Sáng 2-1-2018, UBND TP.HCM đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách TP năm 2018.
Rác, mùi hôi: “Không còn là vấn đề lớn nữa”
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá kinh tế TP.HCM có quy mô lớn nhất cả nước nên nhiệm vụ đảm bảo tốc độ tăng trưởng và phát triển là nhiệm vụ vất vả đối với TP. ông Nguyễn Thiện Nhân đã đặt ra 10 nhiệm vụ, kế hoạch về kinh tế-xã hội cần triển khai thực hiện trong năm 2018, trong đó nhấn mạnh đến các nhiệm vụ về rác thải, giảm kẹt xe và ngập nước.
“Cho đến đầu năm 2017, rác thải là vấn đề nhức nhối của TP.HCM nhưng đến nay đã ổn định. Bãi rác Đa Phước đã bớt mùi hôi thối” - ông Nguyễn Thiện Nhân bắt đầu bằng việc triển khai nhiệm vụ về giảm tối thiểu mùi hôi rác thải. Ông Nhân cho biết HĐND TP cũng đã có nghị quyết giảm tỉ lệ chôn lấp rác trên địa bàn từ 76% xuống còn 50% vào năm 2020.
ông Nhân cũng cho biết UBND TP đã tổ chức thành công hội nghị kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực xử lý rác, rất nhiều nhà đầu tư đã đến và bày tỏ sự quan tâm. Cùng đó, UBND TP đã có kế hoạch trình Thường trực Thành ủy, khoảng đầu tháng 3 sẽ tiến hành mời thầu, tháng 6 sẽ xong phần thủ tục chọn nhà thầu.
“Nếu chọn xong nhà thầu xây dựng khu xử lý rác theo công nghệ mới, từ nay trở đi rác không còn là vấn đề lớn nữa, sẽ không còn hôi thối nữa, bớt ô nhiễm đi, chi phí xử lý rác cũng sẽ giảm. Vấn đề nhức nhối suốt năm qua nhưng chúng ta đã xử lý được cơ bản” - ông Nhân nói.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đang trao đổi với Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang (bìa trái) và đại biểu tại hội nghị. Ảnh: TÁ LÂM
Tăng tốc tuyến Vành đai 2 và 3, xử lý kẹt xe
Nhiệm vụ thứ hai mà Bí thư Nguyễn Thiện Nhân triển khai là giảm kẹt xe. Theo ông Nhân, vấn đề kẹt xe ngắn hạn đã có giải pháp khắc phục cục bộ điểm nóng ở sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái và sự điều tiết thông minh ở hầm Thủ Thiêm.
“Đó là giải pháp ngắn hạn chúng ta đạt được nhưng dài hạn không thể né tránh. Chúng ta đã có kế hoạch xây dựng đường Vành đai 2, 3 và 4 nhưng cần phải kêu gọi nguồn vốn đầu tư. Vành đai 2 còn 14 km thôi, Vành đai 3 thì gần 100 km với vốn khoảng 800 triệu USD. Nếu không có hai tuyến đường Vành đai 2 và 3 thì TP.HCM không giải quyết được kẹt xe” - ông Nhân nói và đề nghị cần phải tăng tốc lên.
8,3%- 8,5% là mục tiêu tăng trưởng RGDP mà TP.HCM đặt ra trong năm 2018. Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng: “Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề trong điều kiện quy mô nền kinh tế TP ngày càng lớn”. |
Về nhiệm vụ này, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng khẳng định TP sẽ tập trung phát triển đồng bộ một số kết cấu hạ tầng trọng điểm. TP sẽ đề xuất ứng vốn ngân sách TP thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng quan trọng trên địa bàn thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương, trước mắt đề xuất triển khai xây dựng đường Vành đai 3 bằng chuyển đổi vốn và hợp tác công tư.
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT, cũng khẳng định năm 2017 là năm đầu tiên có kế hoạch riêng điều phối 37 điểm ùn tắc giao thông và đã xóa bốn điểm, 24 điểm có chuyển biến tốt, còn lại chín điểm phức tạp cần có giải pháp căn cơ hơn. Tính chung về đầu tư hạ tầng giao thông, đã xây dựng được 106 km đường mới và xây thêm 21 cây cầu, tỉ lệ đất dành cho giao thông tăng lên 8,3%.
Ông Cường cho rằng dù đạt được như thế nhưng thách thức còn rất nhiều, cần phải tập trung đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng, làm tốt các công trình trọng điểm. “Trong quá trình thực hiện, đối với giao thông, chúng tôi sẽ gắn với đường bộ, thủy ưu tiên gắn với các hướng phát triển chính của TP gồm hướng Đông và hướng Nam và hai hướng phát triển phụ: hướng Tây Bắc và Tây Tây Nam. Về hướng phát triển chính thời gian qua đã rất ưu tiên như xa lộ Hà Nội, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đang xây dựng tuyến metro số 1, tuy nhiên ùn tắc và tai nạn giao thông vẫn phức tạp, đặc biệt các tuyến kết nối với khu đô thị Thủ Thiêm hiện hữu với cảng Cát Lái” - ông Cường nói và cho biết thêm, hiện nay khu vực cảng Cát Lái có 15 công trình đang triển khai đầu tư. Vừa qua, ngày cao điểm lượng xe vào cảng Cát Lái tăng 25%, đạt 23.200 xe.
Trong năm 2018, ông Cường cho biết sẽ tiếp tục kết nối các cửa ngõ, nhất là sân bay Tân Sơn Nhất. Đường thủy cũng sẽ được ưu tiên phát triển, kết nối trên sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, khu vực quận 9 và Nhà Bè. “Vừa rồi chúng tôi đề xuất và UBND TP đã đồng ý bổ sung bốn cầu trên đường Lê Văn Lương, trong đó có cầu Rạch Dơi phục vụ không chỉ cho đường bộ mà còn khai thông đường thủy” - ông Cường nói và cho rằng đối với việc xây dựng hạ tầng giao thông, khó khăn nhất là khâu giải phóng mặt bằng, do đó đề nghị lãnh đạo các quận, huyện quan tâm phối hợp với Sở.
Chống ngập: “Tìm đường cho nước thoát”
Nhiệm vụ thứ ba, cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của năm 2018, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết phải giải quyết được vấn đề ngập nước. Ông Nhân cho rằng chống ngập không phải cứ xây nhà cao lên mà phải tìm đường cho nước thoát. Đây là vấn đề khó khăn, hoạt động có chu kỳ nên giải pháp phải thích ứng có chu kỳ. Ngập do mưa và triều, tới hẹn là lên. TP đang nghiên cứu xây dựng tuyến đê biển, Bộ Nông nghiệp đã nghiên cứu tuyến đê từ Gò Công đến Vũng Tàu.
Về nhiệm vụ này, Giám đốc Bùi Xuân Cường cho biết thêm: Năm qua TP.HCM đã xóa được 12 điểm ngập, nâng tổng số xóa được lên 14/40 điểm ngập.
Trong năm 2018, ông Cường cho hay sẽ tập trung triển khai trên tinh thần giải quyết ngập do triều và biến đổi khí hậu, hiện nay đã giải quyết được 70% so với khối lượng 570 km2 với 6,5 triệu dân sinh sống thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.
Thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù: “Quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo” Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã đưa ra tám nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhấn mạnh đến tập trung mọi nguồn lực triển khai hiệu quả Nghị quyết số 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM với phương châm “quyết liệt, đồng bộ và sáng tạo”, đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra. Trước mắt, khẩn trương hoàn thành các nội dung, đề án trình HĐND TP tại kỳ họp bất thường tháng 3-2018. Cụ thể, tổ chức sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế; cải cách hành chính, đánh giá sự hài lòng của người dân; tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức và chính sách thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học; đề án phân cấp, ủy quyền; các giải pháp chống thất thu thuế; đề xuất điều chỉnh hoặc tăng thêm ít nhất một loại phí, lệ phí, thuế. |