Công bố nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, tiết lộ nhiều góc khuất

(PLO)- Nhà nghiên cứu Nguyễn Huy Thắng, con trai của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã biên soạn cuốn sách Con đường Văn sĩ, từ nhật ký của cha mình. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhân dịp Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024, ngày 24-4, Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức chương trình giao lưu và ra mắt sách Con đường Văn sĩ - nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từ năm 1938 đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Nguyễn Huy Tưởng là một nhà văn, nhà viết kịch Việt Nam nổi tiếng. Ông là tác giả của những tiểu thuyết lịch sử, vở kịch lớn như: Vũ Như Tô, Đêm hội Long Trì, Bắc Sơn, Sống mãi với thủ đô.

Các độc giả nhỏ tuổi nhiều thế hệ, yêu quý ông qua các tác phẩm thiếu nhi đặc sắc: Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Tìm mẹ, An Tư công chúa, Cô bé gan dạ… Ông là một trong những người sáng lập và là giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng.

cong-bo-nhat-ky-cua-nha-van-nguyen-huy-tuong-tiet-lo-nhieu-goc-khuat.jpg
Cuốn sách 'Con đường Văn sĩ' ra đời đúng vào dịp hướng tới kỉ niệm 112 ngày sinh nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.

Tại buổi giao lưu, nhà nghiên cứu Nguyễn Huy Thắng, con trai của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, đồng thời là người biên soạn cuốn sách cho biết: “Khi cha mất, tất cả sách, di cảo, nhật ký và nhiều thư từ bạn bè gửi cho ông được cất trong một chiếc tủ. Có nhiều bức ảnh ông chụp với bạn bè, nhưng rất tiếc không có tấm nào chụp chung với vợ con dù ông rất yêu thương gia đình”.

Theo ông Thắng, từ khi lên 9, 10 tuổi Nguyễn Huy Thắng đã được mẹ cho tiếp cận với di sản của cha mà không hề ngăn cản, dù trong những cuốn nhật ký viết cả những “chuyện buồng the của ông bà”.

Không nhớ được nhiều kỷ niệm với cha nhưng nhật ký đã cho Nguyễn Huy Thắng “mở ra thế giới của cha mình” và đọc hết tập này tới tập khác.

“Qua nhật ký, tôi nhận ra cả thế giới của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, chân dung của ông từ tuổi 18 đến năm ông mất ở tuổi 48”- nhà nghiên cứu Nguyễn Huy Thắng bày tỏ.

Không chỉ là chân dung nhà văn, nhà hoạt động cách mạng, những trang nhật ký có nhiều điều gần gũi với mọi người. Với gia đình, có nhiều điều ông ít giãi bày nhưng được trải hết qua những trang nhật ký, nhờ đó vợ con thấu hiểu được tình yêu thương ông dành cho gia đình.

nhà văn Nguyễn Huy Tưởng
Nhà nghiên cứu Nguyễn Huy Thắng, con trai của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng chia sẻ về việc biên soạn cuốn sách. Ảnh: VIẾT THỊNH.

“Cha tôi tận tâm nghề, quý trọng thời gian, tôi nghĩ không có gì quan trọng bằng viết văn. Ấy thế mà vào năm 1957 khi ông đang đánh vật viết Sống mãi với Thủ đô, đúng lúc tôi ốm, cha tôi viết Thương Thắng ốm, chẳng viết được. Một người say sưa với tác phẩm, trăn trở với nhân vật mà thấy con ốm không viết được, ông còn tự trách mình cho con xuống đường nên mới sốt” - Nguyễn Huy Thắng kể lại.

Tiến sĩ văn học Đỗ Thanh Nga bày tỏ giá trị của nhật ký trước hết là sự chân thật, sự thật được ghi chép trong nhật ký theo trình tự thời gian và trình tự thời gian đó chính bản thân người viết cũng không biết tương lai sẽ như thế nào.

“Nhưng chúng ta là những người hậu thế, chúng ta có quyền so sánh vì chúng ta biết chọn về cuộc đời của nhân vật hay toàn bộ bối cảnh ấy và khi so sánh chúng ta sẽ vỡ lẽ ra nhiều điều, những góc khuất mà cuốn sách hay những pho lịch sử thông thường không có, và đó là sức hấp dẫn tôi thấy trong nhật ký Nguyễn Huy Tưởng” - TS Đỗ Thanh Nga nói.

Cuốn sách gồm ba phần, phần một là những trang nhật ký từ 1938 - 1939 với các nội dung chính: Đời công chức, Mộng văn chương, Em bé Hàng Vôi, Truyền bá quốc ngữ và hôn nhân. Phần hai, nhật ký những năm 1940 - 1943 với các nội dung: Đổi xuống Hải Phòng, Hướng đạo, Tri tân, Đêm hội Long Trì mẹ mất.

Phần ba là những trang nhật kí từ 1943 đến trước Cách mạng tháng Tám 1945 bùng nổ với các nội dung chính: Vũ Như Tô, An Tư, Văn hóa Cứu quốc, Tiên Phong. Giữa phần một và phần hai là Một thiên kí sự những trang nhật kí về một tháng tân hôn cũng rất đặc sắc của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm