Không chỉ riêng biệt thự của gia đình ca sĩ Mỹ Linh, nhiều năm nay huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã trở thành điểm nóng về việc “xẻ thịt” đất rừng xây nhà lầu, villa. Sát nách chính quyền, quy mô hoành tráng nhưng không công trình nào bị xử lý.
Nguyên giám đốc lâm trường cũng xẻ thịt đất rừng
Có mặt tại thôn Lâm Trường, xã Minh Phú, chúng tôi chứng kiến hàng loạt căn biệt thự, villa mọc lên giữa những ô đất nằm dưới chân đỉnh núi Hàm Lợn, cách UBND xã Minh Phú khoảng 5 km về hướng Bắc. Có biệt thự treo tên như Flower villa, The Moonlight, Cee Land, The Gardenvilla… Có biệt thự không treo biển hiệu, nằm lẩn khuất trong tầng cây, xung quanh kín cổng cao tường. Trong số này có căn nhà của gia đình ca sĩ Mỹ Linh. Anh LVT, một người dân tại xã Minh Phú cho hay hầu hết chủ nhân của những căn biệt thự, khu nghỉ dưỡng ở khu vực này đều là những “đại gia” ở Hà Nội mua đất lâm nghiệp của dân rồi xây dựng. Có nhà xây từ những năm 2003-2004, có ngôi nhà gần đây mới xây. Phía sau Viện dưỡng lão Thiên Đức có một khu nghỉ dưỡng đang được hoàn thiện khâu cuối về cảnh quan sân vườn.
Theo kết luận thanh tra của Sở TN&MT năm 2013, tại xã Minh Phú ngoài nhà của ca sĩ Mỹ Linh, gần 10 công trình xây kiên cố trên diện tích đất rừng, có công trình hàng ngàn mét vuông. Trong đó có cả gia đình ông Vũ Văn Hòa (nguyên giám đốc Lâm trường Sóc Sơn) xây dựng nhà một tầng, kết cấu bê tông cốt thép, có tường rào bao quanh khu đất gần 4.000 m2.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Trí, cho hay chính quyền xã đã nắm được thông tin và cho lực lượng chức năng vào yêu cầu dừng toàn bộ hoạt động xây dựng. Tuy nhiên, ông Tâm không cung cấp thông tin những biệt thự, khu nghỉ dưỡng này có phải xây dựng trên đất rừng hay không. “Hiện TP đã giao thanh tra TP thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất rừng tại xã. Chúng tôi đang chờ chỉ đạo của huyện, lúc đó sẽ kiểm tra cụ thể hồ sơ từng trường hợp. Xã sẽ thông tin với báo chí về việc này sau” - ông Tâm nói.
Tổ hợp công trình Hoàng Lê Gia Garden tại xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn đang thách thức các cơ quan chức năng. ảnh: TRỌNG PHÚ
Những căn biệt thự, khu nghỉ dưỡng đang được hoàn thiện tại thôn Lâm Trường, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn. ảnh: TRỌNG PHÚ
Tự chuyển mục đích, xây dựng trái phép
Ngày 10-9, Sở Xây dựng TP Hà Nội đã có báo cáo gửi Thành ủy, UBND Hà Nội về những vi phạm xây dựng tại khu vực rừng phòng hộ xã Minh Trí (Sóc Sơn), trong đó có công trình Hoàng Lê Gia Garden. Báo cáo cho hay khu đất Hoàng Lê Gia Garden được bốn người ngoài địa phương nhận chuyển nhượng của 13 hộ dân tại thôn Minh Tân. Việc chuyển nhượng có hợp đồng chuyển nhượng giữa các bên được xác nhận của chính quyền thôn và cán bộ địa chính xã. Khu đất được quy hoạch là vườn quả nhưng chủ đầu tư xây dựng công trình nhà ở, sân vườn.
Ngoài ra, Sở Xây dựng cho biết từ đầu năm 2016 đến tháng 6-2018, UBND huyện Sóc Sơn kiểm tra 28 công trình xây dựng tại khu vực thôn Minh Tân, xã Minh Trí thì có 12 trường hợp tự ý chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang đất phi nông nghiệp mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Công trình Hoàng Lê Gia Garden cũng nằm trong số này. Sở đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo huyện Sóc Sơn và xã Minh Trí áp dụng các biện pháp ngăn chặn, đình chỉ tuyệt đối công trình có vi phạm nói chung và Hoàng Lê Gia Garden nói riêng.
Trao đổi với PV, ông Dương Văn Nhuận, Chủ tịch UBND xã Minh Trí, thừa nhận có tình trạng xây biệt thự trên đất rừng diễn ra trên địa bàn xã. Hiện chính quyền địa phương đã yêu cầu dừng tất cả hoạt động xây dựng, báo cáo huyện để chờ xử lý.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban Dân nguyện của Quốc hội: “Chính quyền dày đặc lại bỏ lọt những sai phạm to đùng” Các vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai ở Sóc Sơn, Hà Nội, trong đó có đất rừng đã được nhiều cấp thanh tra, kết luận. Nhưng không hiểu sao mấy năm rồi không thực hiện, khắc phục mà “đánh trống bỏ dùi”. Trách nhiệm trực tiếp là ở các cấp chính quyền Hà Nội, từ TP xuống huyện và các xã liên quan. Tuy nhiên, còn có trách nhiệm của các cơ quan dân cử, đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp của thủ đô đã giám sát chưa đến nơi đến chốn. Đây là vấn đề mà Hà Nội rất cần kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm khi mà sai phạm xảy ra ngay sát nách mình. Để xảy ra tình trạng đó, có ý kiến cho là do pháp luật chưa hoàn chỉnh. Tuy nhiên, tôi cho rằng luật có thể chưa chặt chẽ nhưng không đến mức mà không phân biệt được đâu là đất rừng, đâu là đất ở. Người dân thì đơn giản có lợi ích là làm nhưng các cơ quan, chính quyền dày đặc lại bỏ lọt bao nhiêu sai phạm to đùng. Đây là vấn đề của thực thi pháp luật chứ không phải do chất lượng pháp luật. Coi những phóng sự ảnh, clip cảnh các biệt thự, khu nghỉ dưỡng có cũ, có mới, có cái đang xây dựng ở Sóc Sơn, tôi thật ngỡ ngàng. Toàn là những công trình lớn, giá trị xây dựng hàng chục tỉ, nằm trong không gian xanh mướt của rừng Sóc Sơn. Những sai phạm to đùng, công khai như vậy chứ có phải cái kim đâu mà không biết? Kỳ họp Quốc hội tuần tới, trong các báo cáo của Ban Dân nguyện, một cách chính thức thì không có câu chuyện này. Bởi sự việc mới nóng trên báo chí mấy ngày nay nên chưa có đoàn đại biểu Quốc hội nào gửi ý kiến cả. Tuy nhiên, tôi tin sự việc này sẽ được đại biểu Quốc hội nhắc tới trong kỳ họp như một ví dụ về lỏng lẻo trong thực thi pháp luật. NGHĨA NHÂN ghi |