Giáo sư Hoàng Như Mai: Truyện Kiều là linh hồn dân tộc

“Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn”

Thời của tôi, học sinh được học về Nguyễn Du ngay từ tiểu học. Không ai có thể chối cãi được rằng Nguyễn Du là một danh nhân. Nhưng danh nhân Nguyễn Du vượt trội hẳn lên vì Nguyễn Du là tác giả của Truyện Kiều.

Trong nhiều tác phẩm thơ văn khác, Nguyễn Du có nhiều câu tuyệt bút. Trong Văn tế thập loại chúng sinh, Nguyễn Du viết: “Gió mưa sấm sét đùng đùng. Dãi thây trăm họ làm công một người”. Câu thơ vĩ đại, rất hay và chua chát lắm. Trong Long thành cầm giả ca, Nguyễn Du viết về cô con gái là ca nhi còn sót lại trong thành Thăng Long: “Tây Sơn cơ nghiệp đâu rồi. Mà nay còn lại một người hát thương”. Câu thơ ghê gớm lắm, chiều sâu của nó thăm thẳm. Và còn nhiều bài thơ khác nữa trong những bài thơ mà khi cụ đi sứ sang Trung Quốc.

Giáo sư Hoàng Như Mai: Truyện Kiều là linh hồn dân tộc ảnh 1

Giáo sư Hoàng Như Mai đang thuyết giảng Truyện Kiều tại Trường Nguyễn Du, quận Gò Vấp, TP.HCM. Ảnh: T.KHANH

Thế nhưng, Nguyễn Du phải là Nguyễn Du của Truyện Kiều. Nó đúng mới là vị thế của Nguyễn Du. Vì sao như thế? Bởi Truyện Kiều là một tác phẩm gắn liền với dân tộc Việt Nam, như thịt với xương. Có một vị học giả đã nói như chân lý. Tôi xin nói lại rằng: “Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, mà tiếng ta còn thì nước ta còn”, tức vận mệnh đất nước gắn liền với Truyện Kiều. Cái vĩ đại của Truyện Kiều là ở chỗ đó. Truyện Kiều là bảo vật, là linh hồn của cả dân tộc mình.

Đông đảo người yêu Kiều

Đêm giao thừa, tôi thường ngồi xem pháo hoa. Khi bắn pháo hoa, một quả pháo hoa bay lên, nổ tung rồi hắt ra muôn ngàn quả pháo khác. Muôn ngàn quả pháo ấy lại thành muôn ngàn quả pháo khác đầy một vòng pháo hoa.
Truyện Kiều cũng thế. Độc giả cao thấp sang hèn đều biết về Truyện Kiều. Biết bao nhiêu danh nhân, nhà trí thức, nhà khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, những nhà khoa học các ngành đều bàn tới Truyện Kiều.

Tôi có người bạn là đạo diễn cải lương. Anh nói một câu hay quá: “Hỏi hồn sơn bao nhiêu dốc núi/ Mà Nguyễn Du bước tới đời Kiều”. Đời Kiều là gì? Kiều là cô gái bán mình chuộc cha và em, rồi hai lần làm ôsin cho nhà người ta. Nàng có sang trọng gì đâu mà Nguyễn Du vượt qua bao nhiêu tầng cao núi mới vươn lên tới đời Kiều. Điều này dường như một lời tiên đoán. Sau này bộ đội công binh của ta đóng trên Trường Sơn để vận tải. Các vị tướng cũng như bộ đội lấy Truyện Kiều ngâm ngợi với nhau trên đỉnh Trường Sơn. Thiếu tướng Nguyễn An có viết vở kịch Trên đỉnh Trường Sơn nói Truyện Kiều. Cho nên Truyện Kiều rất đặc biệt là vậy.

Tôi biết có một người không phải là nhà khoa học tên tuổi, nhưng ông có tấm lòng rất cảm động. Đó là ông Nguyễn Chí Tích. Đọc bài “Bốn mùa trong Truyện Kiều” tôi viết trên một tờ báo xuân, ông thích quá nên gia công nghiên cứu Nguyễn Du và Truyện Kiều. Nhưng khi ấy ông đã bị căn bệnh hiểm nghèo. Đến khi gần chết, ông chỉ muốn được thấy những bài ông viết về Truyện Kiều và Nguyễn Du được in ra. Nhà in không làm kịp, đành từ chối. Thương cha, người con rể của ông gia công suốt ngày đêm để làm cuốn sách vi tính rất đẹp đưa cha vợ xem. Ông cầm xem, gật đầu rồi chết.

Giáo sư Hoàng Như Mai: Truyện Kiều là linh hồn dân tộc ảnh 2

Giáo sư Hoàng Như Mai tại nhà riêng. Ảnh: T.KHANH

Tôi muốn nói câu chuyện trên để thấy Truyện Kiều của Nguyễn Du trong lòng người Việt Nam như thế nào. Nhân dân dùng Truyện Kiều làm ngôn ngữ của mình vì ngôn ngữ Kiều diễn đạt thanh thoát ý tình mình muốn nói như tập Kiều, lẩy Kiều, bói Kiều… Nghệ thuật lẩy Kiều trong dân gian rất hay, dù cảnh ngộ nào cũng lẩy Kiều được. Trong bài thơ Cảm ơn người tặng cam, Bác Hồ cũng lẩy Kiều bằng cách viết giản dị: “Cảm ơn bà biếu gói cam/ Nhận thì không tiện từ làm sao đây/ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây/ Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai”. Câu thơ cuối, Bác dùng rất đặc biệt, rất hay.

Bàn về Truyện Kiều 200 năm ở TP.HCM, ông Lê Xuân Lít bỏ ra mấy chục năm sưu tầm bài viết của nhiều tác giả yêu, viết, bình phẩm Truyện Kiều, được Nhà xuất bản Giáo dục in bằng giấy quý. Tôi thấy bài tựa Truyện Kiều của Chu Mạnh Trinh, tự Cán Thần, hiệu là Trúc Vân rất hay. Chu Mạnh Trinh vận dụng logic, tóm tắt Truyện Kiều rất hay. Chu Mạnh Trinh say mê Truyện Kiều, cảm thông đồng điệu với nhân vật Thúy Kiều đến mức sáng tác cả một tập thơ Nôm về Kiều (Thanh Tâm tài nhân thi tập). Bài tựa Truyện Kiều viết bằng Hán văn (do Đoàn Quỳ dịch ra tiếng Việt) là một áng văn phẩm bình sâu sắc về Truyện Kiều.

Chuyện bán mình của Kiều điển hình cho mỗi dân tộc, không phải ở xã hội thời đó mà ngay cả bây giờ. Đó là nỗi bất hạnh của thân phận người phụ nữ. Có câu chuyện họp hội đồng nhân dân, một cô nữ công nhân phát biểu rằng nếu như cô Kiều sống ở xã hội ta bây giờ cũng phải bán mình. Cả hội trường đều im lặng, bởi cô nói đúng ngay ở thành phố ta, kể cả các nước khác.

Vũ Hoàng Chương có câu thơ “Trời xanh đâu chỉ má hồng ghen”, là bác lại Nguyễn Du đấy. Nhân nói về ngữ pháp Việt Nam, một nhà thơ cho rằng ngữ pháp Việt Nam lung tung không rõ ràng, mơ hồ không giống như ngữ pháp của Tây. Ông lấy Truyện Kiều ra làm thí dụ, rằng: “Não người cữ gió tuần mưa. Một ngày nặng gánh tương tư một ngày” là không hiểu được. Vũ Hoàng Chương bẻ lại: Dốt đâu dốt đến thế, vậy mà còn đòi phê bình Nguyễn Du. Não người cữ gió tuần mưa nghĩa là cữ gió tuần mưa não người, đó là chủ từ đảo ngược.

Tôi xin nói lại với các em học sinh rằng: “Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, mà tiếng ta còn thì nước ta còn”.

Nhà văn-Giáo sư Hoàng Như Mai sinh ngày 6-8-1920 ở huyện Thanh Trì, Hà Nội. Tham gia cách mạng từ 19-8-1945. Từ 1945-1949, ông viết báo ở Hà Nội, diễn kịch tuyên truyền ở Nam Trung Bộ, tổng thư ký Hội Văn hóa kháng chiến tỉnh Hưng Yên. Từ 1949-1980, ông hoạt động trong ngành giáo dục ở Thái Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc) và Hà Nội. Năm 1980-1990, ông là giáo sư Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM. Ông từng là hiệu trưởng Trường Tư thục Trương Vĩnh Ký TP.HCM, chủ tịch Quỹ Hỗ trợ sinh viên ngữ văn nghèo.

Các tác phẩm chính: Nhà soạn kịch cải lương Trần Hữu Trang (nghiên cứu về nghệ thuật sân khấu 1968); Trần Hữu Trang soạn giả ca kịch cải lương (nghiên cứu, NXB TP.HCM, 1982); Thơ một thời (phê bình, NXB Tiền Giang, 1989); Trí thức và nghệ sĩ (chân dung, NXB An Giang, 1989); Trao cho nhau cuộc đời (thơ, khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM và Hội Nghiên cứu giảng dạy văn học, 1993); Tìm hiểu bản sắc dân tộc trong thơ Hồ Chí Minh (nghiên cứu, NXB Tổng hợp Đồng Tháp, 1995); Hồi ức và suy nghĩ về văn hóa giáo dục (tiểu luận, NXB Giáo dục, 1998); Chân dung và tác phẩm (tiểu luận, NXB Giáo dục, 1999); Tiếng trống Hà Hồ (kịch, NXB Trẻ, 2001). Tuyển tập Hoàng Như Mai.

Chọn nghề báo nếu có kiếp sau

Một lần, chúng tôi hỏi Giáo sư Hoàng Như Mai rằng: “Ngẫu nhiên thầy đến với nghề dạy học. Thưa thầy nếu có “kiếp sau”, thầy chọn nghề nào?”. Thầy cười giản dị: “Là nhà báo. Thú thật từ nghề biên kịch, diễn viên, nhà giáo đều đến với tôi hết sức ngẫu nhiên. Tôi rất thích làm báo. Tôi từng cộng tác thường xuyên với nhiều nhà xuất bản, nhiều báo, đài phát thanh, truyền hình. Nhà báo ngày xưa oai lắm. Tôi làm báo không cần nhiều giấy bút đâu. Và gần hết hạn nộp bài tôi mới viết… Hiện tôi vẫn tiếp tục viết báo. Có điều, tôi thường nói hay hơn viết nên người ta liên tục mời tôi đi nói chuyện. Tôi cũng không bao giờ chuẩn bị trước cho cuộc nói chuyện nào cả, vì tôi nói những điều mà tôi đã suy nghĩ từ lâu”.

NGUYỄN TÝ - THOẠI KHANH lược ghi

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 11-2010)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm