Liệu Thông tư 07 có “lấn sân” vào việc dân sự?

Đây cũng chính là động lực phát triển xã hội. Thông tư 07 quy định trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan trên môi trường mạng Internet và mạng viễn thông ra đời là bước tiến pháp lý như chúng tôi đã phản ánh trong số báo hôm qua. Tuy nhiên, sau bài báo, có ý kiến băn khoăn. Chúng tôi xin giới thiệu một trong những ý kiến này và sẽ trao đổi với cơ quan chức năng giải đáp trong số báo ngày mai.

Muốn xác định vi phạm phải có khiếu nại!

Trước hết, để xác định hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, phải có một bên khiếu nại, khởi kiện. Theo đó, nguyên đơn có nghĩa vụ chứng minh mình là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ với cách thức như tại Bộ luật Tố tụng dân sự. Luật cũng quy định người bị vi phạm có quyền trực tiếp yêu cầu bên vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm.

Tuy nhiên, tại Điều 5 về trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (doanh nghiệp), thông tư chỉ quy định doanh nghiệp phải: “Gỡ bỏ và xóa nội dung thông tin vi phạm quyền tác giả, cắt, ngừng và tạm ngừng đường truyền Internet khi nhận được yêu cầu của Thanh tra Bộ TT&TT hoặc Bộ VHTT”. Thông tư không hề quy định trách nhiệm của doanh nghiệp khi có yêu cầu của bên bị vi phạm làm người ta băn khoăn.

Thanh tra có thẩm quyền xác định vi phạm?

Việc xác định vi phạm tác quyền là việc dân sự. Nếu có tranh chấp thì phải đưa ra tòa án giải quyết. Khi ở mức độ nghiêm trọng, đương sự có đơn tố cáo thì cơ quan chức năng có thể xem xét xử lý hình sự. Nếu đã xác định được đúng sai thì tùy theo mức độ, phía vi phạm còn có thể bị xử lý hành chính (xử phạt). Như vậy, chỉ có tòa án có thẩm quyền phán xét có vi phạm hay không. Thanh Tra VHTT hay TT&TT không có thẩm quyền và điều kiện để kết luận đã có “vi phạm quyền tác giả” để yêu cầu doanh nghiệp gỡ bỏ, xóa nội dung.

Theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ, thanh tra có quyền yêu cầu doanh nghiệp làm “điều gì đó” nhưng phải có sự yêu cầu và chịu trách nhiệm của người khiếu nại. Trong khi đó, các biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ cũng như Bộ luật Tố tụng dân sự không có biện pháp “gỡ bỏ” hay “xóa”. Chưa kể là nếu “xóa” thì hóa ra đã “xóa bằng chứng” để giải quyết tranh chấp về sau.

Theo quy định, người yêu cầu phải chịu trách nhiệm nếu áp dụng gây thiệt hại cho bên bị áp dụng. Hãy hình dung thanh tra yêu cầu gỡ, xóa nhưng sau đó xác định là sai, gây thiệt hại cho doanh nghiệp thì ai chịu trách nhiệm? Hoặc thanh tra xác định đúng vi phạm nhưng việc “xóa bằng chứng” gây thiệt hại cho bên bị vi phạm thì sao?

Có xâm phạm quyền bí mật thông tin cá nhân?

Việc quy định yêu cầu doanh nghiệp phải “Cung cấp các thông tin về khách hàng thuê chỗ lưu trữ nội dung thông tin số, trang thông tin điện tử và khách hàng sử dụng dịch vụ trung gian khác” - theo yêu cầu của thanh tra bộ có thể làm ảnh hưởng đến bí mật thông tin kinh doanh, thông tin cá nhân…

Theo quy định tại Bộ luật Dân sự, việc khách hàng thuê doanh nghiệp thuần túy là hợp đồng/giao dịch dân sự. Cho nên, nếu thanh tra tự kết luận có sai phạm (như nói ở trên) rồi yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp thông tin tức là đã xâm phạm quyền bí mật thông tin, quyền riêng tư cơ bản của công dân.

Buộc bồi thường sai nguyên tắc

Việc ai bồi thường ai phải do tòa án quyết định, theo nguyên tắc ai có lỗi thì phải bồi thường. Ví dụ: Ông A lấy tác phẩm của ông B đăng lên trang web C. Nếu ông B kiện thì tòa sẽ giải quyết và tuyên ông B bồi thường chính, web C có trách nhiệm bồi thường liên đới. Thông tư quy định doanh nghiệp phải “Chịu trách nhiệm trực tiếp bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền tác giả” khi “là nguồn khởi đầu đăng tải, truyền đưa”, theo tôi cũng không đúng.

Theo Điều 205 Luật Sở hữu trí tuệ, mức bồi thường thiệt hại được xác định dựa trên sự chứng minh của nguyên đơn. Hay nói cách khác, thiệt hại bao nhiêu và có yêu cầu bồi thường thiệt hại hay không là chuyện của người bị xâm phạm. Ở đây, thông tư lại “phán” web C phải bồi thường, trong khi không có căn cứ xác định mức độ thiệt hại, chưa hỏi ý kiến của người bị xâm hại, là sai nguyên tắc và thẩm quyền.

Thông tư 07 có nhiều nội dung chưa rõ ràng, chưa phù hợp. Cần lưu ý là đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ khác với việc phát biểu, phát tán những tài liệu chống phá Nhà nước. Đây là chuyện hình sự, đã có luật hình sự điều chỉnh rồi.

Luật sư TRẦN HỒNG PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm