Chiều nay, 26-4, trong khuôn khổ chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển”, Báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hoá tổ chức tọa đàm “Dốc sức gỡ thẻ vàng cho hải sản Việt”.
Thanh Hoá có nhiều tiềm năng phát triển thuỷ sản
Phát biểu khai mạc toạ đàm, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, cho biết: Thanh Hoá là địa phương có nhiều thế mạnh để phát triển thủy sản khi có diện tích vùng biển có khoảng 17.000 km2, ngoài ra còn có các vũng, nhiều cửa lạch lớn nhỏ, hai hòn đảo (hòn Nẹ và hòn Mê), các hệ thống sông lớn…
Tổng số tàu thuyền của tỉnh đến nay có hơn 6.000 chiếc, tỉ lệ lắp đặt giám sát hành trình đạt 100%. Tỉnh có 8 cảng cá, 4 khu neo đậu tránh trú bão, 28 cơ sở đóng, sửa tàu cá; có 80 doanh nghiệp chế biến, kinh doanh xuất khẩu thủy sản. Năm 2023, sản xuất thuỷ sản của tỉnh đạt hơn 215 ngàn tấn, trong đó sản lượng khai thác đạt hơn 142 ngàn tấn, sản lượng nuôi trồng ước đạt gần 74 ngàn tấn. Bốn tháng đầu năm 2024, sản lượng khai thác và nuôi trồng ước đạt gần 69 ngàn tấn, tăng hơn 100% so với cùng kỳ.
“Tỉnh Thanh Hoá rất vinh dự được Báo Pháp Luật TPHCM chọn làm địa điểm thực hiện Chương trình Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển. Đây là hoạt động rất ý nghĩa và thiết thực trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang nỗ lực gỡ thẻ vàng của EC đối với ngành thủy sản khai thác của Việt Nam.
Buổi tọa đàm sẽ giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước có giải pháp hiệu quả trong công tác quản lý hoạt động thủy sản, giúp bà con ngư dân nắm chắc các quy định của pháp luật về biển đảo, thủy sản, từ đó chấp hành tốt các quy định, góp phần sớm gỡ thẻ vàng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Lê Đức Giang nhấn mạnh.
EC sẽ sang thanh tra vào tháng 5
Thông tin về tình hình thực hiện khuyến nghị của EC trong việc chống đánh bắt trái phép của Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thuỷ sản, cho biết:
Đoàn Thanh tra của Uỷ ban Châu Âu (EC) chuẩn bị sang thanh tra lần thứ 5 về công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của Việt Nam, dự kiến vào tháng 5 tới đây. Hiện Bộ NN&PTNT đã thành lập đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn sang Bỉ để làm việc với EC về kết quả chống khai thác IUU của Việt Nam và kế hoạch EC sang thanh tra.
Ông Luân cho biết trong sáu năm qua, cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương và đại đa số bà con ngư dân đều đã rất nỗ lực trong việc triển khai các khuyến nghị của EC. Hiểu biết của bà con ngư dân về chống khai thác IUU ngày càng được nâng lên. Khung pháp luật cũng đã hoàn thiện, các khuyến nghị của EC đã được luật hoá, những khuyến nghị này cũng phù hợp với suy nghĩ của chúng ta.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong lần thanh tra thứ 4, EC vẫn đánh giá chúng ta còn một số vấn đề chưa đạt yêu cầu.
Với quyết tâm gỡ thẻ vàng, mới đây, Ban bí thư đã có Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thuỷ sản. Ngày 22-4, Chính phủ có nghị quyết 52 về kế hoạch hành động triển khai Chỉ thị này.
“Điều này cho thấy những nỗ lực và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong chống khai thác IUU và phát triển thuỷ sản bền vững” - ông Luân nhấn mạnh.
Cục trưởng Cục Thuỷ sản cũng cho biết, vừa qua Chính phủ đã ban hành các Nghị định sửa đổi, bổ sung đối với Nghị định 26 và Nghị định 42. Trong các Nghị định sửa đổi đã đưa vào một số quy định mới mà EC đã khuyến nghị chúng ta. Đơn cử như đưa vào quy định quản lý tàu hàng là tàu container để đảm bảo nguồn nguyên liệu được truy xuất rõ ràng, hay quy định về tình trạng các tàu cố tình vượt ranh giới để vi phạm vùng biển nước ngoài, hay tình trạng tắt thiết bị giám sát hành trình (VMS) nhưng đổ lỗi cho nhà mạng, thì trong nghị định sửa đổi cũng đã bổ sung quy định trách nhiệm của nhà mạng, của ngư dân để tránh trường hợp đổ lỗi.
“Tôi nghĩ rằng những trường hợp đổ lỗi này không nhiều, nhưng cũng là con sâu làm rầu nồi canh. Chúng ta phải đi tìm sâu để làm sạch, để bảo vệ những người đã cố gắng nỗ lực thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật” - ông Luân nói.
Cục trưởng Cục Thuỷ sản cũng cho hay, vừa qua chúng ta cũng làm tốt là đưa danh sách những tàu có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài để các cảng cá, lực lượng chức năng quản lý tốt hơn…Về thiết bị giám sát hành trình, dù chúng ta có số lượng tàu cá nhiều nhưng có đến 98% đã được lắp thiết bị VMS.
Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn hạn chế, nhất là tình trạng tắt thiết bị VMS để có thể đánh sai vùng, sai hướng, dù đã bị xử phạt rất nhiều. Bộ trưởng NN&PTNT đã ký văn bản gửi 28 đồng chí Bí thư và Chủ tịch UBND tỉnh về việc khắc phục tình trạng tàu không có giấy phép, mất tín hiệu quá 10 ngày mà không xử lý được..
“Lắp VMS rất đầy đủ, nhưng ở một số địa phương có tàu mất kết nối trên 6 tháng, thậm chí 1 năm. Có tình trạng ngư dân nói tàu cá vẫn nằm bờ, nhưng khi trích xuất lại thời điểm mất kết nối thì không phải nằm bờ. Do vậy chúng tôi đã yêu cầu địa phương phải kiểm tra thật kỹ, làm rõ nguyên nhân vì sao để thông tin rõ ràng với EC khi tới đây họ sang thanh tra” - ông Luân cho hay.
Về Chương trình Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển của báo Pháp Luật TP.HCM, Cục trưởng Cục Thuỷ sản đánh giá chương trình bên cạnh các phần quà hỗ trợ bà con còn góp phần tuyên truyền để bà con tuân thủ pháp luật tốt hơn khi khai thác trên biển.
“Tôi cũng mong các lực lượng thực thi pháp luật trên biển cùng chung tay tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con. Dù trước mắt hay lâu dài thì cũng mong muốn đời sống của bà con đi biển tốt hơn” - ông Luân chia sẻ.
Thanh Hoá không có tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài
Chia sẻ về những nỗ lực chống IUU trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Đức Cường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa, cho biết trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp ngăn chặn, loại bỏ hoạt động khai thác IUU.
“Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, công tác chống khai thác IUU của tỉnh Thanh Hóa đạt được kết quả tốt, được Bộ NN&PTNT, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, nhận thức của cán bộ, nhân dân về chống khai thác IUU đã được nâng lên rõ rệt” - ông Cường nhấn mạnh.
Cụ thể, những năm qua tỉnh Thanh Hóa không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý. 100% tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên đã thực hiện đánh dấu tàu cá, có đăng ký, được nhập vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (Vnfishbase).
Không chỉ vậy, 100% tàu cá có chiều dài từ 6m đến dưới 12m đã được cấp giấy phép khai thác thuỷ sản; 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; 97,8 % tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên đã được cấp giấy phép khai thác thủy sản; 95,8% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ông Cường cũng thẳng thắn nhìn nhận công tác chống khai thác IUU của tỉnh vẫn còn những hạn chế. Đơn cử như việc chấp hành quy định duy trì kết nối thiết bị giám sát hành trình khi khai thác trên biển của một bộ phận ngư dân chưa nghiêm túc. Nhiều tàu cá nhỏ, hoạt động ven bờ chưa thực hiện đầy đủ việc ghi, nộp báo cáo khai thác thủy sản. Bên cạnh đó, việc ghi nhật ký khai thác thủy sản đôi khi còn chưa chính xác do trình độ học vấn của ngư dân còn hạn chế…
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong thời gian tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng quy định về chống khai thác IUU, gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU. Chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tại cảng cá, tàu hoạt động trên biển; đảm bảo 100% tàu cá ra khơi đầy đủ thủ tục và duy trì thiết bị giám sát tàu cá theo quy định.
Huy động đa dạng các nguồn lực, nhất là từ doanh nghiệp và nguồn xã hội hóa để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá. Đẩy mạnh phát triển và chuyển dịch cơ cấu thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị gắn với tổ chức lại sản xuất. Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân trong công tác chống khai thác IUU, bảo đảm phát triển thủy sản bền vững…
Cần phạt nặng chủ tàu, thuyền trưởng cố tình vi phạm vùng biển nước ngoài
PGS-TS Vũ Thanh Ca, Nguyên vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam, cho biết:
Do có thẻ vàng, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU liên tục bị sụt giảm, với mức giảm khoảng từ 6% đến 10% mỗi năm. Chỉ thời gian ngắn nữa đoàn công tác EC sẽ sang Việt Nam để tiếp tục kiểm tra việc thực thi các khuyến nghị của EC. Nếu Việt Nam thực hiện tốt các khuyến cáo, thẻ vàng sẽ bị xóa. Ngược lại, nếu vẫn còn tình trạng vi phạm, sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam sẽ bị rút thẻ đỏ, bị cấm tuyệt đối xuất khẩu vào châu Âu, nếu vậy, ngành thủy sản Việt Nam sẽ mất khoảng 500 triệu USD mỗi năm.
Tuy nhiên, nhìn về mặt tích cực, ông Ca cho biết, thẻ vàng EU là động lực giúp chúng ta có những bước tiến quan trọng trong quản lý nghề cá. Bởi hiện nay, chúng ta đang đánh bắt quá mức nguồn lợi thủy sản cho phép khai thác. “Chúng ta khai thác cả những loài hải sản khi chúng còn rất nhỏ. Khai thác như vậy thì còn đâu hải sản để chúng ta đánh bắt” - ông Ca trăn trở.
Do đó, theo ông Ca, việc thực hiện các khuyến cáo của EC không những giúp chúng ta tránh được những thiệt hại về xuất khẩu hải sản, nâng cao vị thế quốc gia, còn giúp chúng ta khôi phục lại nguồn lợi hải sản.
Góp ý về các chính sách cần xây dựng, thực thi để phát triển ngành thuỷ sản tỉnh Thanh Hoá, thứ nhất, theo ông Ca, cần quản lý chặt chẽ việc đánh bắt thủy sản. Hạn chế đóng thêm tàu mới, hủy bỏ các tàu cũ để đảm bảo giảm số lượng tàu khai thác thủy sản theo lộ trình. Cần gắn thiết bị giám sát hành trình (VMS) lên 100% tàu cá đánh bắt xa bờ và phạt nặng, thậm chí cấm đi biển đối với các tàu cá tắt thiết bị VMS không có lý do. Cùng với đó, kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo tất cả các tàu có ghi đầy đủ nhật ký khai thác để truy xuất nguồn gốc hải sản.
Đặc biệt, nghiêm cấm, phạt nặng, thậm chí truy tố chủ tàu và thuyền trưởng đối với những tàu cá cố tình đánh bắt trái phép trong vùng biển nước ngoài. Nghiêm cấm các hình thức đánh bắt hủy diệt như giã cào, thuốc nổ… Cần chuyển mạnh nuôi trồng các loại hải sản có giá trị cao theo phương thức công nghiệp, tập trung, ứng dụng công nghệ nuôi sạch. Áp dụng hình thức nuôi thủy sản, giống thủy sản thâm canh công nghệ cao có xử lý và tuần hoàn nước. Đẩy mạnh chế biến, xuất khẩu hải sản, gắn với phát triển các doanh nghiệp chế biến, tạo ra sản phẩm chủ lực, đặc thù của địa phương…
Tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt tàu cá ra vào luồng lạch
Đại diện UBND huyện Quảng Xương – ông Hà Thế Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Trong những năm qua huyện Quảng Xương đã tập trung chỉ đạo, tuyên truyền và tổ chức thực hiện việc chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp của Châu Âu nhằm gỡ “Thẻ vàng” đối với Việt Nam, để đảm bảo hoạt động khai thác thủy sản hiệu quả và tiến tới phát triển bền vững.
Về kết quả thực hiện, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá thuộc diện bắt buộc lắp đặt VMS đã đạt 100% (250/250 tàu). Số tàu cá đã có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm: 236/250 tàu, đạt tỷ lệ 94,4%. Số tàu cá đã được cấp giấy phép khai thác còn hạn: 371/376 đạt 98,7%. Số tàu đã được đăng kiểm cả vùng lộng và vùng khơi: 273/371 đạt 73,6%.
Tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn huyện có 34 tàu cá mất kết nối giám sát hành trình trên 6 tháng và một số tàu mất kết nối trên 10 ngày.
Về thực thi pháp luật, kiểm tra, xử lý vi phạm, đã xử lý 09 vụ, tổng tiền xử phạt 24,9 triệu đồng. Từ đầu năm 2024 đến nay đã xử lý 3 vụ với tổng số tiền 12 triệu đồng.
Để góp phần cùng cả nước gỡ “thė Vàng”, ông Hà Thế Anh cho hay sẽ tiếp tục kiên quyết xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần, trách nhiệm để xảy ra sai phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ, công việc được giao về chống khai thác IUU.
Tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền các quy định pháp luật cho ngư dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan để nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, không vi phạm khai thác IUU.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản tại địa phương để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi, vi phạm và xử phạt các hành vi vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã và cấp huyện.
Đề nghị các ngành chức năng đặc biệt là lực lượng biên phòng tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt tàu cá ra vào luồng lạch, đặc biệt các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU; tàu cá thường xuyên mất kết nối VMS; kiên quyết ngăn chặn, xử lý tàu cá không đủ điều kiện tham gia khai thác hải sản. Đề nghị các nhà mạng cung cấp thiết bị giám sát hành trình thường xuyên quan tâm, chăm sóc, duy tu, sửa chữa và hướng dẫn cho các tàu duy trì kết nối thiết bị giám sát hành trình khi hoạt động khai thác.
Giải pháp hữu hiệu ngăn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài
TS Nguyễn Việt Thắng, Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Thuỷ sản Việt Nam, đánh giá: Đây là chương trình rất ý nghĩa. Việc tháo gỡ thẻ vàng là việc cấp bách, quan trọng nhưng phát triển bền vững là chiến lược lâu dài, cơ bản.
Tình hình chống khai thác IUU, tháo gỡ thẻ vàng đến nay đã có nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, cũng còn một số tồn tại, đặc biệt là vấn đề vi phạm vùng biển nước ngoài cần có giải pháp triệt để khắc phục.
“Vừa qua, chúng tôi đã tham dự cuộc họp với hội thuỷ sản các địa phương, trong đó có Kiên Giang, Bến Tre, Cà Mau. Các ý kiến đều chỉ ra rằng để giải quyết được thì vấn đề mấu chốt là xuất phát từ người dân. Chính người dân họ biết được người nào chuẩn bị đi khai thác vùng biển nước ngoài” - ông Thắng nói. Đồng thời cho rằng cần giao Hội thuỷ sản địa phương bám sát việc thực hiện các kế hoạch, giải pháp chống tình trạng vi phạm vùng biển nước ngoài.
Sau khi nghe các ý kiến tham luận tại toạ đàm, ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Quản lý tàu cá và cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, Cục Thủy sản, cho biết: Mục tiêu trước mắt là gỡ thẻ vàng IUU, nhưng về lâu dài vẫn cần phải xây dựng uy tín, thương hiệu cho thuỷ sản Việt Nam.
“Với các giải pháp đề cập trong toạ đàm, chúng tôi rất tán đồng. Ngoài ra, hiện Chính phủ đã có quyết định số 208 về chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái. Khi chúng ta làm được điều này thì chắc chắn rằng chúng ta sẽ không còn tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài” - ông Tuấn chia sẻ.
Phát biểu kết luận tại toạ đàm, Phó Tổng biên tập thường trực báo Pháp Luật TP.HCM Nguyễn Đức Hiển, cho biết: Chương trình Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức tuy là chương trình thiện nguyện xã hội nhưng cũng hàm chứa ý nghĩa chính trị quan trọng khi xây dựng nhiều hoạt động truyền thông chính sách, tuyên truyền pháp luật, đồng hành cùng ngư dân “vươn khơi hiểu luật, bám biển bình an”, quyết tâm chống lại hoạt động đánh bắt hải sản trái phép, từ đó sớm có thể gỡ thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu với hải sản Việt Nam.
Ngoài tọa đàm hôm nay, báo Pháp Luật TP.HCM cũng đã tổ chức các hoạt động tọa đàm, diễn đàn đáp lời ngư dân, phát triển kinh tế biển bền vững ở Bà Rịa-Vũng Tàu, Phú Yên, Bến Tre…
“Tất cả không nằm ngoài mục tiêu hướng tới gỡ thẻ vàng mà chúng ta rất kỳ vọng sẽ diễn ra thuận lợi vào tháng 5 năm nay” - ông Hiển nhấn mạnh.
Trao tặng quà cho các ngư dân
Cũng trong chiều 26-4, tại Trung tâm Hội nghị huyện Quảng Xương, thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa, Ban tổ chức Chương trình Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển đã trao tặng 200 phần quà cho ngư dân (mỗi phần quà trị giá hơn 5 triệu đồng), gồm: Bình acquy + bóng đèn + túi thuốc + cẩm nang “Những điều cần biết về đánh bắt hải sản” + hộp combo pin con ó + cuộn dây thừng chuyên dụng và phiếu mua hàng trị giá 1 triệu đồng.
Đồng thời, chương trình cũng tặng 25 suất học bổng, mỗi suất trị giá hơn 2 triệu đồng dành tặng các em học sinh ở các gia đình bà con ngư dân vượt khó học giỏi, cũng như có thêm 1 suất học bổng trị giá 10 triệu đồng cho 1 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, có điểm tiếng Anh cao nhất.
Ban tổ chức chương trình cũng đang đến thăm, trò chuyện, động viên và tặng quà cho một số hộ gia đình ngư dân có hoàn cảnh khó khăn tại Thanh Hóa.
Trước đó, sau lễ ra mắt vào tháng 4-2023, Chương trình Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển đã được tổ chức tại 10 tỉnh, thành, gồm: TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Trị, Quảng Bình, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Thuận và Đà Nẵng với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa.
Thanh Hóa là địa phương có biển thứ 11 mà báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức chương trình này. Chương trình đã thăm hỏi, tặng hơn hàng ngàn phần quà cho ngư dân; trao tặng hàng trăm suất học bổng cho học sinh vượt khó học giỏi; cùng với các đối tác tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện ý nghĩa cho bà con tại mỗi địa phương.
Chương trình Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển sẽ đến với 28 tỉnh, thành có biển, mong muốn với những hoạt động thiết thực sẽ góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của ngư dân khi đánh bắt trên biển; chung tay cùng Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị và các địa phương cấp bách tháo gỡ thẻ vàng IUU cho thủy sản Việt Nam; là cầu nối để cộng đồng xã hội cùng hỗ trợ ngư dân an tâm bám biển; bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Chương trình tọa đàm còn có sự tham gia của ông Trần Đình Luân, Cục trưởng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT.
Về phía tỉnh Thanh Hoá có ông Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư thường trực tỉnh uỷ tỉnh Thanh Hoá; ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng ban nội chính Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa; ông Nguyễn Quang Hải, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hoá; ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá; ông Lê Hồng Phong, Phó Chủ tịch Mặt trận tổ quốc tỉnh Thanh Hoá; ông Phạm Văn Tuấn, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tỉnh Thanh Hoá; ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa… cùng đại diện các sở, ban ngành, các đơn vị, huyện ủy, UBND các huyện, xã và đông đảo bà con ngư dân địa phương.
Về phía báo Pháp Luật TP.HCM có ông Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập, Trưởng ban chỉ đạo chương trình Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển; ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng Biên tập báo.
Chương trình còn có sự tham gia của TS Nguyễn Việt Thắng, Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam; PGS-TS Vũ Thanh Ca, Nguyên vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam.
Phía lãnh đạo các cơ quan báo chí có sự tham dự của ông Nguyễn Ngọc Thanh, Trưởng ban điện tử Báo Nhân dân; ông Phạm Văn Báu, Giám đốc Đài PTTH tỉnh Thanh Hóa; ông Nguyễn Việt Ba, Tổng Biên tập Báo Thanh Hóa; ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn giải phóng; ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động; ông Trần Hoàng, Tổng Biên tập Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn; ông Hồ Minh Chiến, Tổng Biên tập Tạp chí Gia đình Việt Nam; ông Lâm Quang Hiếu, Phó Tổng Biên tập phụ trách ZNews.