Té ra bấy lâu ‘Còn thương rau đắng…’ được hát chui!

Nổi bật nhất trong số các ca khúc mới được cấp phép này là bài hát Còn thương rau đắng mọc sau hè. Sở dĩ gọi ca khúc này là nổi bật bởi trước khi thông tin về việc ca khúc này được cấp phép phổ biến thì từ rất lâu nó đã xuất hiện, được hát công khai trên khắp các sân khấu và trên sóng truyền hình.

Chẳng hạn, trong chương trình Thần tượng âm nhạc nhí 2016, thí sinh Hồ Văn Cường đã thể hiện rất thành công ca khúc này. Nó hóa ra cũng cùng chung số phận với ca khúc Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (được cấp phép phổ biến vào ngày 12-4-2017).

Còn nhớ, tại buổi họp báo thường kỳ quý I-2017, việc cấp phép các ca khúc đã nhận được sự quan tâm rất lớn của báo chí. Trong đó, một vấn đề được đặt ra đó là theo kiểu cấp phép ca khúc hiện nay tạo ra cơ chế xin-cho, người chịu trách nhiệm của Cục NTBD lúc đó là ông Đào Đăng Hoàn đã dùng một trường âm lượng lớn hơn mức bình thường để phản bác lại cách đề cập này của PV: “Nói như vậy thì Cục NTBD rất cửa quyền việc này. Nếu đúng thì chúng tôi cấp phép ngay. Trong hội đồng thẩm định, khi bài hát nào có vấn đề thì chúng tôi đều có văn bản phản hồi bài hát đó”.

Không có cơ chế xin-cho nhưng nếu chiếu theo quy trình thủ tục của việc cấp phép phổ biến ca khúc trước năm 1975 thì quy trình này đều có các bước cụ thể như sau: Tổ chức đề nghị cấp phép gửi đề nghị đến phòng quản lý băng đĩa, phòng này sau các bước như thẩm định nhân thân tác giả, thẩm định nội dung, hoàn cảnh sáng tác sẽ gửi đến hội đồng nghệ thuật, hội đồng này thẩm định tiếp trong khoảng hai ngày sau đó gửi tới lãnh đạo Cục NTBD ký ban hành giấy phép. Như vậy, có thể hiểu không thể gọi đúng quy trình đó là quy trình xin-cho mà là quy trình “đề nghị và đồng ý”.

Cũng theo giải thích của đại diện Cục NTBD, ca khúc Nối vòng tay lớn trước đó chưa được cấp phép phổ biến vì chưa có ai đứng ra xin cấp phép, vì vậy chưa thể cấp phép để tránh trường hợp gia đình không đồng ý phổ biến. Trường hợp ca khúc Còn thương rau đắng mọc sau hè cũng tương tự như vậy. Ngoài ca khúc này, chắc chắn có một kho tàng hết sức đồ sộ những bài hát có hoàn cảnh như những công dân chưa được cấp hộ khẩu, CMND, các ca khúc phải sống một cuộc sống không được pháp luật thừa nhận cho đến khi một ai đó, một tổ chức nào đó chợt nhớ ra, muốn ca khúc đó vang lên trên sân khấu… bê nó đi xin cấp phép, khi đó ca khúc mới may mắn có được một đời sống hợp pháp và được thừa nhận.

Vì đâu nên nỗi?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm