“Chúng ta không thể làm nhà máy thủy điện bằng mọi giá vì đã từng trả giá”. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Đức Thắng nhấn mạnh như thế tại cuộc họp báo thường kỳ của bộ này vào chiều 6-5.
Quy hoạch không có “siêu dự án thủy điện” nhưng...
Trước đó, Bộ KH&ĐT có văn bản đề nghị Thủ tướng xem xét về “siêu dự án thủy điện” trên sông Hồng có tổng mức đầu tư khái toán lên tới 25.000 tỉ đồng. Tại cuộc họp báo, ông Đỗ Đức Quân, Phó Tổng Cục trưởng Cục Năng lượng (Bộ Công Thương), khẳng định hiện không có bất kỳ dự án thủy điện nào trên sông Hồng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hay nằm trong quy hoạch về mạng lưới thủy điện.
“Nhiều báo, đài thông tin về “siêu dự án thủy điện” trên sông Hồng là chưa chính xác. Đây là dự án giao thông thủy xuyên Á có đập, âu thuyền để dâng nước lên nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại bằng đường sông” - ông Quân nói.
Vì vậy, dự án này có “siêu” hay không “siêu” thì thuộc trách nhiệm của Bộ KH&ĐT và Bộ GTVT vì nó là dự án giao thông thủy. Theo ông Quân, dự án này mới ở giai đoạn nghiên cứu, sau này các bộ có liên quan sẽ làm rõ cụ thể hơn. Tuy vậy, ông Quân vẫn cho rằng nếu dự án này “kết hợp” phát điện được để tận dụng tài nguyên nước thì có thể xem xét được.
Trả lời câu hỏi vậy có khả năng có nhà máy thủy điện không, ông Quân nói: “Giả sử Chính phủ cho nghiên cứu và kết quả cho thấy làm hiệu quả thủy điện, giá bán hợp lý thì sẽ ủng hộ. Nhưng hiện đây mới chỉ là đề xuất sơ bộ và cũng chưa có quy hoạch cụ thể về thủy điện trên sông Hồng”.
Đề xuất thực hiện “siêu dự án thủy điện” trên sông Hồng gây lo ngại. Ảnh: TRUNG THANH
“Từng trả giá về môi trường”
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định: “Chúng tôi không làm nhà máy thủy điện bằng mọi giá vì chúng ta đã phải trả giá về môi trường, như hạn hán, mưa lũ. Vì vậy, nếu dự án này thực hiện thì phải tính toán một cách cụ thể các tác động về môi trường. Chúng ta không bao giờ đổi kinh tế thuần túy để đánh đổi môi trường. Môi trường không chỉ ảnh hưởng trực tiếp cho thế hệ hiện nay mà con cháu chúng ta sau này cũng sẽ bị ảnh hưởng”.
Trước đó, Bộ KH&ĐT đề nghị Thủ tướng xem xét, thông qua chủ trương đầu tư dự án giao thông thủy kết hợp thủy điện trên sông Hồng. Dự án do Công ty TNHH Xuân Thiện (Tập đoàn Xuân Thành) đề xuất với tổng vốn đầu tư hơn 24.500 tỉ đồng. Nguồn thu chính của dự án gồm phí luồng tuyến từ 10.000 đồng/tấn đến 45.000 đồng/tấn; bán điện với giá khởi đầu là 1.900 đồng/kWh và dần tăng lên 3.560 đồng/kWh…
Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ diễn ra vào chiều 5-5, ông Nguyễn Xuân Tự, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư, Bộ KH&ĐT, cho biết nếu được chấp thuận, dự án sẽ qua bước phê duyệt dự án rồi tổ chức nghiên cứu khả thi. “Dự án này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến môi trường nhưng ảnh hưởng như thế nào thì sẽ có báo cáo đánh giá chi tiết tác động môi trường ở các bước sau. Hiện nay dự án mới đề xuất ý tưởng ban đầu” - ông Tự nói.
Dự án rủi ro, không hiệu quả Bộ KH&ĐT lấy ý kiến nhiều bộ, ngành và UBND các tỉnh liên quan. Kết quả, nhiều bộ như TN&MT, Xây dựng, Quốc phòng, Công Thương… đều đồng thuận, thống nhất về sự cần thiết thực hiện dự án. UBND các tỉnh Yên Bái, Lào Cai cũng ủng hộ. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, phương án huy động vốn của nhà đầu tư chưa rõ, dự án rủi ro cao. Cụ thể, dự án có tổng mức đầu tư hơn 24.500 tỉ đồng thì vốn chủ sở hữu phải hơn 7.350 tỉ đồng. Đây là số tiền tương đối lớn so với vốn điều lệ của Công ty Xuân Thiện Ninh Bình (theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 25-5-2015) chỉ có 1.200 tỉ đồng… Ngoài ra, nhà đầu tư còn đứng trước rủi ro không bán được điện do không cạnh tranh được về giá. Như vậy, giá bán điện của dự án từ lợi thế nguồn thu như báo cáo sẽ là rủi ro lớn, không đảm bảo được hiệu quả dự án. TR.THANH |