Sẽ đến lúc quan tham phải đào hầm chôn tài sản bất minh


Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra - Thanh tra Chính phủ nói: 

Minh bạch tài sản, thu nhập, kê khai tài sản, giám sát, kiểm tra việc kê khai tài sản… chỉ là một trong nhiều công cụ phòng, chống tham nhũng (PCTN). Hoàn thiện các công cụ ấy là quá trình song song với sự phát triển của đất nước, với sự nâng lên dần trình độ quản trị quốc gia trên một nền tảng đạo đức xã hội với những giá trị cốt lõi được đề cao...
Rồi sẽ đến lúc nào đó tham nhũng ở ta sẽ không thể trắng trợn, bất chấp, phô trương bằng của nổi, bằng biệt phủ được. Có thể rồi tiền tham, lạm được chẳng thể gửi ngân hàng mà phải nhét dưới gầm giường, hay đào hầm chôn trong nhà như đang diễn ra ở Trung Quốc. Hãy tin quy luật vận động, phát triển là như vậy.
Sống xa hoa khi người dân còn nghèo thì không thể chấp nhận
. Phóng viên: Là người nghiên cứu sâu về chính sách PCTN ở Việt Nam, ông nhìn nhận thế nào về những phản ứng gần đây của người dân trước những “biệt phủ” ở Yên Bái, hay hiện tượng cả họ làm quan ở Hà Giang, Bắc Ninh?
+ TS Đinh Văn Minh: Đây là biểu hiện tích cực của công tác PCTN. Tự đánh giá thì ta thấy chưa ngăn chặn, đẩy lùi như mong muốn nhưng việc người dân, dư luận quan tâm nhiều hơn, phản ứng nhiều hơn, thông tin nhiều hơn về tài sản của cán bộ, công chức thì đó là biểu hiện tích cực. Điều này cho thấy phía xã hội ngày càng đòi hỏi hơn về minh bạch, phản ứng mạnh mẽ hơn về những biểu hiện không bình thường và ngược lại Nhà nước cũng lắng nghe và nhanh chóng có những hành động quyết liệt để xử lý, thể hiện quyết tâm xây dựng một chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động.
Thực tế thì xã hội ngày càng quen với quy luật của kinh tế thị trường là có người giàu, thậm chí rất giàu, có người nghèo, rất nghèo, tùy thuộc vào năng lực, sự cố gắng và cả yếu tố ngẫu nhiên may mắn nữa. Nhưng chỉ là quen, là bình thường, là tốt nếu đó là những doanh nhân.

Toàn cảnh biệt phủ rộng 1,3 ha của Giám đốc Sở TN&MT Yên Bái Phạm Sỹ Quý. Ảnh: CTV

Xã hội vỗ tay, trầm trồ với những “đại gia” giỏi giang giàu có, làm ăn nghiêm túc, thế nhưng trong một xã hội mà quan chức, lãnh đạo giàu có lại còn khoa trương, vênh vang thì người ta sẽ bi quan, phản cảm. Nó càng đúng với Việt Nam, khi lãnh đạo thì đều là đảng viên, mà đảng viên thì phải gương mẫu, sống chan hòa, gần gũi với người dân còn nhiều kham khó. Anh sống xa hoa theo kiểu vua quan thời phong kiến trong một địa phương như Yên Bái, tỉ lệ hộ nghèo cao nhất, nhì toàn quốc, một tỉnh vẫn thường xuyên trông chờ vào trợ cấp của trung ương thì không thể chấp nhận được.
. Những biểu hiện phô trương đời sống vật chất như vậy bùng phát những năm gần đây, khi mà Luật PCTN từ 12 năm trước đã đặt ra nghĩa vụ quan chức phải kê khai tài sản, thu nhập. Tại sao vậy?
+ Có hai yếu tố. Thứ nhất là bản thân đạo đức của người cán bộ ấy có vấn đề. Có những biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống như đã chỉ ra trong Nghị quyết Trung ương 4. Thứ hai, quy định về kiểm soát thu nhập thì có đấy nhưng thực tế không có giá trị nhắc nhở, cảnh báo, răn đe khiến họ “nhờn thuốc” và chẳng cần phải “cảnh giác” nữa.

Hàng triệu bản kê khai, chỉ 17 trường hợp vi phạm

. Thanh tra Chính phủ đang tham mưu sửa Luật PCTN. Vấn đề minh bạch tài sản, thu nhập được đánh giá thế nào?
+ Nếu nhìn từ Pháp lệnh PCTN 1998 tới Luật PCTN 2005 qua hai lần sửa đổi thì thấy yêu cầu minh bạch tài sản, thu nhập ngày càng cao hơn, các quy định ngày càng chặt chẽ hơn: bắt đầu là để người có chức vụ, quyền hạn làm quen dần, rồi tới công khai dần, và rồi quen dần với nghĩa vụ giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm...
Tuy nhiên, qua tổng kết 10 năm thi hành Luật PCTN thì nhận định chung là vẫn chưa đạt yêu cầu. Con số thực hiện là khá nghiêm túc về số lượng, trình tự, thủ tục, thời gian - với khoảng 99% đối tượng phải kê khai đã kê khai, 98% kê khai đúng thời hạn. Nhưng hiệu quả để từ đó ngăn chặn, phát hiện ra tham nhũng thì chưa đáng kể: hàng triệu bản kê khai mà chỉ gần 5.000 trường hợp được kiểm tra, trong đó phát hiện 17 trường hợp là kê khai chưa đúng, và xử lý rất nhẹ nhàng. Đó là điều đáng suy nghĩ.
Đây không phải là hạn chế của riêng Luật PCTN mà là của nhiều luật khác. Cần cải cách mạnh mẽ theo hướng chú trọng về hiệu quả áp dụng chứ không phải số lượng ban hành, thậm chí là “thực hiện nghiêm túc” nhưng lại không mang đến hiệu quả thực tế.

TS Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra - Thanh tra  Chính phủ.

. Từ Luật PCTN 2005, chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực này được xác lập, có cả TTCP và TT các cấp theo dõi; từ 2013, bản kê khai được công khai tại nơi công tác. Tại sao lại ít xác minh, và sai phạm được phát hiện lại ít đến đáng ngờ thế?

+ Có lẽ, vì coi đây là vấn đề mới, cần có thời gian làm quen, nên cách tiếp cận của ta dựa chủ yếu vào tính trung thực của cán bộ, đảng viên. Vì vậy mà chưa yêu cầu cao về việc xác minh tính trung thực nên kê khai, nộp tổ chức cất tủ là xong.
Nhưng như bạn thấy, dần dần đã có sự điều chỉnh. Ban đầu quản lý bản kê khai tài sản như tài liệu mật thì đến năm 2013 đã bắt buộc công khai dưới hai hình thức niêm yết ở cơ quan, hoặc đọc trước hội nghị cán bộ, viên chức.
Tuy nhiên, những điều chỉnh ấy vẫn còn dè dặt. Yêu cầu công khai, nhưng lại “nghiêm cấm lợi dụng việc minh bạch tài sản, thu nhập để gây mất đoàn kết nội bộ”. Mà trong Đảng, tội gây mất đoàn kết là rất nặng. Cho nên, trong nội bộ có phát hiện nghi vấn kê khai không đầy đủ, trung thực thì người ta cũng ngại tố cáo.

Kiểm tra theo xác suất, tăng trách nhiệm giải trình

. Vậy cần sửa đổi luật PCTN thế nào để các bản kê khai không bị cất vào ngăn tủ, để giám sát, nâng cao tính trung thực của người kê khai?
+ Đã đến lúc phải chuyên môn hóa việc đó. Lập bộ phận chuyên trách, hoặc giao thêm chức năng cho bộ phận tiếp nhận, quản lý bản kê khai để có người đọc, nghiên cứu thông tin các bản kê khai, theo dõi sự biến động. Người đó phải có quyền chủ động đánh giá tính hợp lý của giải trình về tài sản, và thậm chí có quyền yêu cầu người kê khai bổ sung, làm rõ…
Chúng tôi đang bàn, có thể xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu kết nối với các cơ quan liên quan. Tài sản chung quy có mấy loại tiền, nhà đất, xe cộ, cổ phần, cổ phiếu... thì quản lý việc đó phải kết nối với ngân hàng, sở thuế, đăng ký bất động sản, ủy ban chứng khoán.
Soạn thảo các nghị quyết của Đảng liên quan đến xây dựng, chỉnh đốn, rồi mấy lần sửa luật trước đã đề xuất có cơ chế kiểm tra theo xác suất nhưng vẫn còn đang tranh luận. Giờ chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu, ngoài những việc có biểu hiện không trung thực rõ ràng cần phải xác minh thì mỗi năm tiến hành thẩm tra ngẫu nhiên 10%-15% đối tượng phải kê khai, trúng ai người đó chịu. Như thế cán bộ, đảng viên mới ý thức hơn về trách nhiệm của mình. Chứ chỉ dựa vào niềm tin là cán bộ ta trung thực cả, thì khó có thể hy vọng mọi người đều trung thực trong việc kê khai.
. Nếu siết lại thì tham nhũng có thể thay đổi từ của nổi sang của chìm, rồi nhờ anh em cha mẹ đứng tên như trường hợp ông Trịnh Xuân Giới đứng tên công ty và biệt thự khủng trên Tam Đảo thay cho con Trịnh Xuân Thanh… Làm thế nào để phát lộ phần chìm đó?
+ Có chứ. Lần này dự kiến bổ sung nghĩa vụ giải trình cả với tài sản tăng, và tải sản giảm - theo đúng nghĩa là biến động. Ít nhất để minh bạch hóa, qua đó phòng ngừa việc tẩu tán tài sản bất minh. Tôi cho rằng cần đưa vấn đề kiếm soát dòng tiền, chống rửa tiền vào lần sửa Luật PCTN này, có thể thành mục kiểm soát giao dịch lớn. Chẳng hạn, cứ chi tiêu 200 triệu đồng trở lên là phải kê khai. Như thế, quản lý nhà nước về minh bạch tài sản, thu nhập sẽ bao gồm cả phần tĩnh - như hiện tại, và thêm phần động nữa.
Rồi cũng cần tiếp tục siết việc chi tiêu tiền mặt hơn nữa trong chi tiêu công, cũng như trong hoạt động thanh toán của doanh nghiệp. Chứ còn như hiện nay, ta có trung tâm chống rửa tiền, có quy định giao dịch lớn phải báo cáo, nhưng các ngân hàng sợ mất khách nên vẫn che giấu, không khai báo.
Ngoài ra, với nhận thức mới trong Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, vốn đòi hỏi rất cao trách nhiệm nêu gương của đảng viên, nhất là cấp cao, thì rồi nên có cơ chế khuyến khích cán bộ của mình công khai tài sản, và chủ động giải trình tài sản khi người dân, công luận có thắc mắc. Xây dựng nhận thức mới để công khai bản kê khai không chỉ là nghĩa vụ nữa mà là quyền, là cơ hội để những người được đề cử, ứng cử tạo niềm tin trước cử tri, trước cấp có thẩm quyền bổ nhiệm.
Các nước văn minh là vậy, trong các cuộc bầu cử, thể hiện được sự minh bạch, liêm chính thì đó là điểm cộng rất lớn. Và ta cũng có những ví dụ tốt, chẳng hạn trước thông tin, đề xuất thay cây Hồ Gươm, lãnh đạo Hà Nội lên tiếng bác bỏ, lòng dân vui ngay. Như thế, hãy coi giải trình là việc thường ngày, là cơ hội, thay vì nghĩa vụ.
. Những điểm mới, đề xuất của ông ở đây có được các ban ngành ủng hộ không?
+ Tất cả đều đã được đưa ra thảo luận. Thành phần trao đổi rất rộng, ngoài các đại diện các cơ quan của Chính phủ còn có đại diện của các ban Đảng, rồi cơ quan tư pháp… Xem ra cũng nhiều người đồng tình. Tình hình mới, nhận thức mới mà. Tất nhiên không tránh khỏi có những vấn đề còn khác nhau ý kiến, thậm chí là gay gắt, chuyện đó cũng là bình thường vì đấu tranh chống tham nhũng là vấn đề khó khăn, phức tạp.
Năm ngoái, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị lùi thời gian trình, để chuẩn bị kỹ lưỡng hơn các nội dung cần sửa, bám sát quan điểm, nhận thức mới về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Dự kiến, cuối năm nay, Chính phủ trình tiếp, để giữa năm sau thì Quốc hội sẽ thông qua.
. Xin cảm ơn ông!

Giám sát khoảng 1.000 cán bộ cao cấp

Điều đáng mừng là vừa rồi, Bộ Chính trị ban hành Quy định 85 về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản, hướng tới khoảng 1.000 cán bộ cốt cán thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Từ Nghị quyết Trung ương 3 khóa X đã có quan điểm chống tham nhũng là phải “trên trước dưới sau, trong trước ngoài sau”, nhưng phải hơn 10 năm mới có một quy định cụ thể hóa mạnh mẽ như vậy.
Quy định 85 có những nội dung rất đáng chú ý, thể hiện quyết tâm cao của trung ương.
Thứ nhất, quy định rõ ràng về đối tượng kiểm tra, giám sát, và cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, giám sát, tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc lâu nay liên quan đến cấp cán bộ này.
Thứ hai, mở rộng căn cứ tiến hành kiểm tra, giảm sát: Khi có kế hoạch, yêu cầu của cấp trên; khi có kiến nghị, phản ánh, tố cáo có căn cứ về việc kê khai không trung thực; khi cán bộ có dấu hiệu vi phạm quy định về kê khai tài sản.
So với pháp luật về PCTN hiện tại, căn cứ để xác minh việc kê khai tài sản chủ yếu dựa vào tố cáo - vốn đòi hỏi nội dung, hình thức rất chặt chẽ, thì Quy định 85 là rất mạnh.
Đây là cơ sở quan trọng, gợi ý cho sửa Luật PCTN.
TS Đinh Văn Minh 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm