DU LỊCH MIỀN TÂY NGỦ QUÊN TRÊN “MỎ VÀNG” - BÀI 1

Mọi điểm du lịch đều… giống nhau

Du lịch miền Tây hiện nay chưa đủ hấp dẫn để đáp ứng nhu cầu của khách. Chưa có điểm nhấn độc đáo, chỗ nào cũng na ná nhau về sản phẩm du lịch vườn, chợ nổi, chèo thuyền trên kênh rạch...

Không đặc sắc

Anh Trần Văn Duy, nhà ở Hà Nội vừa trải qua sáu ngày cùng nhóm bạn rong ruổi khám phá từ Đồng Tháp, An Giang đến Kiên Giang rồi Cần Thơ. Anh Duy nhận xét: “Hơn sáu năm tôi mới có dịp quay lại miền Tây và cảm nhận ở đây có một số thay đổi. Đường sá đi lại dễ dàng hơn trước đây, khách sạn mở ra nhiều nên không lo thiếu chỗ nghỉ. Nhiều khu du lịch được đầu tư mới khang trang và tiện nghi. Đơn cử như khi lên núi Cấm ngày xưa phải đi xe, giờ ngồi cáp treo thấy thú vị vì có thể ngắm cảnh Thất Sơn của An Giang”.

Tuy nhiên, theo anh Duy, ban ngày đi chơi nhiều chỗ, được chứng kiến nhiều cảnh đẹp và thú vị nhưng buổi tối thì thiếu chỗ để vui chơi, giải trí. Như hôm từ Kiên Giang về lại Cần Thơ, nhóm của anh tính ghé nghỉ đêm ở Hậu Giang vì nghe nói ở đây có bờ kênh Xà No cũng hay hay. Đáng tiếc là chập tối đi ngang đây thấy hoạt động lèo tèo và không có gì để giải trí nên mọi người đi luôn về Cần Thơ để nghỉ.

“Cần Thơ khá sôi động về đêm với một số dịch vụ nhưng thực sự cũng chưa phong phú. Theo tôi, buổi tối là thời gian thư giãn nên thành phố này cần đầu tư thêm vũ trường hay tour khám phá về đêm, chẳng hạn có chợ hay khu phố buôn bán suốt đêm để khách có thể tham quan và mua sắm” - anh Duy bày tỏ.

Anh Nguyễn Huy Đức, du khách đến từ Hà Nam cho biết năm nào anh cũng có một hai chuyến công tác vào miền Tây. Anh nói: “Tôi chưa ở đủ lâu để cảm nhận hết vùng đất này nhưng thực sự tôi thấy quanh đi quẩn lại cũng chỉ có mấy điểm du lịch. Ví dụ tại Cần Thơ chỉ có mấy điểm để khách tham quan như bến Ninh Kiều, chợ nổi Cái Răng, vườn du lịch Mỹ Khánh… Đi hết mấy điểm này coi như du lịch xong Cần Thơ! Về đêm nếu không rủ nhau đi vũ trường thì chúng tôi lại xuống tàu đi một vòng sông Hậu rồi nghe đờn ca tài tử và ăn uống. Thú thật, tôi chỉ thấy bộ mặt đô thị một số địa phương ở miền Tây là có thay đổi, phát triển. Riêng du lịch thì vẫn vậy, ở đâu cũng na ná như nhau nên nhàn nhạt, không đặc sắc lắm, không thực sự hấp dẫn du khách”.

Tương tự, nhiều du khách về miền Tây cũng cho biết họ đã tham quan một số mô hình du lịch nhà vườn ở Cà Mau và Bạc Liêu. Chẳng hạn ở huyện Phước Long, Bạc Liêu hiện có nhiều nông dân làm mô hình du lịch sinh thái. Tại đây các món đặc sản chim, cò… được đáp ứng đầy đủ khi du khách yêu cầu. Có điều nguồn gốc các loài động vật này thiếu rõ ràng.

Anh Phi Long, một du khách đến từ TP.HCM, đúc kết: “Nói cho gọn thì du lịch ở miền Tây chủ yếu là sinh thái. Du khách như chúng tôi về xứ sở này phần lớn là muốn được nhìn cảnh đẹp của thiên nhiên hoang dã và được thưởng thức đặc sản cua, tôm, chim, rắn, rùa… Ăn những món này ngon thật nhưng luôn có cảm giác bất an vì một số đặc sản không biết là gây nuôi hay săn bắt động vật quý hiếm ngoài tự nhiên rồi bán chui. Trong khi tôi được biết nếu không thuộc loài đặc biệt quý hiếm thì người dân có thể gây nuôi và xuất bán một cách hợp pháp, có giấy tờ chứng minh đầy đủ. Tại sao mọi người không làm như vậy để du khách thưởng thức trọn vẹn những hương vị đặc thù của vùng sinh thái trù phú này?”.

Khách nước ngoài thăm làng quê bằng xe ngựa ở Bến Tre.

Du khách xem ngọc trai được lấy ra từ trai nuôi ở Phú Quốc.

Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam ở Cần Thơ, điểm du lịch hành hương của du khách. Ảnh trong bài: GIA TUỆ

Thiếu chuyên nghiệp

Miền Tây được bồi đắp bởi phù sa màu mỡ nên được xem là vựa cá, vựa lúa, vựa trái cây… của cả nước. Không chỉ có vậy, với hệ thống kênh rạch chằng chịt kèm theo có rừng núi và biển đảo nên vùng đất này có một hệ sinh thái đa dạng. Đến vùng đất này du khách kỳ vọng được chạm bàn chân lên dẻo đất mũi Cà Mau, hay thả hồn theo mái chèo nơi chợ nổi Cái Răng, Ngã Năm, Ngã Bảy…; dạo bước ở “vương quốc hoa” Sa Đéc, ngắm nhìn những vũ điệu sếu đầu đỏ ở Tràm Chim tại Đồng Tháp…

Đáng tiếc là những tiềm năng này đang được đầu tư khai thác chưa tốt, thiếu bài bản. Thế nên tiềm năng vẫn “ngủ yên”. Dưới góc nhìn của một đơn vị kinh doanh du lịch, ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng marketing Công ty TST Tourist, cho rằng hiện nay nếu xét về số tuyến và điểm của du lịch Tây Nam Bộ đều rất ít. Đối tượng khách chủ yếu không phải từ thị trường khách của TP.HCM mà khách phía Bắc. Họ tập trung đi du lịch tại các điểm đến chính như Cần Thơ, Phú Quốc. Lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến miền Tây là rất thấp, không quá 10% tỉ trọng khách ở thị trường tour trong nước.

“Nếu nói riêng về sản phẩm du lịch thì miền Tây hiện nay chưa đủ hấp dẫn để đáp ứng nhu cầu của khách. Chưa có điểm nhấn cho từng điểm đến, na ná nhau về sản phẩm du lịch vườn, chợ nổi mà chưa khai thác hiệu quả văn hóa ẩm thực khẩn hoang Nam Bộ. Cái được của du lịch miền Tây là sự gần gũi, thân thiện của người dân với lối sống mộc mạc, không gian xanh của vườn cây, sông nước, nghệ thuật diễn xướng như vọng cổ” - ông Mẫn nhận xét.

Tương tự, theo bà Bùi Thị Ngọc Phương, giảng viên ngành văn hóa du lịch khoa Văn hóa nghệ thuật Trường ĐH An Giang, du lịch miền Tây có nét đặc trưng là tài nguyên thuộc dạng hấp dẫn, phong phú. Ví dụ có mùa nước nổi, rừng ngập mặn, du lịch sinh thái miệt vườn. Đặc biệt là du lịch miệt vườn là một nét khá đặc trưng của đồng bằng Nam Bộ mà đồng bằng Bắc Bộ rất ít.

Tuy nhiên, theo bà Phương, dù tài nguyên phong phú vậy nhưng chưa khai thác được là do không biết cách. Cụ thể chưa có nhiều người có khả năng và trình độ để làm du lịch chuyên nghiệp, thiếu nét riêng. “Ví dụ nói miệt vườn thì hầu như đi tỉnh nào cũng có miệt vườn. Nhưng nếu biết cách làm thì dù tài nguyên có sự đồng dạng vẫn giữ chân được du khách chứ không phải họ chỉ đến một lần rồi thôi. Con người làm du lịch cũng chắp vá, thiếu những chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch về du lịch” - bà Phương phân tích.

Bà Phương cũng cho rằng một địa danh dù hấp dẫn nhưng nếu thiếu nhà đầu tư tạo nên cơ sở hạ tầng đồng bộ về vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi, tham quan, mua sắm, đi lại thì nơi đó cũng khó mà giữ chân được du khách. Chẳng hạn Núi Cấm ở An Giang có khí hậu mát mẻ nhưng du khách đi cáp treo lên chỉ ngắm được mấy ngôi chùa rồi lại xuống vì không có những dịch vụ hậu cần đi kèm. Nếu thiếu một trong hai yếu tố này thì tài nguyên cứ nằm yên đó mà không khai thác được.

Bà Trần Thị Việt Hương, Giám đốc Ban Tiếp thị Công ty Du lịch Vietravel, nhìn nhận tiềm năng du lịch của vùng còn chưa được đầu tư đúng mức, khai thác chưa có hiệu quả. Bà Hương phân tích: “Nguyên nhân là do cách làm ở nhiều địa phương còn mang nặng tính tự phát. Chủ yếu vẫn dựa vào thiên nhiên, khai thác những gì sẵn có mà thiếu sự đầu tư dài hạn dẫn đến sản phẩm du lịch còn nghèo nàn”.

Nói đi một tỉnh, biết hết đồng bằng là... chủ quan

Nhiều ý kiến có chung nhận xét thời gian qua, các địa phương ở miền Tây cũng như các công ty du lịch chủ yếu chỉ triển khai một số loại hình du lịch như tham quan bằng du thuyền dọc các tuyến sông rạch, tìm hiểu đời sống sinh hoạt đời thường của người dân, tham quan các điểm du lịch sinh thái, vườn trái cây… Hệ lụy của sự đơn điệu, trùng lắp này là các tỉnh, thành trong vùng đáng lẽ phải liên kết với nhau để cùng phát triển du lịch thì lại trở thành đối thủ canh trạnh của nhau.

Phản hồi trước thông tin này, bà Nguyễn Hoàng Diễm, Trưởng phòng Quản lý du lịch thuộc Sở VH-TT&DL TP Cần Thơ, nhìn nhận tiềm năng chưa khai thác hết có nhiều nguyên nhân vì du lịch là ngành khai thác tổng hợp từ các ngành, nghề khác như nông nghiệp, y tế, công nghiệp… “Còn nếu nói trùng lắp là chưa thưởng thức hết những đặc trưng của từng vùng. Ví dụ như vườn trái cây thì ở đâu cũng có nhưng nói dừa dứa thì phải đến Bến Tre còn dừa sáp thì phải tới Trà Vinh. Nếu nói đi một tỉnh là biết hết đồng bằng thì chủ quan quá. Nói tui cưới vợ Đồng Tháp là biết hết các cô gái đồng bằng thì đâu có được?!” - bà đặt vấn đề.

Tuy vậy, bà Diễm thừa nhận: “Cần Thơ quan tâm đầu tư nhiều cho hệ thống giao thông nhưng nhìn chung một số điểm hạ tầng chưa hoàn chỉnh. Ví dụ như muốn phát triển du lịch đường sông nhưng một số đoạn bị vướng cầu hoặc lòng sông cạn, ghe thuyền không đi lại được, đi kèm đó là dịch vụ vệ tinh hai bên bờ cũng chưa phát triển”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm