Không phải một chuyện tình

1.

Uyên không đẹp lắm nhưng thùy mị, dễ gần. Lần đầu tiên mình thấy nó làm dáng là hôm sinh nhật một đứa bạn trong ký túc xá. Có lần xuống hội trường coi tivi, có cái tin hội thao gì đó. Nó nói anh có tin em bơi giỏi hơn nhỏ trên tivi hôn. Mình nói thiệt hả. Nó nói ở quê em ai cũng biết bơi. Mấy lần giặt đồ ngoài bến sông, tụi con nít thách nhau bơi bị đuối nước, em cứu hoài. Con nít quê chết hụt kiểu đó chuyện thường.

Thằng Khanh rắn rỏi cao to, là cây điền kinh của trường. Nó hiền nhưng cộc tính, trước mùa hè nó suốt ngày đi theo mình mượn máy ảnh. “Anh tháo phim ra rồi chỉ em bấm máy đi!”. Mình ghi ra giấy cho nó một mớ công thức: Từ 7 giờ sáng tới 9 giờ sáng, phim 100 ASA thì mày để khẩu độ này, tốc độ này; tốc độ thì tỉ lệ nghịch với khẩu độ và độ nhạy sáng của phim; khẩu độ thì tỉ lệ nghịch với chiều sâu của ảnh.

Nó thích chụp ảnh lắm nhưng cái máy Zenith của mình đồng thời là cần câu cơm, màng trập của nó rất tệ nên đưa ra làm học cụ cũng hơi run. Một chiều nó qua phòng mình: Em mua được cái máy Pratica cũ, em có hai cuộn phim, anh chỉ em đi. Mình đưa cho nó cuốn cẩm nang nhập môn chụp ảnh. Nó hỏi mình nếu mình thích suốt ngày chụp một cô gái thì có phải là yêu chưa.

Nó nói em muốn chụp con nhỏ Uyên nhưng nó toàn quay đi. Mình nói để hôm nào tao mượn cho mày cái ống têlê cũ, mày lén chụp rồi đưa hình tặng nó.

2.

Hè đó, nhiều đứa sinh viên đăng ký lên miền núi dạy xóa mù chữ. Cũng có vài đứa đi dạy xóa mù chỉ là đi chơi, cũng có đứa thích đi như một trải nghiệm. Cũng có đứa vì thương mấy đứa nhỏ đói chữ, tỉ mẩn đơm từng cái nút áo cho chúng, rèn từng nét chữ, Chủ nhật cùng với học trò ra ruộng, lên rẫy. Thằng Khanh thuộc dạng này. Mình biết thêm một lý do nữa là nó xin đi dạy vì có con Uyên cùng đi.

Mình không đi dạy, cả mùa hè mình lang thang viết báo nhưng vẫn về các xã ăn ở ké tụi đi dạy xóa mù, vào tận các buôn theo tụi nó và hỏi đồng bào từ chuyện làm ăn đến chuyện đi rừng, phong tục. Những cơn mưa như trút xuống rừng cao su, bánh xe đi đất đỏ quánh dính vào.

Mình ghé ngang chỗ tụi nó một chiều nắng hiếm hoi sau những ngày mưa, hỏi dò tới một cái ấp ven bìa rừng, tìm nhóm thằng Khanh. Một cậu bé tóc râu ngô xăng xái để con dẫn chú. Đó là một ngôi nhà nằm khuất sau một vườn tre, quanh nhà thoang thoảng mùi ổi chín.

Khanh dẫn mình đi tắm, hai anh em ra sau đồi, bên dưới là ruộng, chân đồi chỗ tiếp giáp cánh đồng có một lỗ mọi nước chảy ra trong vắt. Cơm chiều có cá đồng kho nghệ và mấy con ếch nướng. Nó nói mai anh về TP cho em gửi hai cuộn phim, anh tráng ảnh xong tuần sau mang lên cho em nhưng đừng đưa ai coi. Mình hỏi hình con Uyên phải không, nó dạ.

Có chừng năm cảnh thôi nhưng nó chụp hết cả cuộn phim, có cái nhòe, có cái rõ, bố cục vụng về và cái dư sáng, cái thiếu sáng. Có điều xem cả xấp ảnh thì biết ngay thằng này mới tập chụp và yêu con nhỏ trong hình. Con Uyên ngồi giặt đồ, con Uyên dạy học bên ánh đèn dầu, con Uyên cầm bàn tay học trò gò từng nét chữ...

Mình đưa hình lên cho nó, hỏi sao rồi. Nó buồn buồn nói dạ không sao. Không sao, có nghĩa là chẳng có gì xảy ra, không sao cũng có thể hiểu là nó biết Uyên đã có người yêu nên không dám tỏ tình, không sao có nghĩa là chấp nhận thất tình mà cũng có nghĩa là không yêu được thì thôi.

Ừ thì không sao! Trong cuộc đời, 20 năm từ ngày nghe nó nói câu đó, mình thằng sinh viên năm cuối đã thành một kẻ chớm già và mình hiểu trong đời ta có thể phải nói rất nhiều lần không sao, với chính lòng mình để mà đứng lên khi thất bại, lúc vấp ngã, khi phải phụ ai hay khi bị phụ tình.

Mãi sau nó nói là “không sao nhưng chắc khó quên”. Nó cũng nói giá mà em đủ can đảm để nói một câu. Khi ấy mình bảo thì mày cứ nói đại đi. Sau mình nghĩ lại đấy là lời khuyên ngu nhất có thể. Vì nếu nói ra là nó đã bắt mình chấp nhận mất hết chút hy vọng mỏng manh còn lại, là có thể bị từ chối, bị quay đi. Sự im lặng có thể còn tạo nên chút an ủi bé mọn rằng chắc nàng cũng thương, chỉ vì mình tới trễ. Còn lời từ chối dù trân trọng và lịch sự cỡ nào cũng sẽ khiến đất sụp dưới chân kẻ si tình.

Không quá thân để hỏi nhiều hơn, mình nghe đó rồi để đó. Có điều từ lúc đó mình thấy nó lặng lẽ hơn, mắt khi nào cũng buồn buồn.

Có hôm nhà học trò có giỗ, cả đám sinh viên được mời, dọc đường đi bộ về mình thấy hai đứa đi cách nhau một quãng. Khanh đi trước, con Uyên đi phía sau với mình, thỉnh thoảng Uyên nhìn nó rồi đánh mắt qua chỗ khác. Có lẽ con Uyên cũng yêu mến nó nhưng đã có người yêu nên đâm ra khó xử và khổ tâm vì thằng kia quá chân thành. Đó là mình nghĩ trong đầu thôi.

3.

Một sáng thằng Khanh nhận được một lá thư của nhỏ em gái. Nó cưng em vì nhà chỉ có hai anh em, em nó báo tin đậu vào lớp 10 trường chuyên. Vui quá, nó rủ cả bọn sinh viên dạy xóa mù đi picnic. Cả bọn mua đồ ăn rồi xuống dưới chân đồi ven rừng cao su, ở đó có một cái hồ rộng mấy chục hecta mênh mông nước. Người ta đã chắn dòng giữa hai ngọn đồi tạo nên con đập này.

Chúng nó mượn được một cái xuồng nhỏ của những người thả lưới đêm, ban ngày thì neo để không ở bến. Gọi là mượn nhưng thực ra chỉ là mở dây, chèo đi rồi chút đem trả lại. Con Uyên ngồi chèo mũi còn Khanh chèo lái. Thằng Khanh không biết chèo, cái thuyền nghiêng và hất cả bọn xuống cách bờ chưa tới chục thước.

Anh cán bộ xã buồn bã kể anh chăm vườn cao su gần đó, nghe tiếng la, chạy xuống, chỉ kịp kéo hai đứa vào bờ, mấy đứa kia lóp ngóp bơi vào. Một đứa con gái nói khi ấy chúng nó nghe tiếng con Uyên: Anh Khanh bám vào em, rồi không nghe gì nữa. Thằng Khanh giỏi điền kinh nhưng không biết bơi, có lẽ nó quá khỏe và trong cơn hoảng hốt đã bám vào con Uyên quá chặt nên cả hai đều chìm.

Những thợ lặn giỏi nhất chuyên trục gỗ dưới lòng sông được mời đến, nhiều người chảy máu lỗ tai vì nước hồ quá sâu và rất lạnh. Khi dọn lòng hồ, người ta dọn không kỹ nên dưới đó có nhiều cây tre gai còn nguyên cành. Nhóm thợ lặn bó tay.

Trong cuộc họp nhờ địa điểm ở trụ sở ban chỉ huy nông trường gần đó, có người nói sau 12 giờ từ lúc chìm, nạn nhân sẽ nổi lập lờ một lúc, nếu không được vớt thì sẽ chìm luôn ba ngày sau mới nổi. Mà dưới lòng hồ nhiều tre gai, cá trê con nào con nấy cỡ bắp vế, để ba ngày thì nó rỉa. Nghe tới đó có người khóc ngất.

Thầy hiệu phó gọi về TP, đội cứu nạn phòng cảnh sát PCCC có mặt lúc nửa đêm. Anh đội trưởng hỏi mấy đứa nhỏ đi chung xuồng với Khanh và Uyên: Chỉ giùm tụi anh bạn chìm ở đoạn nào. Rồi anh dặn đồng đội: Đáy hồ nhiều gốc cây và ở độ sâu đó không có sóng nên xác không lăn xa vì bị gốc và cành cây giữ lại. Nếu tìm được một em, quay compa một bán kính 5 m để tìm em còn lại.

Mình với mấy đứa nữa ngồi trên bè, cầm sợi dây thừng. Anh dặn thấy giật dây thì kéo lên. Chỉ vài phút sau đầu dây gặc mạnh, rồi sau đó thêm lần nữa.

Cả hai đứa nằm như ngủ trên hai cái băng ca trên xe cấp cứu. Miền rừng đêm rất lạnh. Xe chỉ có tài xế và hai đứa nó, mình với Lộc đen sinh viên năm nhất rủ nhau: Anh em mình lên xe cùng về với bạn...

Hai thằng ngồi bên bác tài. Mình nhắc đường xóc chạy từ từ kẻo tội chúng nó. Rồi hai anh em leo ra hẳn phía sau. Giữ cho hai đứa nằm êm một quãng đường.

Mình không biết khi bám vào Uyên và chìm, Khanh có kịp nói gì không. Có thể có, có thể cơn hoảng loạn đã không cho nó kịp nói gì giữa tiếng khua nước loạn xạ để giữ thăng bằng. Nhưng giờ thì chúng nó nằm bên nhau, song song, thanh thản và yên nghỉ. Mình cứ miên man như thế khi xe lướt qua những trảng rừng cao su đầy ánh trăng lạnh để về TP. Qua sông, mình nhìn sang trái, có một nhịp gầu gãy đứng đó như bao nhiêu năm nay vẫn đứng đó. Hai mố cầu hai bên song song trầm mặc, mặc kệ dòng sông dưới kia vẫn mải miết về xuôi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm