“Quan trọng nhất là tư duy, tầm nhìn và suy nghĩ của mình phải đúng. Thứ hai là tâm của mình phải sáng. Mình không vì lợi ích cục bộ của cơ quan, bộ, ngành mình, không vì lợi ích cục bộ của bất kỳ nhóm nào”. Quan điểm này của Bộ trưởng Dũng có lẽ xuất phát từ thực tế, nhất là trong công tác xây dựng pháp luật.
Đơn cử như Luật Quy hoạch vừa được Quốc hội thông qua hồi cuối năm ngoái. Đây là một luật đụng chạm đến hầu hết bộ, ngành. Bởi cứ theo tinh thần ban đầu của luật thì gần 20.000 quy hoạch mà đích thân Thủ tướng cho rằng “đang băm nát đất nước” sẽ phải theo nguyên tắc thị trường, tôn trọng quyền tự do kinh doanh của người dân.
Nếu theo tinh thần ban đầu của luật thì gần như tất cả loại quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm, quy hoạch xây dựng… phải sửa đổi theo hướng tích hợp. Thực tế đã xảy ra những cuộc tranh luận về luật này cả ở Chính phủ lẫn Ủy ban Thường vụ Quốc hội bởi “các bộ đều khư khư giữ quyền lợi của mình”. Đương nhiên không thiếu cả những cuộc tranh luận riêng tư mà công luận không được chứng kiến.
Luật này có mức độ “va chạm” không kém “cuộc chiến” cắt giảm điều kiện kinh doanh hay nghị định về cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và tài sản nhà nước (siêu ủy ban) tại doanh nghiệp. Bởi đơn giản những cải cách đó đều có tác dụng… thu hẹp quyền lợi không phù hợp nguyên tắc của các bộ, ngành. Nhưng cũng vì có những cải cách này mà nhiều bộ, ngành mới ráo riết cắt giảm điều kiện kinh doanh hay sửa đổi những điều luật vi phạm quyền của người dân và doanh nghiệp.
Bởi không ngại va chạm nên ông cũng nói thẳng: “Tôi thấy rằng gần như không có nhà ga, sân bay nào vừa xây dựng xong mà không phải cải tạo nâng cấp”.
Rồi ông liệt kê: Sân bay Cát Bi vừa khánh thành đã đề nghị nâng cấp; sân bay Nha Trang vừa làm xong lại đề nghị nâng cấp 2-3 lần rồi; nhà ga Tân Sơn Nhất từ khi giải phóng đến nay cải tạo 17 lần. Tôi muốn nói là tư duy, tầm nhìn ngắn quá, toàn là cơi nới, mở rộng”.
Ngay cả với đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, dẫn lời Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Bộ trưởng Dũng bảo rằng người dân nói 10 năm qua con đường này mở rộng và hệ quả là “chặt” nhà dân ba lần. Cái tư duy ấy rõ ràng là làm người dân thiệt hại, đất nước thiệt hại. Nhưng cái thiệt hại lớn hơn vẫn là cơ hội phát triển bị đánh mất.
Sẽ khó có thể nói ra được những lời ấy nếu còn ngại “va chạm”. Nhưng chắc chắn một điều chỉ có “va chạm” khi “tâm sáng” mới khiến lợi ích chung được kiện toàn.
“Va chạm” có thể sẽ làm ít nhiều mất đi sự “thống nhất cao” nhưng đổi lại lợi ích quốc gia được đảm bảo.