Tường thuật từ Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII diễn ra sáng 8-5, VOV cho biết các ý kiến thảo luận đều đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng, khoa học, bài bản của Bộ Chính trị về đề án “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Các giải pháp, nhiệm vụ được đề ra trong đề án có tính thực tiễn, khả thi cao…
Trong các giải pháp lần này, yêu cầu bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, huyện không phải là người địa phương được nhấn mạnh, đưa ra chỉ tiêu bắt buộc. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhận xét: Làm vậy sẽ kiểm soát được quyền lực tốt hơn vì người đó không có mối quan hệ gia đình, dòng tộc, anh em. Ngược lại, sự giám sát của nhân dân đối với họ cũng sẽ chặt chẽ hơn. Bản thân người lãnh đạo cũng thận trọng hơn trong ứng xử với nhân dân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: TTXVN
Ông Đỗ Văn Chiến, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, thì chia sẻ kinh nghiệm bản thân có nhiều năm làm bí thư tỉnh ủy không phải người địa phương, cho rằng đây là chủ trương đúng đắn. Bởi người tại chỗ thường có các mối quan hệ tình cảm, đôi khi rơi vào duy tình trong xử lý công việc. Cán bộ nơi khác về “thiếu thông tin, chưa nắm được địa bàn thì có thể khắc phục thông qua nỗ lực tìm hiểu của bản thân. Nhưng tình cảm thì rất khó. Trong hai cái đó, tôi chọn bố trí cán bộ không phải là người địa phương” - ông Chiến nêu ý kiến.
Rút kinh nghiệm về việc chủ trương này có từ lâu nhưng làm chưa rốt ráo, nhiều ủy viên trung ương đề nghị lần này khi đã thống nhất cao thì triển khai nhất quán ngay từ đầu, tránh tình trạng có địa phương làm, địa phương không. Và như thế, ngay từ bây giờ phải đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ bí thư, đảm bảo tính chất vùng miền, dân tộc... Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị mở rộng chủ trương này tới chức danh chủ tịch nhằm ngăn chặn tận gốc vấn đề lợi ích nhóm, cục bộ địa phương.
Đánh giá cán bộ theo hướng đa chiều, liên tục cũng là một giải pháp mới được Bí thư Quảng Bình Nguyễn Văn Hùng đồng tình. “Tỉnh đặt hàng cho các bí thư, chủ tịch huyện, giám đốc các sở 5-7 nhiệm vụ mà tỉnh đang cần giải quyết. Cuối năm lấy sản phẩm để đánh giá. Cái này thực chất hơn, rõ hơn” - ông Hùng nói.
Một số ý kiến góp ý cho giải pháp chống chạy chức, chạy quyền, theo đó cần có cơ chế giám sát người đứng đầu. Người đứng đầu phải gương mẫu, kiên quyết không để người khác “chạy” mình. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cán bộ cần phải có những người mẫn cán và luôn nêu cao trách nhiệm của người công chức.
“Tôi đề nghị trung ương cần nghiên cứu cái này và có biện pháp, chế tài để chúng ta có thể ngăn chặn được. Ít nhất là giảm tối đa việc chạy chức, chạy quyền và có chế tài giám sát người đứng đầu, nếu trách nhiệm của anh mà anh để như thế thì không được. Đây chính là mấu chốt dẫn đến câu chuyện tại sao chúng ta có quy chế đầy đủ hết, quy trình đầy đủ nhưng người thực hiện thì sai. Nó xuất phát từ chỗ này. Tôi cho rằng nếu chúng ta làm được điều này thì chúng ta giảm thiểu rất lớn nạn chạy chức, chạy quyền này” - ông Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đề nghị.
Điểm mới của hội nghị này là đã mở cửa cho một số cơ quan báo chí lớn của Nhà nước dự, tường thuật, đưa tin, thay vì chỉ cung cấp một thông cáo báo chí vài dòng. Cách làm mới này đã được triển khai trong sáng 8-5, phần nội dung Trung ương thảo luận tại hội trường về đề án “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. |