Lê Công Định 5 năm tù, Trần Huỳnh Duy Thức 16 năm tù

Năm năm tù và bị chính quyền địa phương quản chế ba năm sau khi hết hạn tù là mức án mà chiều 20-1 TAND TP.HCM đã tuyên đối với nguyên luật sư Lê Công Định về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 79 BLHS). Cùng tội trên, tòa cũng phạt Trần Huỳnh Duy Thức 16 năm tù (quản chế năm năm), Nguyễn Tiến Trung bảy năm tù, Lê Thăng Long năm năm tù (đều bị quản chế ba năm).

Phiên xử có khoảng 20 hãng thông tấn, báo chí với gần 60 phóng viên trong nước và quốc tế theo dõi qua hai màn hình lớn được đặt trong một phòng cạnh phòng xử chính. Riêng bị cáo Lê Công Định không nhờ luật sư mà tự bào chữa cho mình.

Người thành khẩn nhận tội

Trong phần thẩm vấn, hai bị cáo Định và Trung thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như cáo trạng truy tố. Bị cáo Định tỏ ra ăn năn hối cải, khai báo rành rọt và thừa nhận những việc làm của mình là vi phạm pháp luật.

Lê Công Định 5 năm tù, Trần Huỳnh Duy Thức 16 năm tù ảnh 1

Từ trái qua phải, các bị cáo Thức, Trung, Long, Định tại tòa (ảnh chụp qua màn hình). Ảnh: THANH TÙNG

Theo bị cáo Định, sở dĩ mình phạm những sai lầm trên là do nhận thức chủ quan, sai lầm về tình hình kinh tế chính trị của đất nước, đồng thời do có thời gian học ở nước ngoài nên bị ảnh hưởng bởi các tư tưởng xấu. Thời gian sau này bị cáo thường tiếp xúc với những cá nhân, tổ chức phản động chống lại nhà nước nên cũng bị ảnh hưởng từ họ. “Tôi biết rõ những điều mình làm đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng, vi phạm Điều 79 BLHS, mong tòa cho tôi được hưởng mức án khoan hồng” - bị cáo Định nói. Trước đó, tự bào chữa, bị cáo không tranh luận về tội danh mà chỉ xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Bị cáo Trung cũng thừa nhận rất ân hận về hành vi của mình. Do còn trẻ nên bồng bột thiếu suy nghĩ đã nghe theo lời kích động của người khác. Bị cáo đã sai lầm khi nghĩ chủ quan rằng muốn phát triển đất nước thì phải thay đổi chính trị. Từ đó bị cáo mới tham gia vào các tổ chức phản động, giới thiệu bị cáo Định và vận động người khác, cũng như làm và lưu trữ những tài liệu chống phá nhà nước. Lời nói cuối cùng, bị cáo Trung cũng đã xin tòa khoan hồng để sớm được trở về cuộc sống bình thường.

Kẻ ngoan cố quanh co

Ngược với hai bị cáo trên, suốt phiên xử hai bị cáo Thức và Long khai báo quanh co, không nhận tội.

Trước đó, trong phần thủ tục phiên tòa, bị cáo Long đã từ chối luật sư được tòa phân công bảo vệ cho mình với lý do tự bào chữa được. Bị cáo Thức thì yêu cầu thay đổi toàn bộ hội đồng xét xử. Sau khi tạm dừng hội ý, tòa quyết định chấp nhận yêu cầu của bị cáo Long vì phù hợp pháp luật; bác yêu cầu của bị cáo Thức vì không nêu ra được bằng chứng và lý do chính đáng của việc thay đổi.

Hành vi đặc biệt nghiêm trọng

Theo đại diện VKSND TP.HCM, tổ chức của các bị cáo tuy có tên gọi khác nhau nhưng cùng chung một mục đích; liên kết mật thiết, chặt chẽ nhằm chống phá nhà nước. Hành vi nhằm lật đổ chính quyền của bốn bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, đi ngược lại đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và nhà nước ta.

Lê Công Định 5 năm tù, Trần Huỳnh Duy Thức 16 năm tù ảnh 2

    Các bị tại phiên tòa. Ảnh: TTXVN

Đại diện VKS kết luận hai bị cáo Trung và Định thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, có đơn xin khoan hồng, gia đình có công với cách mạng nên đề nghị tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt. Ngược lại, hai bị cáo Thức và Long thì phải có mức án nghiêm khắc vì không tự nhận thức được lỗi lầm.

Đồng tình, tòa khẳng định hoạt động của các bị cáo làm mất niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ trong khi đất nước ngày càng đổi mới, gặt hái nhiều thành công và nhiều uy tín trên trường quốc tế. Theo tòa, bị cáo Thức đóng vai trò phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng không nhìn nhận được lỗi lầm của mình nên bị phạt mức án cao hơn đề nghị của đại diện VKS (từ 12 đến 13 năm). Vai trò bị cáo Long có phần hạn chế nhưng không thành khẩn nên cũng phải chịu mức án thỏa đáng.

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, cuối năm 2005, Trần Huỳnh Duy Thức, Giám đốc Công ty Cổ phần Internet Một Kết Nối, đã lập Nhóm nghiên cứu Chấn để chống nhà nước. Thức viết bài tuyên truyền lôi kéo một số đối tượng tham gia; cấu kết chặt chẽ với đảng Dân chủ Việt Nam của Lê Công Định cùng bàn bạc thống nhất phương thức để lật đổ chính quyền. Trong quá trình này Thức đã làm ra 53 tài liệu và tàng trữ bảy tài liệu có nội dung tuyên truyền chống phá nhà nước nhằm lật đổ chính quyền...

- Thời gian học tập tại Pháp, tháng 5-2006, Nguyễn Tiến Trung thành lập tổ chức phản động Tập hợp thanh niên dân chủ để tuyên truyền chống phá nhà nước. Cuối năm 2006, Trung tham gia vào tổ chức đảng Dân chủ Việt Nam với vai trò là ban thường vụ phụ trách vấn đề thanh niên. Trung đã lập website, chỉnh sửa cương lĩnh và lôi kéo được hơn 20 đối tượng tham gia hai tổ chức phản động này. Trung còn làm ra 64 tài liệu tuyên truyền chống phá nhà nước…

- Lê Công Định nguyên là giám đốc công ty luật. Tháng 6-2008, Định tham gia tổ chức phản động đảng Dân chủ Việt Nam và được phân công vào ban thường vụ. Định đã chỉnh sửa bản điều lệ và viết hiến pháp mới nhằm thay thế hiến pháp hiện nay sau khi lật đổ chính quyền. Bị cáo làm ra 33 tài tiệu, tàng trữ 24 tài liệu và 32 cuốn sách có nội dung tuyên truyền chống phá nhà nước. Bị cáo còn tham gia khóa huấn luyện về phương pháp đấu tranh bất bạo động lật đổ chính quyền nhân dân do tổ chức khủng bố Việt Tân tổ chức tại Thái Lan.

- Bị cáo Lê Thăng Long tham gia tổ chức Nhóm nghiên cứu Chấn của Thức từ cuối năm 2005. Long làm ra 39 tài liệu có nội dung như vạch kế hoạch hoặc báo cáo tuần khi hoạt động trong tổ chức này. Bị cáo cũng làm ra 13 tài liệu và tàng trữ năm tài liệu có nội dung tuyên truyền chống phá nhà nước…

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm