Thăm Cần Thơ, mấy ngày là đủ?

Sau chuyến đi Cần Thơ vào ngày 5-1 vừa qua, một trang web về du lịch có đặt câu hỏi như vậy và tôi trả lời gọn: "Một ngày là quá đủ!".

6 giờ sáng lái xe xuống Cần Thơ, tới 16 giờ coi như xong. Thế nhưng nghe lời dân địa phương, ngủ lại một đêm, 5 giờ 30 sáng hôm sau dậy sớm đến chợ nổi Cái Răng thuê tàu chạy ra chợ dòm dòm ngó ngó. 7 giờ 30 rời Cần Thơ về Sài Gòn. Cảm thấy phí tiền khách sạn!

Trước khi đi, tôi tìm hiểu thông tin các thể loại trên mạng như... "9 điểm không thể bỏ qua... 5 điểm không thăm sẽ hối tiếc...". Các bài viết công phu ở mục du lịch của các báo uy tín, các blog cá nhân. Rất tiếc, cách tìm thông tin du lịch báo chí, website kiểu này chỉ xài được bên Tây, ở ta chỉ tổ bị lừa.

Đi Cần Thơ về, tôi rút ra một điều: Viết quá lời, viết xạo hoặc chép tài liệu xưa, copy ý của các nhà văn Nam kỳ lục tỉnh mô tả cảnh và người cách đây cả thế kỷ... Hiện thực không phải vậy tuy các bài báo đó nói vậy.

Một trong hai cặp lộc bình hàng chợ của Trung Quốc. 

Điểm đầu tiên khi tôi tới thăm Cần Thơ là nhà cổ Bình Thủy. Ngôi nhà được bảo quản khá toàn vẹn, kiến trúc đặc trưng Nam kỳ kết hợp Á-Âu... Chỉ tiếc là cạnh nhà chính, ngôi nhà phụ có lầu cũng nằm trong khuôn viên và cùng hàng rào thì bị cắt ra (chắc chia cho con cháu). Lầu và mái giữ nguyên dáng xưa nhưng trệt thì bị sửa lại dặm vào kiếng, cửa nhôm, kê mái vải, dù làm xưởng tranh... bình dân.

Bên hông nhà, ngay sau vườn lan phòng ốc xây thêm bằng kiếng, cửa nhôm, mái tôn gắn vào vách nhà cổ, chẳng ăn nhập gì. Phía sau là dãy nhà ngang xây mới, quần áo phơi lung tung, nồi xoong để lổn nhổn.

Trong nhà chính chúng tôi phát hiện hai cặp lộc bình men sứ xanh đỏ của Tàu thường bán trên lề đường Hoàng Văn Thụ và Lê Lai mỗi dịp Tết đến. Dĩa treo trên tường cũng là dĩa xoàng xĩnh, mới. Hỏi bà giữ nhà, bà thừa nhận đó là đồ mới, chỉ có bàn thờ ván gỗ, xa-lông chạm, cột lim, rui mè... là xưa. Chưa kể, trong tủ kiếng xưa sát tường bày chai Chabot (chai không) rẻ tiền, mấy món đồ chơi vặt hàng chợ. Thà để tủ trống còn hơn.

Tôi tự hỏi, không biết chủ nhân nghĩ gì khi đưa mấy cặp lộc bình Quảng Châu vào khung cảnh u trầm nhà miền Nam xưa này? Cán bộ Bảo tàng tỉnh ở đâu sao không góp ý để giữ gìn một di tích được công nhận cấp quốc gia cho xứng?

Tôi không nhắc lại đây hình ảnh các di tích được công nhận cấp địa phương hay cấp quốc gia ở các nước mà tôi đã thăm, không chỉ ở châu Âu mà cả ở Maroc, Bénin, Togo, Tunisie ở châu Phi. Chỉ muốn nói, du khách như tôi rất muốn xem di tích nhà cổ Bình Thủy trong cái cảnh quan toàn vẹn của nó, trong cái không gian mà nó sinh ra để thả hồn vào dòng thời gian.

Về điểm này, không gian nhà cổ Huỳnh Thủy Lê được bảo tồn khá hơn. Những bài báo, bài giới thiệu chỉ chép lại một cách lười biếng tài liệu lịch sử, không đề cập thực tại chẳng khác nào lừa bịp người tìm thông tin để đến thăm.

Chợ nổi Cái Răng, cò lái dập dìu. Đang lái xe cửa kiếng bị gõ cộp cộp liên tục dụ mướn tàu giá trời ơi. Mờ sáng, ra đến chợ giữa dòng sông, lèo tèo vài chục chiếc ghe. Vỏ lãi băng dòng qua lại mời uống cà phê...

Sáng sớm, chợ nổi Cái Răng lèo tèo vài chục chiếc ghe. Ảnh: LÊ HOÀN

Nhìn trên sông, du khách, chủ yếu là Tây, nhiều hơn ghe chợ. Những tấm ảnh chụp đăng trên báo chỉ là cảnh hiếm hoi Tết, không phải cảnh chợ hằng ngày như truyền thông ca cẩm. Âu cũng sống bám vào vết tích hương xưa. Bàn tay tổ chức để duy trì một sản phẩm văn hóa ở đâu không thấy, chỉ thấy làm du lịch kiểu ăn xổi ở thì, được chăng hay chớ. Trách sao du khách chỉ đến một lần rồi ra đi mãi mãi.

Kiến trúc thiền viện Trúc Lâm sao chép, không có bản sắc riêng, xa rời đặc điểm phương Nam. Ảnh: LÊ HOÀN

Rồi đến thiền viện Trúc Lâm, công trình mới khánh thành chưa lâu. Ngôi chính của thiền viện tường gạch thô không trát giả cổ chiếm phần nhỏ trên diện tích khu đất. Còn lại là hội trường, lớp học, nhà ăn tập thể, nhà nghỉ các sư. Các kiến trúc phụ này đồng loạt dùng nước sơn giả gỗ trông hết sức dỏm. Cả cột cái cũng vậy. Mới đó mà sơn đã bị tróc lác đác lộ mastic trắng ra. Tổng quan chỉ có diện tích khuôn viên là lớn. Giả cổ mà giả không tới nơi thì giả làm gì?

Nhớ lại, những năm 1960 khi xây chùa Vĩnh Nghiêm, kiến trúc sư Nguyễn Bá Lãng sử dụng vật liệu mới thời đó: Đá rửa. Công trình vừa đẹp vừa hiện đại và vẫn có hồn có phách, uy nghi, có không gian tĩnh mặc thâm u cho đến tận ngày hôm nay. Giá trị kiến trúc vẫn được công nhận, chùa ra chùa, tôn nghiêm ấm áp.

Trong chùa, ghế đá xếp san sát. Lưng ghế chi chít các dòng quảng cáo trường dạy lái xe, lớp học Anh văn, cơ sở tập gym, làm tóc với đầy đủ địa chỉ, cơ sở 1, cơ sở 2, giờ mở cửa... Ảnh: LÊ HOÀN

Thảm hơn, khắp nơi trong sân chùa tràn ngập các băng ghế đá mài đặt san sát nhau, lưng ghế chi chít các dòng quảng cáo, nào trường dạy lái xe, lớp học Anh văn, cơ sở tập gym, làm tóc với đầy đủ địa chỉ, cơ sở 1, cơ sở 2, giờ mở cửa...

Còn bến Ninh Kiều thì khỏi nói. Trên bờ vài khách sạn với kiến trúc gợi nhớ Macao. Dưới nước nhan nhản nhà hàng nổi. Bờ sông bê tông hóa với cây kiểng hoa bụi. Dù sao cũng có chỗ cho dân địa phương hóng mát chiều, tập thể dục sáng. Có cảnh mà không có hồn.

Cầu đi bộ được dân kinh doanh du lịch nâng lên thành cầu tình yêu. Đó là chiếc cầu lan can hợp kim gắn đèn LED nhiều màu xanh xanh đỏ đỏ, dẫn từ bờ ra một khách sạn. Tầm vóc cỡ cầu Ánh sao Phú Mỹ Hưng, quận 7 ở Sài Gòn là cùng, còn xa mới vươn tới tầm những chiếc cầu với hồn tình muôn thuở trên sông Seine.

Có lẽ thế cũng đủ cho một cảm tưởng về Cần Thơ hôm nay, về cách tạo và quảng bá sản phẩm du lịch mang màu sắc Việt, về cách bảo tồn di tích quốc gia.

Ai không tin cứ đi sẽ thấy. Ôi, tìm đâu thấy thủ phủ Nam kỳ lục tỉnh đậm hồn miền Nam đặc sắc và có bản sắc riêng một thời khẩn hoang, một đời trù phú. Hòa tan hết rồi.

Và trên hết quảng bá du lịch không nên làm kiểu... quá đáng như vầy.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

'Nhanh như chớp nhí' mùa 5 quay lại sau 2 năm vắng bóng

'Nhanh như chớp nhí' mùa 5 quay lại sau 2 năm vắng bóng

(PLO)- Ngay sau thông báo về đợt casting, Nhanh như chớp nhí mùa 5 đã nhận được sự chờ đón nồng nhiệt từ quý khán giả, đặc biệt là từ các bậc phụ huynh có con nhỏ trong lứa tuổi tham gia chương trình.