếm máy bay mất tích. Các phương tiện tìm kiếm của bạn khi vào không phận, lãnh hải của Việt Nam hỗ trợ tìm kiếm sẽ nhận được sự hướng dẫn của Việt Nam.
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Cục Viễn thám (Bộ TN&MT) cũng yêu cầu Trung tâm Điều khiển và khai thác vệ tinh nhỏ sử dụng vệ tinh VNRedsat-1, chụp ảnh toàn bộ khu vực được nghi máy bay mất tích. Trong ngày 11-3, vệ tinh VNRedsat 1 sẽ bay qua khu vực đảo Thổ Chu và chụp ảnh trong phạm vi rộng 17,5 km, dài từ 80 đến 160 km. Đêm 11-3, dữ liệu ảnh sẽ được truyền về Trung tâm Khai thác ảnh vệ tinh trên đất liền để tìm dấu vết máy bay rơi.
Trong ngày hôm nay (12-3), công tác tìm kiếm cứu nạn sẽ vẫn tiếp tục với sự tham gia của máy bay AN26, DHC, MI, trực thăng và máy bay SUPER cũng đã sẵn sàng tham gia tìm kiếm khi có lệnh. Các máy bay sẽ cất cánh từ Vũng Tàu, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Cà Mau, Năm Căn ra các vùng biển nghi có máy bay bị nạn.
Sư đoàn Phòng không 367 thuộc quân chủng Phòng không không quân Việt Nam đã chuyển thiết bị, khí tài đến Sân bay Cà Mau để thành lập trạm radar. Trạm này sẽ chỉ huy dẫn đường, phối hợp cho các máy bay tìm kiếm cứu nạn trên biển.
“Cuộc tìm kiếm sẽ kéo dài và chưa thể thống kê được chi phí vì có nhiều lực lượng tham gia nhưng chắc chắn là khá lớn” - một lãnh đạo Bộ Quốc phòng nói.
Theo ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, trong trường hợp máy bay hoàn toàn mất tích hoặc không thể tiếp cận được thì theo quy định, Malaysia sẽ phải tuyên bố máy bay bị tai nạn. Tuy nhiên, việc tìm kiếm sẽ vẫn phải tiếp tục.
NHÓM PV
13 máy bay các loại, gồm Mi171, AN26, Casa, DHC6, cùng với năm máy bay của Trung Quốc (hai chiếc), Hoa Kỳ (một chiếc), Singapore (hai chiếc) bay đi tìm kiếm cứu nạn tại các điểm nghi ngờ máy bay bị nạn. Trong ngày 11-3, các máy bay của Việt Nam đã tổ chức hơn 10 lượt tìm kiếm. Hiện các tàu thuộc các lực lượng cảnh sát biển vùng 4, hải quân vùng 5 và UBQG TKCN vẫn tiếp tục tìm kiếm liên tục suốt ngày đêm. |