Bởi không chỉ Yên Bái mà khắp đất nước này, những biệt phủ của quan chức nhiều cấp đang gây ra sự phản cảm nếu đặt bên cạnh cảnh nghèo khó của nhiều người dân. Mới đầu năm 2017, Yên Bái nằm trong số 12 tỉnh xin trung ương hỗ trợ gạo để nhân dân ăn Tết thì sự giàu có của quan chức nơi đây trở thành điều nhức nhối cũng là điều dễ hiểu.
Xin được minh định rằng: Sự giàu có không có lỗi, thậm chí còn là mục tiêu phấn đấu của quốc gia. Trong nghị quyết của Đảng cũng kêu gọi toàn dân làm giàu, kiến quốc. Điều ấy cho thấy rằng: Sự giàu có chính là mục tiêu tối thượng của mọi quyết sách và định hướng.
Người dân chắc chắn chẳng vui gì khi quan chức, tức là “công bộc” của mình, nghèo khổ, bần hàn. Và chắc chắn người dân cũng chẳng lấy gì làm sung sướng khi thu nhập bình quân đầu người của cả quốc gia cũng mới chỉ đạt hơn 2.000 USD/năm. Sự giàu có chưa bao giờ là xấu xa và ước mơ trở nên giàu có vẫn thường trực trong tâm khảm mỗi người.
Vì sao những biệt phủ, biệt thự hoành tráng của quan chức nhiều nơi lại gây ra phản cảm và vượt sức tưởng tượng của người dân như vậy? Ngoài lý do phản cảm đối với đời sống của đại bộ phận nhân dân thì còn lý do gì khác?
Cũng không quá khó hiểu khi sự giàu có thể hiện qua các biệt thự, biệt phủ và tài sản của quan chức dường như vẫn không phù hợp so với thu nhập của những cán bộ, công chức nhà nước. Bảng lương của nhiều lãnh đạo và quan chức cấp cao… khi được công bố đã gây xôn xao dư luận vì sự thấp của nó.
Bởi người dân có thể nhận thấy sự bất đối xứng giữa sự giàu có thể hiện ra bên ngoài của quan chức với thu nhập thực tế từ lương và một số khoản phụ cấp khác có thể đo đếm được.
Những biệt phủ, biệt thự gây ra phản cảm đã đành, một số lý giải của quan chức về nguyên nhân sự giàu có như chạy xe ôm, buôn chổi, làm bún, tích cóp thời trẻ… bỗng trở nên như một sự thách thức.
Bởi khó có một nguyên lý về kinh tế nào có thể chứng minh được mối liên hệ biện chứng giữa những nghề quy mô nhỏ nói trên với những biệt thự, biệt phủ trị giá hàng chục tỉ đồng. Cũng khó có thể tìm thấy sự tương đồng nào giữa việc quan chức được vay tới 20 tỉ đồng để xây biệt phủ mà không có vốn đối ứng, trong khi người dân vay ngân hàng một khoản đầu tư vài trăm triệu thì rất nhiêu khê.
Vì vậy, những biệt thự, biệt phủ của quan chức vượt sức tưởng tượng của dân cũng là điều tất nhiên. Bởi sự giàu có ấy nếu có thể lý giải được và nằm trong sự giàu có chung của quốc gia thì có lẽ dư luận và nhân dân đã không ồn ào đến thế.