Hệ thống chính trị của Việt Nam hiện nay không phải cồng kềnh mà đã quá cồng kềnh với nhiều tầng nấc trung gian, quá nhiều cơ quan, tổ chức. Do đó chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức ở nhiều nơi trở nên chồng chéo, trùng lắp về nhiệm vụ. Khi hệ thống chính trị quá cồng kềnh tất sẽ dẫn tới hệ quả là biên chế sẽ không ngừng tăng. Vì vậy không có gì lạ khi rất nhiều năm thực hiện tinh giản biên chế nhưng đến nay biên chế không những không giảm mà ngày càng tăng cao.
Hiện nay không khó để nhận ra rằng cùng lúc có nhiều hệ thống song song tồn tại: Hệ thống tổ chức của Đảng, hệ thống tổ chức của Nhà nước, hệ thống tổ chức của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội. Hầu như cứ trung ương có tổ chức nào thì ở địa phương có tổ chức đó và kéo dài cho xuống tận ấp, khu phố. Ngoài ra còn có nhiều tổ chức xã hội khác mà Nhà nước phải đài thọ một phần kinh phí cũng như lương, phụ cấp…
Vì hệ thống chính trị cồng kềnh, quá nhiều cấp trung gian nên tổng số người hưởng lương, phụ cấp thực tế trong bộ máy của hệ thống chính trị không ngừng tăng qua các năm. Tính đến ngày 30-10-2016 đã là hơn 3,73 triệu người, đó là chưa kể lực lượng vũ trang. Như vậy, cứ bình quân khoảng 20-25 người (bao gồm cả trẻ em) nộp thuế để nuôi một cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Ngoài ra, với gần 60.000 đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay có tổng biên chế lên tới trên 2,1 triệu người, trong đó có nhiều đơn vị sự nghiệp vẫn hoạt động từ nguồn ngân sách nhà nước, do Nhà nước bao cấp toàn bộ.
Đó là chưa kể hàng triệu người khác hoạt động không chuyên trách, hoạt động đảng, đoàn thể không thuộc diện hưởng lương nhưng có hưởng phụ cấp từ ngân sách nhà nước. Vì vậy không lạ khi 70% chi của Việt Nam hiện nay là chi thường xuyên, trong đó phần nhiều là chi lương và chi hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Tổ chức cồng kềnh, đội ngũ hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách quá đông nên hệ quả là Nhà nước không có đủ tiền để tăng lương cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đây là một trong những nguyên nhân chính “đẻ” ra tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức hoạnh họe, sách nhiễu người dân trong khi thi hành công vụ.
Để có hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động có hiệu quả cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị.
Một bộ máy hoạt động hiệu quả không nhất thiết trung ương có cơ quan nào thì ở cấp tỉnh, cấp huyện phải có cơ quan đó. Cần phải quyết liệt thực hiện càng sớm càng tốt việc nhất thể hóa các chức danh của Đảng, Nhà nước.
Các đoàn thể chính trị-xã hội cần được tổ chức tinh gọn theo hướng thu gọn đầu mối và tổ chức…
Cùng với tinh giản biên chế là việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; sử dụng đúng người, đúng việc.
Đổi mới hệ thống chính trị là yêu cầu bức thiết mà thực tiễn cuộc sống đặt ra. Đây là cuộc cách mạng rất cam go vì nó đụng đến rất nhiều vấn đề của con người, của xã hội. Thế nhưng nhất thiết công cuộc này phải được tiến hành một cách triệt để để “tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”.