Tranh Chóe lần đầu triển lãm trong nước

Từ cuộc triển lãm (từ ngày 4 đến 31-5, tại phòng tranh Tự Do (53 Hồ Tùng Mậu, quận 1, TP.HCM) mở ra nhiều chiêm nghiệm, xúc cảm về các sáng tác tài hoa cùng con người và cuộc đời của Chóe.

44 bức tranh nổi tiếng

Các tác phẩm hội họa của Chóe được thể hiện trên đa dạng chất liệu: từ sơn dầu, bút sắt, màu nước đến bố, giấy và cả lụa. Triển lãm giới thiệu hai bộ tranh thuộc bộ sưu tập của gia đình họa sĩ Chóe.

Đó là bộ tranh Phụ nữ nước tôi gồm 10 tác phẩm hí họa, bút sắt và màu nước trên giấy. Bộ tranh được thực hiện khi Chóe được mời tham dự cuộc triển lãm Hí họa châu Á diễn ra tại Tokyo vào năm 1995. Và bộ tranh Cảnh quan mùa hạ 1998 (Vision d’Été 1998) gồm 20 bức tranh sơn dầu trên bố, được sáng tác trong thời gian Chóe sang Pháp trị bệnh. Bộ tranh này từng triển lãm tại Tòa Thị chính TP. Savigny Le Temple (Pháp). Bên cạnh đó, triển lãm cũng giới thiệu 14 tác phẩm lụa và sơn dầu trong tổng số 60 tác phẩm của Chóe trong bộ sưu tập của gia đình chủ nhân phòng tranh Tự Do (ông Đặng Hải Sơn và bà Trần Thị Thu Hà).

Vẽ ào ạt nhưng không màng giá tranh

Mối lương duyên của chủ nhân phòng tranh và họa sĩ Chóe bắt đầu từ cuối năm 1970. “Tôi gặp Chóe lần đầu ở tòa soạn nhật báo Báo Đen ở đường Cống Quỳnh, Sài Gòn. Lúc đó Chóe vẽ hí họa cho vài tờ báo ở Sài Gòn. Mấy năm sau, Chóe trở thành cây bút hí họa lừng lẫy thế giới” - ông Đặng Hải Sơn, chủ nhân phòng tranh Tự Do, cho biết.

Sau cơ duyên đó, mãi đến năm 1985, sau khi Chóe đi cải tạo cùng với các văn nghệ sĩ miền Nam trở về, ông mới trở lại với giá vẽ. Phòng tranh Tự Do bắt đầu đặt mua những tác phẩm của ông.

Tranh Chóe lần đầu triển lãm trong nước ảnh 1

Tranh Chóe lần đầu triển lãm trong nước ảnh 2

Tranh Chóe lần đầu triển lãm trong nước ảnh 3

Tranh Chóe lần đầu triển lãm trong nước ảnh 4

Tranh Chóe lần đầu triển lãm trong nước ảnh 5

Tranh Chóe lần đầu triển lãm trong nước ảnh 6

Hiện ở Tự Do tranh lụa và tranh giấy của Chóe giá khoảng 3.000 USD/bức, tranh sơn dầu thấp nhất là 5.000 USD/bức. Và bức sơn dầu Thiên nhiên và sự sống hiện có giá cao nhất - 20.000 USD.

Theo lời kể của bà Trần Thị Thu Hà (vợ ông Đặng Hải Sơn) thì phòng tranh mua những tác phẩm của Chóe bởi “đó là thời điểm rất nhiều Việt kiều ở nước ngoài quen biết anh Chóe đã đến nhà anh đặt mua tranh đem sang nước ngoài. Vì thế, chúng tôi mới đến thăm anh, đặt anh vẽ cho 10 bức thử xem phòng tranh có bán được không. Nhưng anh nói để anh vẽ cho 20 bức và đến ngày giao thì anh giao hơn 20 bức dù tiền chúng tôi chỉ đặt 10 bức. Tôi nói anh để gửi thêm tiền thì anh khoát tay mà bảo tặng luôn không tính… Anh rất phóng khoáng và không câu nệ chuyện giá tranh bao giờ, tất cả tùy ở phòng tranh”.

Đó là thời điểm giá tranh trên thị trường chưa cao, tranh lụa của Chóe chỉ vài chục USD/bức. Một phần khác, Chóe không muốn bán tranh đắt bởi ông muốn tác phẩm đến với công chúng và tác phẩm đến với công chúng là động lực để Chóe tiếp tục vẽ. “Sau này theo giá thị trường phòng tranh tăng giá lên từ từ nhưng với tranh anh Chóe dù giá rẻ hay cao đều bán được như nhau” - bà Thu Hà chia sẻ.

Và Chóe cũng không phải là người chuyên bán tranh mà đúng là một nghệ sĩ dễ thương. Theo như lời kể của bà Thu Hà thì “bạn bè tới nhà anh thích tranh nhưng anh không có tranh, anh thường nói bạn xuống chỗ Tự Do mà lấy xong rồi anh đền lại bức khác cho phòng tranh. Bởi hầu như tranh anh Chóe vẽ ra là giao cho phòng tranh hết. Anh không muốn ký gửi tranh hay bán ở nhiều nơi nên chỉ giữ tranh ở gia đình hoặc ở Tự Do”.

Những bức tranh lưu lạc

Ngoài những bộ sưu tập thuộc sở hữu của gia đình hay 60 bức thuộc sở hữu của phòng tranh Tự Do, hầu hết tranh trọn bộ của Chóe đều thuộc các bộ sưu tập cá nhân như: 37 bức chân dung và tranh hí họa Văn nghệ sĩ miền Nam thuộc bộ sưu tập của ông bà Lê Hà Vĩnh (Mỹ); 41 bức sơn dầu Những tổng thống Mỹ thuộc bộ sưu tập của bà Nancy Phạm (Mỹ); 57 bức sơn dầu Những nhân vật Việt Nam thuộc bộ sưu tập của ông Hàn Đức Minh (tức Hàn Tấn Quang, TP.HCM); 27 tranh sơn dầu Họa thơ Hồ Xuân Hương và 40 tranh sơn dầu Những phụ nữ Nobel thuộc bộ sưu tập của bà Phan Thị Thu Mai (TP.HCM)…

Tranh của Chóe trong những bộ sưu tập này được bảo quản khá tốt. Tuy nhiên, có trường hợp tranh của Chóe bị lưu lạc và hư hỏng. Đó là bộ tranh họa sĩ bán cho ông Nguyễn Đăng Quang - Giám đốc Công ty Sơn mài Lam Sơn (công ty này nay đã giải thể). “Thời đó ông Quang mua tranh của rất nhiều họa sĩ, ông có mua của anh Chóe một bộ tranh. Sau đó chúng tôi nghe nói Công ty Lam Sơn giải tán và đem số tranh đó ra thanh lý. Tôi chưa kịp đến xem thì một người bạn đến xem bảo họ tính mua nhưng tranh sơn dầu hư hết. Bộ đó cũng vài chục bức, tôi không biết bộ tranh đó lưu lạc về đâu nhưng quả là đáng tiếc…” - bà Thu Hà luyến tiếc.

QUỲNH TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm