Việc kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức với những quy định chặt chẽ là bước tiến mới trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy hàng trăm cán bộ, đảng viên kê khai không trung thực và đã bị xử lý.
Những “sự cố” làm lộ tài sản khủng
Tháng 3-2024, bà Nguyễn Thị Giang Hương, khi đó là chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), trình báo về việc bị lừa đảo hơn 170 tỉ đồng trong tài khoản ngân hàng.
Sau khi các ngành chức năng vào cuộc điều tra, xác minh, kết luận cuối cùng được đưa ra là bà Hương đã không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập; quanh co, đối phó, che giấu nguồn gốc số tiền chưa kê khai, không cung cấp cho tổ xác minh tài sản, thu nhập các hồ sơ liên quan đến việc sở hữu các tài sản đã kê khai trong bản kê khai tài sản, thu nhập… Bà Hương sau đó bị cách chức, cho thôi làm đại biểu HĐND tỉnh.
Một vụ việc khác cũng liên quan đến kê khai tài sản của quan chức là ông Lê Đức Thọ, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, đã bị Trung ương kỷ luật bằng hình thức cách tất cả chức vụ trong Đảng vào tháng 10-2023.
Theo kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ông Lê Đức Thọ đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập; giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đúng quy định.
Trong vụ án cựu bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh cùng 14 bị can khai thác trái phép 1,3 triệu tấn quặng apatit, cơ quan điều tra đã kê biên nhiều nhà đất, dinh thự của ông Nguyễn Văn Vịnh. Cụ thể, kê biên lô đất rộng 100 m2 và nhà xây trên đất tại phường Cốc Lếu, TP Lào Cai. Trước đó, hồi cuối năm 2022, cơ quan chức năng xác định ông Vịnh liên quan tới bảy thửa đất tại TP Lào Cai, trong đó có sáu lô đất mặt đường tại các tuyến phố đắc địa, sầm uất, một lô là đất biệt thự...
Hay năm 2017, dư luận cũng ồn ào vụ biệt phủ của ông Phạm Sỹ Quý, người từng giữ chức giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái. Ông Quý đã kê khai tài sản không đầy đủ, thiếu trung thực, vi phạm quy định về trách nhiệm của người có nghĩa vụ phải kê khai, tạo ra những dư luận không tốt. Ông Quý còn vi phạm Chỉ thị 33 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát kê khai tài sản.
2.060.550
là số người đã thực hiện kê khai tài sản, thu nhập trong giai đoạn 2020-2024, tỉ lệ công khai đạt hơn 98%. Đã có 37.106 người được xác minh tài sản, thu nhập; có 147 người bị kỷ luật do vi phạm quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập.
Điều tra vào mới phát hiện
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 của ngành thanh tra vào ngày 28-12-2024 cho hay năm 2024, các cơ quan đã xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập với 6.775 người; đã kỷ luật 10 người do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.
Hay trong báo cáo gửi Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết các bộ, ngành, địa phương, cơ quan có thẩm quyền đã xác minh tài sản, thu nhập năm 2023 với hơn 16.350 người. Kết quả, có gần 8.900 người có sai sót về kê khai sai mẫu, chưa bảo đảm theo hướng dẫn, không đầy đủ thông tin, chậm nộp bản kê khai so với quy định… Có 19 người không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập và bị xử lý kỷ luật xóa tên khỏi danh sách ứng cử, cảnh cáo, cách chức…
Các quy định kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức khá chặt chẽ, là bước tiến mới trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định rõ tài sản phải kê khai gồm quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng; kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và động sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; tài sản, tài khoản ở nước ngoài.
Tại phiên họp toàn thể lần thứ 14 của Ủy ban Tư pháp hồi tháng 9-2024, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho hay quá trình xử lý các vụ án tham nhũng cho thấy nhiều trường hợp sau khi cơ quan CSĐT khám xét mới phát hiện khối tài sản lớn không được kê khai, không rõ nguồn gốc.
Quy định chặt chẽ nhưng chỉ mang tính ngăn ngừa
Theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, hằng năm những người giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên, công chức hoặc người giữ chức phó trưởng phòng và tương đương trở lên trong một số lĩnh vực được coi là nhạy cảm phải kê khai tài sản, thu nhập.
Những người có chức vụ, quyền hạn cũng buộc phải kê khai bổ sung khi có biến động về tài sản, thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên. Khi việc giải trình nguồn gốc biến động tài sản, thu nhập hơn 300 triệu đồng không hợp lý sẽ bị xác minh…
Các quy định hiện nay đã thể hiện tinh thần quyết liệt trong việc ngăn ngừa nạn tham nhũng, tiêu cực thông qua kê khai tài sản, công khai, giải trình nguồn gốc các tài sản. Về mặt Đảng, cũng đã có các quy định xử lý với cán bộ, đảng viên kê khai tài sản, thu nhập hằng năm không trung thực.
Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận quy định dù chặt chẽ đến đâu cũng chỉ để ngăn ngừa, hạn chế các vi phạm. Thực tế vẫn có những vụ việc mà chỉ đến khi có hậu quả cụ thể mới phát hiện được.
Mặt khác, một trong những thách thức đối với công tác kiểm soát tài sản, thu nhập là do thói quen thanh toán bằng tiền mặt, dẫn đến cơ quan chức năng khó có thể truy vết dòng tiền nếu “quà biếu” là tiền mặt.
Nếu hạn chế được việc dùng tiền mặt thì tất cả thu nhập, tài sản của cán bộ, công chức được kiểm soát chặt chẽ, tăng giảm như thế nào đều rõ ràng. Từ đó có sự răn đe, cảnh tỉnh kịp thời, không chỉ giúp họ tránh được sai phạm mà còn góp phần thu được nhiều thuế cho Nhà nước.
TS VŨ TRUNG KIÊN, Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khu vực II