38 tỉ đồng là một con số hoan hỉ về sức mua và niềm yêu thích sách của người dân TP.HCM.
Đóng góp cho doanh thu không nhỏ là lớp người trẻ mà người ta đã từng lo ngại họ chỉ có thú vui lướt mạng hoặc đọc ebook. Có lẽ được gặp tận mặt tác giả, được nghe chuyện viết sách và được ký tặng từng cái tên cụ thể đã khiến các bạn trẻ hào hứng với việc mua sách hơn. Người ta chứng kiến hàng trăm bạn trẻ đứng xếp hàng, kiên nhẫn đợi chờ chữ ký của các tác giả Anh Khang, Nguyễn Nhật Ánh, Iris Cao…
Và gần như hầu hết tựa sách bán chạy nhất của hội sách là sách dành cho người đọc trẻ: Buồn làm sao buông (Anh Khang), Nếu như không phải nói nếu như (Jun Phạm), Thương nhau để đó (Hamlet Trương), Chúc một ngày tốt lành (Nguyễn Nhật Ánh), Người yêu cũ có người yêu mới (Iris Cao)…
Các bạn trẻ hào hứng đưa tay trả lời câu đố về sách trong buổi giao lưu với tác giả Trung Nghĩa tại gian hàng Vinabook. Ảnh: TRÀ GIANG
Ở các buổi giới thiệu sách hay tọa đàm về văn học, khi mới bắt đầu chỉ lác đác người ngồi nghe nhưng càng về sau, khi đi ngang thấy có buổi nói chuyện là người ta ghé lại. Dù ngồi trong căn nhà bạt nóng bức dưới cái nắng trưa hừng hực, các độc giả vẫn chăm chú lắng nghe, trao đổi về chuyện viết lách, về sách một cách hào hứng.
Thu hút được lượng lớn bạn đọc như vậy cũng nhờ các nhà làm sách trong việc đầu tư xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho đơn vị mình. Họ đến với hội sách không chỉ để bán sách mà còn giới thiệu về đơn vị mình với bạn đọc, tạo cho bạn đọc một không gian sách thú vị. NXB Kim Đồng có sân khấu ca nhạc dành cho thiếu nhi. NXB Trẻ in sách mẫu thu nhỏ để chào hàng: Mỗi sách trích khoảng 1-3 chương hay nhất, với bìa và ruột thiết kế giống sách thật, phát miễn phí. Nhà sách trên mạng Vinabook thì luôn có người hóa trang thành các nhân vật kiếm hiệp trong truyện đứng chào đón khách hàng. Nhà sách Tiki trang trí quầy hàng bắt mắt như một lâu đài cổ tích.
Sự chuẩn bị chu đáo của các nhà làm sách và sự hào hứng của người mua sách đã khẳng định nét đẹp văn hóa đọc vẫn tồn tại. Sách giấy vẫn tồn tại độc lập trong thời đại Internet của sách điện tử, như hai học giả Jean Claude Carrière và Umberto Eco đã bàn về tương lai của sách giấy trong tác phẩm Đừng mơ từ bỏ sách giấy.
TRÀ GIANG