Minh oan cho lên đồng

Lên đồng - bảo tàng sống của Văn hóa Việt là tiêu đề một buổi hội thảo vừa diễn ra hôm qua tại Trung tâm văn hóa Pháp (Hà Nội). Người thuyết trình là Giáo sư (GS) Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam. Nhiều điều lầm tưởng và định kiến về lên đồng (còn gọi là hầu đồng) được các nhà nghiên cứu hóa giải.

“Hơn bất kỳ một quyển sách khô cứng, một bức tranh hay một bức tượng nào, lên đồng là một bảo tàng sống động. Người Việt đã triển lãm nền văn hóa Việt Nam cho người Việt và người nước ngoài. Những người tham gia hầu đồng chính là những người quản lý nhà bảo tàng, những người bảo vệ cho văn hóa Việt Nam” - đó là nhận xét của TS Frank Proschan tại hội thảo, một nhà nghiên cứu dân tộc học người Mỹ, từng nhận huy chương Hữu nghị của Chính phủ Việt Nam.

Lên đồng thể hiện lòng yêu tự nhiên

Theo GS Ngô Đức Thịnh, lên đồng là nghi thức tôn giáo của đạo Mẫu - một tôn giáo mang đậm bản sắc Việt Nam. Đạo Mẫu - còn gọi là đạo Mẫu tam tòa tứ phủ tôn. Thánh Mẫu là người cai quản các miền khác nhau của vũ trụ, che chở ban phát cho con người sức khỏe, tài và lộc. Điểm lý thú của đạo giáo này là không hướng con người về cuộc sống sau khi chết mà là cuộc sống hiện tại. Đây là nhân sinh quan rất tiến bộ của người Việt Nam. Thêm vào đó, một điểm rất tiến bộ của đạo Mẫu chính là tôn thờ tự nhiên, tôn thờ các yếu tố trời-đất-nước. “Trong thời đại con người đang xâm phạm, tàn phá môi trường thì đây là những triết lý sống rất có ý nghĩa. Thế giới quan của đạo Mẫu có ý nghĩa đặc biệt trong giai đoạn dân tộc và toàn nhân loại đang hành động để bảo vệ tự nhiên” - GS Ngô Đức Thịnh chia sẻ.

Minh oan cho lên đồng ảnh 1

Một phiên lên đồng minh họa tại hội thảo. Ảnh: BẢO PHƯỢNG

Trong đạo Mẫu có tôn thờ khoảng 50 vị thần, từ cao đến thấp là Thánh Mẫu, cai quản trời-biển-đất-sông-núi, tiếp sau là hàng “quan”, “ông hoàng”, “cô”, “cậu”. Các ông đồng, bà đồng sẽ hóa thân vào các thần linh này trong mỗi “giá đồng” để cầu mong sức khỏe, tiền tài, cầu mong may mắn. Đôi khi các vị thần được lịch sử hóa bằng các nhân vật lịch sử có thật như Yết Kiêu, Phạm Ngũ Lão, Đức Thánh Trần. “Lên đồng là một minh chứng chủ nghĩa yêu nước Việt Nam đã được tâm linh hóa. Đây cũng là ý nghĩa của các lễ hội có lên đồng. Nhân dân có một cuốn sách lịch sử chính là những lễ hội, hằng năm họ mở ra, qua lễ hội để tìm hiểu lịch sử”.

Tự chấn chỉnh ngôi nhà đạo Mẫu

Mặc dù được các nhà nghiên cứu đánh giá là một bảo tàng sống của văn hóa Việt nhưng các diễn giả cũng thừa nhận có những biến tướng trong nghi thức tôn giáo này. Nhiều người đã lợi dụng lên đồng để thực hiện hành vi mê tín dị đoan như phán truyền, chữa bệnh lừa đảo… “Nói lại” về lên đồng, GS Ngô Đức Thịnh kể một câu chuyện triết học: “Đó là chuyện về người dân làng tìm được một đứa trẻ lấm lem giữa cánh đồng và đưa về làng. Dân làng có người không chấp nhận đứa trẻ vì nó quá lấm bẩn, có người bàn nên lấy nước tắm rửa cho đứa trẻ và giữ lại làng”. GS Ngô Đức Thịnh cho rằng lên đồng cũng như “đứa trẻ lấm lem” đó, cần được gạn đục khơi trong để giữ lại như một di sản văn hóa của dân tộc.

Năm 2009, Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật (GS Ngô Đức Thịnh nguyên là giám đốc viện này) đã từng có ý tưởng xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận lên đồng là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Nhưng trong buổi hội thảo, GS Thịnh đã nêu quan điểm: “Hiện nay chúng tôi cho rằng chưa nên vì chính bản thân chúng ta còn có những quan niệm khác nhau về hoạt động tín ngưỡng này. Tôi muốn qua buổi hội thảo này kêu gọi những người theo đạo Mẫu hãy tự chấn chỉnh ngôi nhà đạo Mẫu để mọi người trong nước nhìn vào đó để thấy những điều tốt đẹp. Khi đó thì thế giới chắc chắn sẽ đánh giá đúng lên đồng và đạo Mẫu của chúng ta”.

Nghị định 75/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, có quy định phạt tiền 1-3 triệu đồng đối với hành vi tổ chức lên đồng. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Xuân Thành, Chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL, cho biết: Quy định của nghị định chỉ áp dụng với những hoạt động lên đồng theo kiểu phán truyền, là nhân danh thần thánh, nhân danh linh hồn để phán xét. Còn với nghi thức lên đồng được tổ chức tại các lễ hội thờ mẫu, được đăng ký trong hồ sơ tổ chức lễ hội sẽ không bị xử phạt.

BẢO PHƯỢNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm