Tuần qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố dự thảo Luật Doanh nghiệp (DN) sửa đổi (dự luật) để lấy ý kiến góp ý. Điểm nổi bật của dự luật lần này là bổ sung hẳn một chương mới về DN nhà nước (DNNN). Vì sao lại có điều này và những quy định mới về DNNN trong dự luật có ý nghĩa như thế nào? Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi đầu tuần với chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh về vấn đề này. TS Doanh nhấn mạnh: “Những nội dung mới về DNNN trong dự luật là một bước tiến bộ cần được xem xét để thông qua. Đây cũng là một bước thúc đẩy quá trình tái cấu trúc DNNN”.
DNNN bình đẳng trên “sân chơi” hội nhập
. Phóng viên: Dự thảo Luật DN sửa đổi lần này bổ sung hẳn một chương mới về DNNN (Chương VII), ông có nhận xét gì về điểm mới này?
Trong quá trình thảo luận cũng có ý kiến đề xuất không cần có một chương riêng về DNNN cho phù hợp với thông lệ quốc tế và DNNN cũng tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật DN. Song ban soạn thảo đã đưa ra những quy định nhằm thực hiện chủ trương tái cơ cấu DNNN đặc thù của Việt Nam.
. Dự luật mới quy định vai trò và chức năng của DNNN chỉ làm những gì mà các DN khác không muốn hoặc không thể cung cấp. Theo ông, quy định như vậy đã khắc phục được tình trạng DNNN còn ôm đồm quá nhiều việc, đầu tư tràn lan, ngoài ngành, kém hiệu quả như hiện nay không?
+ Những quy định này có tính mới, nêu bật chức năng nhiệm vụ của DNNN. Đó là: “DNNN được thành lập để cung cấp những sản phẩm, dịch vụ đảm bảo nền kinh tế phát triển cân đối, vì lợi ích của tất cả nhóm dân cư, bảo đảm an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ mà các DN khác không muốn hoặc không thể cung cấp”. Cụ thể hơn, dự luật còn quy định rõ những ngành, nghề DNNN cần tập trung hoạt động là: Công nghiệp quốc phòng; các ngành công nghiệp độc quyền tự nhiên; các ngành, lĩnh vực cung cấp hàng hóa và dịch vụ thiết yếu; một số ngành công nghiệp nền tảng, công nghệ cao có sức lan tỏa lớn. Đồng thời, Chính phủ quy định danh mục cụ thể các ngành, nghề chính phù hợp với quy định nêu trên. Nếu được thông qua, các DNNN sẽ phải thoái vốn khỏi những lĩnh vực đã đầu tư ngoài ngành hay cổ phần hóa. Trước mắt, đó là một tiến bộ, trong tương lai, khi kinh tế tư nhân phát triển vững vàng hơn có thể giảm bớt trách nhiệm của DNNN.
Theo dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, các DNNN phải tăng cường tính minh bạch, góp phần nâng cao chất lượng quản trị và tăng thêm điều kiện giám sát của công luận. Ảnh: HTD
Khắc phục “vừa đá bóng vừa thổi còi”
. Một điểm nổi bật của dự luật lần này là quy định các cơ quan nhà nước không được can thiệp và áp đặt mệnh lệnh hành chính vào hoạt động kinh doanh, đảm bảo quyền tự chủ kinh doanh của DN; Chính phủ không được ban hành các quy định tạo lợi thế hoặc đặc quyền riêng cho DNNN. Là một chuyên gia kinh tế ông thấy quy định này có ý nghĩa như thế nào?
+ Điều 172 dự luật có quy định về “Nguyên tắc tổ chức thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN” trong đó có quy định quyền hạn của Quốc hội, Chính phủ về quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước. Đó là những nội dung mới nhằm tách bạch quyền chủ sở hữu khỏi cơ quan quản lý nhà nước như lâu nay. Hiện nay, các bộ, tỉnh vừa là đại diện chủ sở hữu vừa là cơ quan quản lý nhà nước, tức là “vừa đá bóng, vừa thổi còi” làm cho quản lý nhà nước thiếu nghiêm minh, thiếu chặt chẽ và kém hiệu quả. Vì vậy nội dung này rất cần được quan tâm thảo luận để trình Quốc hội xem xét và thông qua. Đó là những đúc kết từ thực tiễn quản lý DNNN ở nước ta trong những năm qua, song mới chỉ là bước đầu.
. Một vấn đề nhức nhối trong DNNN hiện nay là tính công khai, minh bạch kém. Dự luật lần này có quy định hẳn một mục về việc công bố thông tin của các DNNN (công bố thường kỳ và bất thường, niêm yết trên thị trường chứng khoán…). Ông thấy như vậy đã đủ chưa và cần bổ sung thêm điều gì?
+ Dự luật cũng quy định chi tiết quyền hạn, trách nhiệm của Ban kiểm soát, trách nhiệm công bố thông tin của DNNN. Đó là những quy định mới, tiến bộ theo hướng thực hiện các quy tắc quản trị DN hiện đại mà tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã khuyến nghị và cũng phù hợp với những yêu cầu của hội nhập quốc tế khi Việt Nam tham gia TPP. Thí dụ như dự luật có quy định chi tiết về công bố thông tin thường xuyên và bất thường (từ Điều 195 đến 200). Đó là một bước tiến quan trọng, tôi hy vọng các nhóm lợi ích sẽ không làm giảm quá nhiều những nội dung quan trọng này và Quốc hội sẽ thông qua. Nếu so với thực trạng số liệu công bố rất nghèo nàn, trong năm công bố lỗ to, cuối năm lại báo cáo lãi khủng, tôi hy vọng những quy định này sẽ góp phần nâng cao chất lượng quản trị của các DNNN, tăng thêm điều kiện giám sát của công luận.
Tất nhiên, một con én không làm được mùa xuân, chỉ riêng Luật DN không thể bảo đảm thực hiện tái cơ cấu DNNN. Thí dụ như những quy định này còn cần được bổ sung bởi Luật Đầu tư vốn Nhà nước vào DN và các quy định về công khai, minh bạch trong quy trình bổ nhiệm các chức danh chủ chốt tại DNNN.
. Nói đến việc bổ nhiệm nhân sự trong DNNN, thời gian qua không ít DNNN lộ ra nhiều chuyện lùm xùm xoay quanh câu chuyện con ông cháu cha, đưa người nhà vào nắm giữ nhiều vị trí quan trọng... Vậy theo ông các quy định về tổ chức và quản lý DNNN nêu trong dự luật liệu có khắc phục được những hạn chế này?
+ Lâu nay, việc lựa chọn và bổ nhiệm các chức danh đó không công khai, minh bạch, không được thông qua các ủy ban của Quốc hội và HĐND, bổ nhiệm không dựa trên hợp đồng trách nhiệm có giới hạn về thời gian, quy định rõ trong thời gian được bổ nhiệm người này phải hoàn thành những mục tiêu gì. Theo tôi, các ứng cử viên cần có chương trình hành động để hội đồng tuyển chọn xem xét, bỏ phiếu kín, trình cấp có thẩm quyền xem xét. Ứng cử viên cũng cần được ủy ban của Quốc hội (hay HĐND ở địa phương) xét duyệt trong một phiên chất vấn và bỏ phiếu chấp thuận. Những quy định như vậy sẽ góp phần hạn chế những bổ nhiệm thiếu chính xác (như đã bổ nhiệm ông Trần Quang Vũ thay ông Phạm Thanh Bình làm tổng giám đốc Vinashin để sau ba tháng ông Trần Quang Vũ cũng bị bắt…).
. Xin cảm ơn ông.
THU HẰNG thực hiện
Phóng viên: Hiện nay không ít DNNN nhập nhằng giữa hoạt động kinh doanh và làm nhiệm vụ xã hội, hoạt động công ích dẫn đến tình trạng lỗ lãi không rõ ràng. Vậy theo ông Luật DN sửa đổi cần có quy định nào để tránh tình trạng này? + TS Lê Đăng Doanh: Lâu nay Chính phủ vẫn giao cho một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện một số nhiệm vụ xã hội như bán điện với giá thấp cho nông thôn, cấp điện cho vùng miền núi với chi phí cao, hiệu quả kinh tế thấp v.v. và phải bù lỗ. Trong không ít trường hợp, DNNN đã lấy danh nghĩa nhiệm vụ xã hội để giải thích các khoản kinh doanh kém hiệu quả của họ. Theo kinh nghiệm của các nước, các khoản trợ cấp nên trao trực tiếp cho người được nhận còn DNNN vẫn bán điện theo giá thị trường, tránh bị lạm dụng danh nghĩa trách nhiệm xã hội. Việc vận chuyển lên miền núi nên đấu thầu công khai, có khoản bù lỗ rõ ràng, chắc chắn sẽ có DN tư nhân tham gia vì họ có thể khai thác hàng ngược chiều và kinh doanh có hiệu quả hơn. |