“Biệt đội” chống đánh vợ

Đòi ly thân vì cụ bà không... “chiều”

Đến thành phố Hải Dương, dừng chân ở một quán nước ven đường, vừa hỏi thăm đường về xã Kỳ Sơn, chị chủ quán đã mau chuyện: “Anh hỏi xã “bạo lực gia đình” chứ gì?”. Cứ theo lời giới thiệu của chị thì có 1.001 lý do để các ông chồng ở Kỳ Sơn “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ.

Ông Nguyễn Thái Sơn (giữa) trong một lần đi động viên, hòa giải cho một gia đình.
Ông Nguyễn Thái Sơn (giữa) trong một lần đi động viên, hòa giải cho một gia đình.

Vợ đi tập văn nghệ - đánh, vợ kiếm tiền nhiều hơn chồng - đánh, vợ không “chiều” - đánh... Thậm chí, nhiều khi đi nhậu về thấy “ngứa mắt” cũng lôi vợ ra để đánh... Lúc đầu tôi còn bán tín bán nghi lời chị chủ quán, nhưng sau khi gặp gỡ Chủ nhiệm các câu lạc bộ Phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ), tôi đã tin lời chị nói là thật.

Ông Nguyễn Thái Sơn - Phó Ban chỉ đạo PCBLGĐ xã Kỳ Sơn - cho biết, từ khi thành lập, các “biệt đội” này đã chung tay giữ gìn mái ấm cho rất nhiều cặp vợ chồng cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt. Đặc biệt, trong chặng đường “tác nghiệp”, các thành viên câu lạc bộ đã phải trực tiếp can thiệp 3 vụ hy hữu giữa các cặp chồng U70 - U80 vì chuyện... phòng the.

Ông Nguyễn Minh Hoành - Chủ nhiệm câu lạc bộ PCBLGĐ số 1 thôn Binh Di - tủm tỉm kể: Nếu các cặp vợ chồng trẻ xung đột vì chuyện chồng “khoẻ”, vợ “yếu” thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên, nhưng đây lại là những cặp vợ chông đã vượt qua tuổi “thất thập cổ lai hy”.

Bản thân ông Hoành đã từng phải đi tư vấn và hoà giải cho một đôi vợ chồng già trong thôn. Ông chồng 76 tuổi, bà vợ cũng đã trên 70. Thế nhưng đêm nào “lão dũng sĩ” cũng đòi “lão bà” phải đáp ứng như thuở đôi mươi. Bà cụ không chiều nổi những đòi hỏi của chồng, thế là cụ ông đùng đùng đòi ly thân. Ông Hoành nói: “Sau khi được chúng tôi tư vấn, chia sẻ thì mọi chuyện cũng đã ổn hơn nhưng hiện tại 2 cụ vẫn sống ở nhà 2 người con, chỉ gặp gỡ trong những lần sum họp gia đình. Trường hợp này bạo lực chân tay thì ít mà chủ yếu là bạo lực tinh thần”.

Mô hình “độc”

Theo thống kê sơ bộ của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hải Dương, từ tháng 1/2006 đến tháng 9/2007, trên địa bàn tỉnh có hơn 1.700 vụ bạo lực gia đình, làm 4 phụ nữ thiệt mạng. Tứ Kỳ là một trong những huyện có số vụ bạo lực gia đình diễn ra hàng năm cao. Có lẽ vì vậy mà xã Kỳ Sơn được Sở Văn hoá - Thể thao & Du lịch Hải Dương chọn làm mô hình điểm về PCBLGĐ.

Theo ông Sơn thì sau khi mô hình này ra đời, hiện tượng chồng đánh vợ, con cái ngược đãi bố mẹ hay bạo hành trẻ em trong địa bàn xã đã giảm đi đáng kể. Từ tháng 9/2008 đến nay các đôi đã can thiệp, hoà giải thành công trên dưới 20 vụ xung đột gia đình lớn.

Trong đó có những vụ khó như vụ của gia đình chị Đoàn Thị Y (sinh năm 1971), trú tại thôn Mỗ Đoạn. Năm 1992, chị Y lập gia đình với anh Đoàn Văn T, giờ đã có 2 mặt con, con trai lớn đã 17 tuổi. Anh T thường xuyên rượu chè say xỉn rồi về nhà chửi bới, đánh đập vợ dã man. Trong đơn gửi UBND xã Kỳ Sơn tháng 4/2009, chị Y nêu rõ: “Ngoài đánh đập, chồng tôi còn có những hành vi bất lịch sự như nhổ nước bọt, thậm chí... đái vào mặt vợ. Tối qua, chồng tôi đi uống rượu về đã túm ngực tôi, tay cầm dao nhọn đòi rạch mặt tôi. Trong năm qua, chồng tôi đã đánh tôi 2 lần đi bệnh viện, 2 lần đâm xe máy vào tôi, 2 lần bóp cổ tôi và cầm dao chém hụt tôi nhiều lần”.

Sau khi nhận được đơn của chị Y, UBND xã đã mời vợ chồng anh T chị Y ra trụ sở lập biên bản bắt anh T cam đoan không được có hành vi bạo hành với vợ nữa. Tuy nhiên, biết đây là “con bệnh khó chữa”, ngay sau đó, xã đã yêu cầu nhóm PCBLGĐ số 3 vào cuộc.

Ông Đoàn Văn Kế - Chủ nhiệm câu lạc bộ PCBLGĐ số 3 nhớ lại: Để bảo vệ chị Y, đội đã phải phân công người luôn áp sát, nghe ngóng mọi động tĩnh ở ngôi nhà có nhiều tiếng khóc ấy.

Cứ chị Y phát tín hiệu kêu cứu là ngay lập tức các thành viên của đội có mặt, giúp chị thoát khỏi “đòn thù” của chồng. Kiên trì “bám trụ địa bàn”, kiên trì tuyên truyền vận động, dần dần anh T cũng hiểu ra và nay không còn đánh vợ nữa. “Hiện tại, 2 vợ chồng đã vui vẻ và đồng sức đồng lòng buôn bán nuôi 2 con ăn học”, ông Kế vui mừng thông báo kết quả.

Hạnh phúc của người, niềm vui của mình

Theo ông Nguyễn Thái Sơn, từ khi ra đời đến giờ, chỉ có một trường hợp mà “đội” không cách gì giải quyết được. Đó là trường hợp của gia đình anh Nguyễn Văn N. Anh N “nổi danh” đất Kỳ Sơn và các xã lân cận với tài... ăn trộm. Vì quá “nổi danh” nên dù rất nhiều vụ không bắt được tận tay nhưng hàng xóm láng giềng vẫn cho rằng thủ phạm là N chứ không ai khác.

Khổ nỗi, sự tức giận của thiên hạ lại cứ nhè vào vợ N để trút. Mỗi lần người vợ đáng thương vì uất ức, xấu hổ mà “có nhời” với chồng thì đều được N đáp lại bằng những trận đòn không thương tiếc.

Lần cuối cùng bị chồng ra đòn tàn nhẫn quá, chị vợ đã bỏ trốn lên nhà mẹ đẻ và làm đơn tố cáo hành vi vũ phu của chồng tới các cơ quan chức năng. Kết hợp cùng với mấy vụ ăn trộm bị phát hiện, đầu năm 2007, N đã phải lĩnh gần 2 năm tù giam. Sau khi ra tù, vợ chồng N đã ra toà ly hôn. 3 đứa con nhỏ tan đàn xẻ nghé.

Ông Sơn bảo, ông không muốn những chuyện tương tự tiếp tục xảy ra. Hạnh phúc của người là niềm vui của mình, các thành viên câu lạc bộ PCBLGĐ đều quan niệm thế.

Bởi vậy, ngoài nhiệm vụ giải cứu chị em khỏi những trận đòn của chồng thì các thành viên còn hàn gắn, tái tạo hạnh phúc cho các cặp vợ chồng đang sống trong “địa ngục trần gian”. Chính bởi mục tiêu này mà thành viên của các đội ngoài khả năng phản ứng nhanh còn phải là người “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu” để đưa ra những lời khuyên chính xác, chân tình nhất. Nói phải củ cải cũng phải nghe, đó là mục đích mà mọi câu lạc bộ hướng tới.

Ban chỉ đạo PCBLGĐ xã Kỳ Sơn thành lập tháng 9/2008 do Phó Chủ tịch UBND xã Đoàn Xuân Lộc làm Trưởng ban. Hiện tại ở xã Kỳ Sơn có 5 câu lạc bộ và 5 nhóm PCBLGĐ. Ban Chủ nhiệm mỗi câu lạc bộ gồm 3 người và mỗi nhóm gồm 5 thành viên là đại diện các ban, ngành đoàn thể và công an viên, nhân viên y tế thôn... Được biết, đến nay đã óc 120 gia đình tình nguyện làm đơn xin vào sinh hoạt tại 5 câu lạc bộ trong toàn xã.


Phản hồi của bạn đọc:

Họ tên: Ngô Văn Dũng

Địa chỉ: Gò Công Đông, Tiền Giang

Email: ngovandung67@...

Nội dung:

Một số địa phương xây nhà tạm lánh cho đối tượng bị bạo hành. Nhưng mà nếu đối tượng bị bạo hành là phụ nữ thì làm sao mà yên tâm "tạm lánh". Khi họ vẫn còn đó nổi lo gia đình, con cái? Theo tôi, cách tốt nhất là nên xử tù những người có hành vi bạo hành gia đình.

Theo Nguyễn Thắng (Nông thôn ngày nay)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm