Một số thế lực lợi dụng tình hình khiếu nại để kích động

Sáng 14-11, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2018.

Theo đó, năm 2018, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân tăng về số lượng đơn thư, số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước so với năm 2017.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết tình hình khiếu nại, tố cáo lên Trung ương tăng.

Tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân từ cuối năm 2017 đến nay nhìn chung còn diễn biến phức tạp và gay gắt. Tình trạng công dân tụ tập đông người lên Trung ương khiếu kiện gia tăng. Các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai. Trong đó có những vụ việc đã được nhiều cơ quan giải quyết nhưng công dân không đồng ý, tiếp tục khiếu nại với thái độ bức xúc.

“Đáng chú ý là một số thế lực đã lợi dụng tình hình khiếu nại, tố cáo để lôi kéo, kích động công dân tụ tập đông người hoặc có hành vi quá khích làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, tác động tiêu cực vào tâm lý của cán bộ, nhân dân…”, ông Lê Minh Khái thông tin.

Nguyên nhân trên là do việc thực thi pháp luật của một số cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính nhà nước có thiếu sót, vi phạm. Trong lĩnh vực đất đai, công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch và lập kế hoạch sử dụng đất còn nhiều hạn chế, yếu kém.

Việc thu hồi, giao đất, cho thuê đất tại một số nơi không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, không đúng trình tự, thủ tục, không tạo sự đồng thuận với người dân trước khi thực hiện.

“Đặc biệt, còn có tình trạng lạm dụng quy định nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, cộng đồng…”, ông Lê Minh Khái nhấn mạnh.

Báo cáo thẩm tra công tác trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết thời gian qua đã phát sinh một số khiếu nại phức tạp trong các lĩnh vực kinh tế, dân sự mà không phải là khiếu nại các cơ quan hành chính nhà nước, như khiếu nại mức thu phí tại các trạm BOT đường bộ...

Ông Định cũng cho biết thực tế vừa qua, tại một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn tình trạng ủy quyền cho cấp phó thực hiện việc tiếp công dân định kỳ, chưa gắn kết việc tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo, dẫn đến người dân có tâm lý thiếu tin tưởng vào kết quả giải quyết, tiếp tục khiếu nại, tố cáo kéo dài.

“Đây là vấn đề cần sớm được khắc phục, bảo đảm thực hiện đúng quy định của Luật Tiếp công dân và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…”, ông Nguyễn Khắc Định nói.

Với các nhóm giải pháp được nêu trong báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật cơ bản đồng tình nhưng kiến nghị Chính phủ, Thanh tra Chính phủ tập trung xử lý dứt điểm các khiếu nại, tố cáo phức tạp, gay gắt, kéo dài đã qua nhiều cấp giải quyết.

Tăng cường kiểm tra, thanh tra, nhất là thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu. Kịp thời xử lý nghiêm cán bộ, công chức có sai phạm, thiếu trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, chấn chỉnh, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, trình độ chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm trực tiếp làm công tác quản lý trong các lĩnh vực có nhiều khiếu nại, tố cáo…

 Theo Chính phủ, năm 2018 cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 27.580 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỉ lệ 83,7%.

Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho tập thể, cá nhân 213,2 tỉ đồng, 97,2 ha đất. Khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 1.800 tập thể, cá nhân, kiến nghị xử lý vi phạm 462 người (đã xử lý 372 người), chuyển cơ quan điều tra chín vụ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm