Về 100 kiệt tác sân khấu: “Bộ chưa ký quyết định!”

"Chủ trương của Bộ là để cho các mỗi nhà hát thấy mình có khả năng thực hiện tác phẩm nào để làm thương hiệu riêng của Nhà hát đó sẽ đề xuất lên, Bộ sẽ xem xét" - Thứ trưởng Lê Tiến Thọ nói. (Ảnh: Vietnamnet).
"Chủ trương của Bộ là để cho các mỗi nhà hát thấy mình có khả năng thực hiện tác phẩm nào để làm thương hiệu riêng của Nhà hát đó sẽ đề xuất lên, Bộ sẽ xem xét" - Thứ trưởng Lê Tiến Thọ nói. (Ảnh: Vietnamnet).

Sau loạt bài về “100 kiệt tác sân khấu thế giới” đăng tải, Báo Tổ Quốc điện tử đã nhận được sự quan tâm của đông đảo độc giả, nhưng những bàn tán xung quanh về dự án chưa vì thế mà “hạ nhiệt”.

Chúng tôi đã tìm gặp Thứ trưởng Lê Tiến Thọ, Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch để lấy được ý kiến chính xác nhất của Bộ về vấn đề này nhằm giải toả phần nào những băn khoăn trong dư luận.

PV: Dư luận hiện nay đang xôn xao việc Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch đã có quyết định giao cho một mình Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng “100 kiệt tác sân khấu thế giới”. Xin Thứ trưởng cho biết ý kiến chính thức của Bộ về vấn đề này?

Thứ trưởng Lê Tiến Thọ: Bộ chưa hề ký quyết định giao cho một mình Nhà hát Tuổi trẻ thực hiện đề án dàn dựng và biểu diễn “100 kiệt tác sân khấu thế giới”.

Nhà hát Tuổi trẻ có chức năng hoạt động vừa biểu diễn ca múa nhạc, vừa dàn dựng các tiết mục sân khấu phục vụ các lứa tuổi từ thanh-thiếu niên đến người lớn, nếu chỉ chăm chăm xây dựng 100 vở diễn sân khấu Việt Nam và thế giới thì đơn vị này chỉ thực hiện được một nửa nhiệm vụ chính trị.

Hiện nay chúng ta còn đang phát động sáng tác các tác phẩm nghệ thuật để chào đón 1000 năm Thăng Long và phong trào “Học tập và làm theo đạo đức của Hồ Chí Minh”. Như vậy còn rất nhiều việc chúng ta phải làm chứ đâu phải chỉ chạy theo đề án kia.

PV: Như vậy, việc Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đến dự và phát biểu ủng hộ đề án của Nhà hát Tuổi trẻ hôm 3-3 vừa qua cũng không có nghĩa là Bộ đã ký quyết định trao quyền thực hiện cho đơn vị này, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Lê Tiến Thọ: Bộ trưởng đến dự để ủng hộ đề án mà Nhà hát Tuổi trẻ đề xuất lên Bộ đó là một hoạt động bình thường. Từ việc ủng hộ đến việc ký quyết định còn nhiều khâu mà chúng ta phải cân nhắc: kinh phí lấy ở đâu, chọn lọc những tác phẩm nào để dựng cho phù hợp với đời sống nhân dân ta.

Thực tế cũng cho thấy rằng, nếu cứ bắt một nhà hát, một đạo diễn hay một diễn viên nổi tiếng đến mấy nhưng họ diễn hết tác phẩm này đến tác phẩm khác sẽ dẫn đến nhàm chán, đơn điệu, thậm chí diễn viên sẽ tự làm mất đi hình ảnh của mình nếu diễn “không tới” các tác phẩm kinh điển.

PV: Đến nay có thể khẳng định Nhà hát Tuổi trẻ không phải là đơn vị duy nhất được Bộ giao thực hiện dự án. Vậy theo ông, công việc này sẽ do ai đảm nhiệm?

Thứ trưởng Lê Tiến Thọ: Hiện Bộ đã giao cho Cục Nghệ thuật Biểu diễn phân cụ thể cho từng nhà hát thực hiện dự án. Chủ trương của Bộ là để cho các mỗi nhà hát thấy mình có khả năng thực hiện tác phẩm nào để làm thương hiệu riêng của Nhà hát đó sẽ đề xuất lên, Bộ sẽ xem xét. Ví dụ trước đây Nhà hát kịch Việt Nam đã từng dựng vở Otenlo, Xuý Vân... thì nay sẽ tiếp tục nhận các vở đó làm tác phẩm độc quyền cho mình.

Một cảnh trong "Âm mưu và Tình yêu" - một trong 100 kiệt tác sân khấu thế giới được dàn dựng (Ảnh: T. Hoà).
Một cảnh trong "Âm mưu và Tình yêu" - một trong 100 kiệt tác sân khấu thế giới được dàn dựng (Ảnh: T. Hoà).

PV: Vấn đề trước mắt hiện nay là chúng ta lựa chọn những tác phẩm nào, Thứ trưởng có thể cho biết tiêu chí xác định các vở là kinh điển để dàn dựng?

Thứ trưởng Lê Tiến Thọ: Hiện nay Bộ chưa nhận được danh sách đề xuất 100 tác phẩm sân khấu nào. Phải đến tháng 5, Cục Nghệ thuật Biểu diễn mới trình cụ thể đề án lên Bộ, lúc đó sẽ có thông báo chính thức về tiêu chí lựa chọn kiệt tác sân khấu Việt Nam và thế giới và nhiều vấn đế khác nữa.

PV: Ông đánh giá gì về mốc thời gian thực hiện từ nay đến năm 2020, liệu có khiên cưỡng quá khi bắt tay xây dựng 100 công trình sân khấu lớn như vậy?

Thứ trưởng Lê Tiến Thọ: Mốc thời gian từ nay đến năm 2020 không có gì là khiên cưỡng cả, mà đây là mục tiêu cho các nhà hát phấn đấu dàn dựng trong vòng 13 năm để thành những dàn kịch mục nổi tiếng của từng đơn vị.

PV: Vậy, mong muốn lớn nhất của Bộ khi dự án đi vào hoạt động là gì, thưa ông?

Thứ trưởng Lê Tiến Thọ: Mục đích của dự án này là làm cho đời sống sân khấu trong nước sẽ sôi động hơn, giúp cho việc nâng cao trình độ từ đạo diễn, diễn viên đến người thưởng thức. Tuy nhiên vấn đề đáng nói ở đây là các tác phẩm khi ra đời sẽ phải gắn với đời sống nhân, được giới thiệu và mang đi phục vụ cho tất cả tầng lớp (đặc biệt thế hệ trẻ) chứ không phải dựng xong rồi “xếp xó”.

Cảm ơn Thứ trưởng về cuộc trò chuyện này!

NSƯT Hoàng Dũng-Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội: Nên có Hội đồng đạo diễn giàu kinh nghiệm

Để đạt 100 vở diễn trong vòng 13 năm, một đơn vị thì không thể làm được. Nhưng nếu như với chừng ấy vở diễn mà chia cho mỗi nhà hát dựng một vở trong một năm thì nó sẽ khác. Có thể NSND Lê Hùng là chủ đề án ấy sẽ có trách nhiệm đứng ra thay mặt Cục, Bộ có trách nhiệm với tất cả những vở diễn đó. Hoặc chúng ta sẽ cử ra một Hội đồng các đạo diễn giàu kinh nghiệm phân công nhau làm, ai phù hợp thì làm, nhà hát nào mạnh sẽ “ra tay” cũng là một ý kiến thiết thực. Bởi đây là một dự án của Bộ chứ không phải dự án của một nhà hát cụ thể nào.

Còn việc hoàn thành dự án vào năm 2020 thì không thể nói trước được vì thực hiện đến đâu một phần còn phụ thuộc vào tình hình khách quan. Đây là sản phẩm văn hoá chứ không phải sản phẩm tiêu dùng, do đó không nên thúc ép năm nào cũng phải “sản xuất” đều như nhau. Vấn đề quan trọng nhất là chất lượng. Muốn có được điều này thì lãnh đạo ngành phải có những kế hoạch cụ thể, phải có sự góp công sức và trí tuệ của mọi người trong giới chuyên môn sẽ mang lại kết quả viên mãn.

NSND Lê Hùng, Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ: Nhà hát Tuổi Trẻ “hích” trước để các nhà hát khác làm theo

Thực ra bây giờ không phải Nhà hát Tuổi trẻ mới làm. Hàng năm trong kế hoạch chúng tôi đã dựng 1 tác phẩm kinh điển và đã gọi được các nhà tài trợ, ví dụ năm ngoái vở “Nhà búp bê” được Đại sứ quán Na Uy tài trợ…

Còn về dự án “100 kiệt tác sân khấu thế giới”, không phải Lê Hùng có tham vọng dựng cả, bởi trong 100 tác phẩm đó có những vở hợp với Lê Hùng và cũng có những vở Lê Hùng không thể nào làm được thì phải mời các đạo diễn khác làm trên tinh thần xã hội hoá nghệ thuật. Thực ra đây là cú hích mà Nhà hát Tuổi Trẻ “hích” trước cho các nhà hát khác làm theo và mọi người bây giờ cùng ham muốn như thế thì các nhà hát hãy làm và dàn dựng thì chúng tôi đều vỗ tay hoan nghênh và vô cùng ngưỡng mộ.

NGUYỄN HÒA - (Theo Tổ quốc)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm