Cả tháng nay vợ chồng chú Tín như ngồi trên đống lửa. Sách cứ nhập về rồi để đống, làm bạn với lũ mối mọt, người mua nhỏ giọt như cà phê phin. Biết là bán không được nhưng gặp những quyển hay, chú Tín không đành đoạn để nó vào tay người khác. Thế rồi lén nhìn sang vợ, nét mặt như van nài. Vợ chú biết ý, lẳng lặng ra xem sách rồi cũng lẳng lặng rút những tờ tiền ít ỏi còn sót lại trao cho cậu thanh niên vừa bán thùng sách đang đứng đợi ngoài cửa. Ánh mắt cậu sáng bừng khi cầm lấy những tờ tiền. Ánh mắt chú Tín cũng vậy nhưng chỉ kịp lóe lên rồi tối sầm lại nhanh chóng vì biết vừa rước vào thân thêm một gánh nặng.
Đã xế chiều nhưng chỉ mới có một người khách, chú Tín ôm đứa cháu nhỏ giải khuây, còn cô Út lau dọn sách chuẩn bị đóng cửa. Ảnh: HOÀNG LÊ
Hồi đó cứ đến cận tết, vợ chồng bán được hàng lắm. Mấy ông già cuối năm thường chạy ra tiệm sách cô chú chọn sách về coi trong mấy ngày xuân nhàn rỗi. Mấy thằng nhóc nhỏ mê truyện tranh, sẵn nghỉ học, được ba má cho tiền sắm đồ tót tét chạy ra mua cả chục cuốn Đôrêmon, Bảy viên ngọc rồng, Tề thiên đại thánh. Cái thời ấy ngẫm cũng mười mấy năm về trước.
Chú Tín mới 5-6 tuổi đã biết ngồi trông sạp sách cho cha. Thấy nghề sách vất vả quá, người cha ráng cho mấy anh em ăn học, ai cũng có nghề ngỗng đàng hoàng. Rồi duyên nợ đưa chú vào làm xuất bản tại nhà sách Nhân Dân. Chính thời gian này tình yêu giữa cô Út và chú Tín nảy nở. Được vài ba năm, lương nhà nước không đủ sống, chú Tín bỏ công sở, xắn tay áo làm đủ thứ nghề. Vì sách nhà có sẵn, lại ít nhiều am hiểu chúng, chú quyết định quay về nghề cha truyền con nối. Hai vợ chồng bắt đầu bán sách từ khi ấy.
Gần 30 năm theo nghề, vợ chồng chú lang bạt khắp nơi. Khi bán dạo trên đường Lê Lợi, lúc lại thuê nhà mở tiệm ở đường Nguyễn Thị Minh Khai. Rong ruổi sau lại qua đến đường Trần Nhân Tôn, thấy người ta bán được, tập trung thành cụm, cô chú cũng hội vào thử. Thế mà gắn bó tại nơi đây cả chục năm rồi.
Dù chuyển dời cỡ nào, hai người luôn quấn quýt bên nhau. Hễ người này mệt thì người kia canh, còn có bệnh tật hay đám cưới đám giỗ, cả hai cùng nghỉ. Cô Út mỉm cười: “Bán sách ngồi một chỗ vốn đã buồn, nếu không có ổng chắc mấy chồng sách đè tui ngộp thở”.
Mấy năm gần đây sách ế ẩm hẳn.
Chiều cuối năm, vị khách đầu tiên trong ngày xuất hiện. Hai vợ chồng mừng rỡ khi thấy khách quen. Câu chuyện của họ lại bắt đầu với môtip “xưa - nay”. Người khách vừa thong thả lựa sách vừa nói: “Ngày xưa đâu có gì chơi nên đọc sách là cái thú vui tao nhã. Bây giờ nào karaoke, Internet, Facebook… đủ loại tiêu khiển. Có muốn đọc sách người ta cũng chạy ra đường Nguyễn Văn Bình mới mở mua sách mới thơm tho, giấy in bóng loáng, mắc gì chui vô đây. Qua thời của anh là hết cái nghề này rồi”.
Lại là một cái tết lặng lẽ bên những chồng sách cũ của vợ chồng chú Tín.