Thanh tra Chính phủ (TTCP) mới đây đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ kết quả kiểm tra thực hiện kết luận thanh tra về việc chấp hành quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) và các đơn vị thành viên.
Một trong những nội dung đáng chú ý là việc VRG đề nghị xem xét không chuyển hồ sơ xử lý trách nhiệm hình sự đối với vụ việc của Công ty Cổ phần Cao su Phú Riềng-Kratie.
VRG đề nghị xem xét không chuyển hồ sơ xử lý trách nhiệm hình sự đối với vụ việc của Công ty Cổ phần Cao su Phú Riềng-Kratie. Ảnh minh họa
Trước đó, tại kết luận thanh tra ngày 2-10-2014, TTCP đã chỉ ra nhiều vi phạm của VRG, trong đó có dự án trồng cao su tại Campuchia của Công ty Cao su Phú Riềng-Kratie.
TTCP cho rằng việc góp vốn thành lập công ty này để đầu tư trồng mới cao su đã để xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng từ khâu lập, thẩm định, trình duyệt dự án cho đến công tác khảo sát, điều tra thổ nhưỡng sai trình tự; kết quả khảo sát không đúng thực tế dẫn đến chất lượng vườn cây thấp, chết nhiều, khả năng thiệt hại lên tới hơn 483 tỉ đồng.
Do đó, TTCP đề nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra, xử lý trách nhiệm theo pháp luật về những sai phạm có tính chất phức tạp, nghiêm trọng, gây hậu quả lớn về kinh tế.
Phản hồi về đề nghị nói trên, Bộ Công an cho biết vụ việc đã được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Phước thu thập tài liệu liên quan trước khi TTCP kiến nghị Bộ Công an. Do vậy, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã trao đổi và thống nhất để Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Phước tiếp tục xử lý.
Tiếp đó, ngày 27-10-2017, Cơ quan CSĐT Bộ Công an có văn bản yêu cầu giám đốc công an và thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình phước chỉ đạo khẩn trương tiến hành thu thập tài liệu, làm rõ và báo cáo lãnh đạo Bộ Công an.
Về phía VRG, tập đoàn này cho hay thực hiện chủ trương đẩy mạnh hợp tác với nước bạn Campuchia, VRG đã phối hợp cùng lãnh đạo tỉnh Bình Phước tìm hiểu về việc đầu tư tại Campuchia. Kết quả là hình thành được biên bản làm việc giữa chính quyền tỉnh Bình Phước, Tổng Công ty Cao su Việt Nam và chính quyền ba tỉnh Kratie, KompongThom, Mondolkiri về xúc tiến đầu tư tại các tỉnh Đông Bắc Campuchia cuối năm 2006.
Dự án Phú Riềng-Kratie là dự án đầu tiên VRG triển khai chương trình vị trí đất được giao nằm giáp biên giới tỉnh Bình Phước. Khi nhận đất, công ty đã tiến hành trồng cao su ngay theo yêu cầu của phía bạn. Đây là cơ sở quan trọng để phát triển quỹ đất tại tỉnh Kratie và các tỉnh khác tại Vương quốc Campuchia.
Về mặt kỹ thuật, do chưa có kinh nghiệm đối với đất rừng khộp và giải pháp kỹ thuật chưa phù hợp nên từ năm thứ tư vườn cao su kém phát triển và chết dần trên phần lớn diện tích đã trồng loạt đầu không phát huy được hiệu quả.
Theo báo cáo của VRG, chương trình phát triển cao su ở Campuchia mục tiêu 100.000 ha trồng mới, mức độ thiệt hại của Phú Riềng-Kratie chiếm khoảng 5%, đây là mức thiệt hại có thể chấp nhận được đối với nông nghiệp (theo quy trình trong cao su, tỉ lệ cây sống 95% là đạt yêu cầu). Đến năm 2020, toàn bộ diện tích vườn cây đã trồng ở Campuchia của VRG đến kỳ khai thác, sản lượng sẽ đạt 100.000 tấn, chiếm khoảng 25% sản lượng tập đoàn.
Mặt khác, khi triển khai các dự án cao su tại Vương quốc Campuchia, VRG có một số khó khăn, vướng mắc như: vùng dự án phát triển cao su nằm ở vùng sâu vùng xa của nước bạn, nơi chính trị khá phức tạp; tuy chính quyền địa phương ủng hộ dự án cao su của Việt Nam tạo sự ổn định quan hệ tốt giữa hai quốc gia, có lợi về chính trị, an ninh quốc phòng nhưng dự án được duyệt có thời hạn 50 năm (chưa phù hợp với một chu kỳ đầu tư trồng cây cao su là 30 năm).
VRG cho rằng Công ty Cổ phần Cao su Phú Riềng-Kratie (đăng ký hoạt động tại Campuchia) thực hiện đầu tư dự án Phú Riềng-Kratie chưa hiệu quả, đó là rủi ro trong việc phát triển cao su tại Vương quốc Campuchia. Tuy nhiên, xét về quy mô tổng thể chương trình dự án VRG chỉ đạo triển khai thì có hiệu quả khá rõ về kinh tế và chính trị. VRG đã nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc, chủ động rà soát đánh giá kết quả chương trình dự án trồng cây cao su tại Vương quốc Campuchia.
Thực tế Công ty Cổ phần Cao su Phú Riềng-Kratie trồng cây cao su tại Campuchia bị chết phần lớn là do yếu tố khách quan, triển khai dự án đầu tiên nên chưa có kinh nghiệm, thực hiện nhiệm vụ khẩn trương nên có nhiều khó khăn, liên quan đến tình hình chính trị xã hội địa phương…
Mặt khác, ông Phan Hữu Nam khi đó là giám đốc liên quan trách nhiệm chủ yếu đã bị ốm và qua đời năm 2015.
Do vậy, VRG đề nghị xem xét không chuyển hồ sơ xử lý trách nhiệm hình sự đối với vụ việc Công ty Cổ phần Cao su Phú Riềng-Kratie.
Về vấn đề này, TTCP đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét kiến nghị của VRG.